Phát huy vai trò của các cấp Hội Phụ nữ trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng văn hóa của Đảng

Bài cuối: Phát huy vai trò của các cấp Hội Phụ nữ trong bảo vệ nền tảng văn hóa

Trong thời đại 4.0 hiện nay, xâm lấn về văn hóa, nguy cơ của các cuộc trà trộn về tư tưởng văn hóa do các thế lực thù địch gây ra luôn thường trực. Vai trò của phụ nữ trong bảo vệ các nền tảng tư tưởng Đảng trong phát triển văn hóa cần được đề cao hơn nữa.
Bài cuối: Phát huy vai trò của các cấp Hội Phụ nữ trong bảo vệ nền tảng văn hóa
Phụ nữ Việt Nam luôn giữ vai trò trọng yếu trong gia đình và xã hội. Ảnh: Hội LHPN Việt Nam

Những “người giữ lửa” trước các luận điệu xuyên tạc văn hóa

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường thì nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch càng có ý nghĩa cấp thiết. Đối với lĩnh vực văn hóa, có thể nhận diện được những thủ đoạn chống phá mới mà các thế lực thù địch nhắm vào.

Đầu tiên phải kể đến việc xuyên tạc, bôi đen giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống trong đời sống xã hội ta, đồng thời xâm nhập, tuyên truyền, quảng bá văn hóa, lối sống phương Tây; coi rẻ truyền thống văn hóa dân tộc, làm phai mờ các giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng, gieo rắc lối sống phản động, lạc hậu, suy đồi, biến Việt Nam thành “thuộc địa văn hóa” của ngoại bang.

Tiếp đến là cổ xúy cho lối sống vị kỷ, bản năng, suy đồi, thác loạn làm con người Việt Nam bị mất gốc, thành những kẻ nô lệ theo lối sống tiêu cực, tệ nạn, có thể biến thành đồng lõa, thậm chí làm tay sai cho bọn phản động. Chúng dùng “đòn văn hóa” để tiến công về chính trị, chuyển hóa chế độ xã hội chủ nghĩa. Các thế lực thù địch tác động phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và xã hội ta (bao gồm cả nền tảng về tư tưởng văn hóa).

Nhức nhối nhất, là trắng trợn xuyên tạc lịch sử. Chúng đưa những luận điệu dối trá, đổi trắng thay đen đó nhằm thực hiện ý đồ chính trị nham hiểm là hạ bệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và những giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, hạ thấp vai trò lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, loại bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam.

Đang diễn ra thường xuyên hơn trên các nền tảng mạng, là các thế lực thù địch xuyên tạc, bài xích, bác bỏ văn hóa, đạo đức, lối sống truyền thống dân tộc, văn hóa, đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, thông qua các hình thức giao lưu, hợp tác về văn hóa, khoa học, giáo dục, thông tin... dùng mọi thủ đoạn, mọi con đường công khai và lén lút, đưa các sản phẩm phi văn hóa, phản văn hóa có nội dung phản động, đồi trụy từ nước ngoài vào Việt Nam nhằm thu hút lớp trẻ đi theo lối sống thực dụng, bản năng, vị kỷ, phi nhân tính, sùng ngoại. Mặt khác, chúng còn chỉ đạo bọn cơ hội trong nước sản xuất những sản phẩm có nội dung tư tưởng độc hại, bôi nhọ nền văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đồng thời các thế lực thù địch cũng chống phá cơ sở nền tảng tư tưởng văn hóa xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hòng làm thay đổi quan điểm, đường lối, cương lĩnh xây dựng nền văn hóa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam xác định; từ đó đi đến xoá bỏ vai trò nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống chính trị - tinh thần của xã hội ta nói chung. Thông qua các hoạt động thực hiện âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực văn hóa, các thế lực thù địch nhằm làm cho Nhân dân Việt Nam, nhất là lớp trẻ và các lực lượng vũ trang, xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Cuối cùng là chúng lợi dụng sự khác nhau về văn hóa giữa các dân tộc, tôn giáo, vùng, miền để kích động chia rẽ làm mất đoàn kết giữa các lực lượng trong xã hội. Chúng ra sức mua chuộc, dụ dỗ, khống chế, làm chuyển hóa cán bộ, thế hệ trẻ, làm cho họ tha hóa về văn hóa, đạo đức, lối sống; lợi dụng sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam để du nhập các sản phẩm phi văn hóa, phản văn hóa. Thông qua các hoạt động như xâm nhập bằng băng nhạc, đĩa hình, sách báo... có nội dung xấu, độc phản văn hóa để khuyến khích lối sống sa đọa, khuyến khích ăn chơi xa hoa, trụy lạc, trái với thuần phong mỹ tục, những chuẩn mực văn hóa, đạo đức, lối sống của người Việt Nam.

