![]() |
Xây dựng văn hóa theo quan điểm của Đảng, là xây dựng một nền văn hóa toàn diện, đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa con người, văn hóa cộng đồng hài hòa. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ |
LTS: Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bên cạnh những chủ trương, đường lối xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa cách mạng luôn là mối quan tâm hàng đầu trong tiến trình cách mạng, trong đường lối chính trị của Đảng. Văn hóa là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội. Bảo vệ nền tảng tư tưởng văn hóa của Đảng là vai trò, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân, trong đó có vai trò của các cấp Hội Phụ nữ, chuyên trang điện tử Pháp luật và Xã hội, Báo Kinh tế & Đô thị có loạt bài ghi nhận.
Quan điểm của Đảng ta về văn hóa
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, nhấn mạnh vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Tiếp nối tư tưởng, quan điểm của Người, nền văn hóa Việt Nam đã chuyển biến mạnh mẽ, có những đóng góp tích cực, quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, soi đường cho sự phát triển, tiến bộ của xã hội, của mỗi quốc gia, dân tộc trong hành trình xây dựng và phát triển.
Tháng 11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, nhắc đến câu nói của một tiền bối, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Từ ngày thành lập đến nay, Đảng luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hoá ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn.
Tháng 12/2024, trong cuộc gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ, Tổng Bí Thư Tô Lâm nói: “Văn hóa là sản phẩm đặc biệt của con người, của dân tộc. Giữ gìn và phát huy sức mạnh của văn hóa là lĩnh vực mà bất cứ quốc gia nào cũng phải quan tâm bởi nhiệm vụ này gắn liền với sự phát triển xã hội, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân và sự vận hành hiệu quả của Nhà nước”.
Đảng ta xác định: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
Đảng ta khẳng định: trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đảng ta cũng đã xác định, chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng; nhấn mạnh đến phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa.
Quan điểm của Đảng ta về công tác phụ nữ
Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn nhất quán các quan điểm đảm bảo và nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ Việt Nam. Đảng khẳng định vị trí, vai trò và quyền bình đẳng của phụ nữ trong đời sống chính trị - xã hội. Đó là quyền của phụ nữ được tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc; quyền được trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản; quyền tham gia vào đội ngũ lãnh đạo, quản lý của Đảng và hệ thống chính trị; quyền được chăm lo, bảo vệ, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức về quyền của mình, nâng cao trình độ, năng lực để làm tốt nhiệm vụ được giao và khẳng định vai trò, địa vị chính trị phụ nữ trong xã hội…
Đúng như quan điểm của Đảng: “Phụ nữ là một lực lượng cách mạng rất lớn. Đảng ta phải hết sức chú ý đem phụ nữ vào trường tranh đấu, phải kéo họ tham gia các hình thức công tác cách mạng tranh đấu”.
![]() |
Kỷ nguyên mới không chỉ mở ra cơ hội để phụ nữ Việt Nam phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, mà còn trao cho họ sứ mệnh tham gia xây dựng một nề văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ảnh: Hội LHPN Việt Nam |
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Chính trị khoá X ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lần đầu tiên, Đảng xác lập 4 quan điểm về công tác phụ nữ một cách hệ thống: “1) Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... 2) Công tác phụ nữ phải sát hợp với từng đối tượng, vùng, miền, phát huy được tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các tầng lớp phụ nữ… phải chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò... 3) Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ... 4) Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó, hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong phát triển văn hóa, phụ nữ đóng vai trò hết sức quan trọng. Phụ nữ là hạt nhân của văn hóa gia đình, từ đó góp phần hình thành nền văn hóa xã hội. Phụ nữ tham gia vào công tác giáo dục con người - hình thành nhân cách đầu tiên khi trước khi mỗi cá thể bước chân vào môi trường giáo dục. Phụ nữ tham gia vào công tác gìn giữ văn hóa, nếp sống, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong văn hóa người Việt. Dù đảm nhiệm nhiều vai trò, nhiều công việc, thì ở vị trí, vai trò nào, phụ nữ cũng chính là hạt nhân văn hóa con người và xã hội.
(Còn nữa)
Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là một công việc rất hệ trọng, rất thiêng liêng |
An Nhiên - Cẩm Chi
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bai-1-phu-nu-la-hat-nhan-cua-van-hoa-gia-dinh-va-xa-hoi-418873.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.