Đất nước ta, vừa trải qua nhiều lễ kỷ niệm quan trọng, trong đó, nổi bật là các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Thông qua hoạt động quan trọng là lễ diễu binh, diễu hành của các khối thuộc lực lượng vũ trang Nhân dân, điểm dễ nhận thấy là tình đoàn kết dân tộc, sự gắn kết của quân với dân, tình cảm mến thương của đồng bào miền Nam nói riêng, cả nước nói chung cho các khối diễu binh, diễu hành. Nhưng trên các nền tảng mạng xã hội, đã xuất hiện nhiều luận điệu chống phá, các thế lực thù địch, thông qua rất nhiều kênh cá nhân, tổ chức trá hình đã đưa ra các quan điểm xuyên tạc về lễ diễu binh, diễu hành, thông tin sai lệch lịch sử, thậm chí là đưa quan điểm thiếu khách quan, không chính xác về văn hóa người Việt, kích động chia rẽ vùng miền, có nhiều nội dung nhắm vào việc bôi xấu hình ảnh người phụ nữ thông qua việc cắt ghép, chỉnh sửa các video họ chào đón các khối diễu binh.

Với những diễn biến phức tạp đó, vai trò của các cấp hội phụ nữ trong việc giữ gìn văn hóa, đấu tranh chống lại các luận điệu sai lệch về văn hóa cần được phát huy hơn nữa. Bởi phụ nữ chính là “người giữ lửa” văn hóa gia đình, nhân lên những giá trị truyền thống trong văn hóa xã hội. Thi sĩ Hoàng Trần Cương từng có những dòng thơ về: “Mẹ là trầm tích của bạt ngàn thương mến/ Xanh mát bầu trời đượm ấm hương quê/ Đưa ngọn gió trở về xóm nhỏ/ Đưa cơn mưa xuống mạch giếng làng/ Đưa mây trắng về trời khêu lại nắng/ Đưa nỗi buồn ra khỏi thôn trang” (trích bài thơ: Những viên đá lẻ).

Xung kích trong việc bảo vệ các nền tảng văn hóa của dân tộc

Người phụ nữ trong gia đình và xã hội, là “trầm tích” văn hóa, là người gắn kết gia đình và cộng đồng. Vì vậy, vai trò gìn giữ, phát triển văn hóa, đấu tranh chống lại những tư tưởng sai lầm về văn hóa của họ là không thể phủ nhận. Hội phụ nữ các cấp chính là lực lượng xung kích, hoạt động có hiệu quả trong việc bảo vệ các nền tảng văn hóa của dân tộc, các quan điểm về văn hóa của Đảng, Nhà nước.

Những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội đã vượt qua khó khăn, năng động sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ nền tảng văn hóa, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của địa phương và Thủ đô. Từ những hoạt động sôi nổi, nhiều điển hình tiên tiến với các mô hình mới, cách làm hay đã xuất hiện, góp phần khẳng định vai trò, vị thế phái đẹp trong xã hội, đặc biệt là trong việc bảo vệ, xây dựng văn hóa cộng đồng và gia đình.

Bài cuối: Phát huy vai trò của các cấp Hội Phụ nữ trong bảo vệ nền tảng văn hóa
Phụ nữ Thủ đô đồng diễn dân vũ mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: hanoi.gov.vn

Các cấp hội phụ nữ và từng thành viên là những tuyên truyền viên giỏi, đã luôn quán triệt và tổ chức tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; có nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước trong hội viên và toàn xã hội; tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố quốc phòng - an ninh, tham gia các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương.

Các cấp hội cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác vận động hội viên, phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường tại các địa phương. Để người dân trong cộng đồng tin, cộng tác cùng chung tay, các chi hội trưởng đã gương mẫu đi đầu tham gia phong trào phụ nữ chung tay vì một cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp tạo nên nét đẹp văn hóa cộng đồng.

Phụ nữ góp phần xây dựng văn hóa cộng đồng, đoàn kết dân cư. Xây dựng các khu dân cư văn hóa, là hạt nhân của văn hóa xã hội. Xây dựng nếp sống mới, tích cực trong các hoạt động văn hóa của địa phương, giữ gìn phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc, nhân lên các điển hình tiên tiến, nói lời hay, hành động đẹp. Có vai trò định hướng con cháu trong gia đình về văn hóa ứng xử, văn hóa nơi công cộng. Từng hành động văn hóa của cá nhân mỗi người sẽ góp phần kiến tạo một xã hội văn hóa, văn minh.

Các cấp Hội Phụ nữ tham gia bảo vệ các quan điểm nền tảng của Đảng về bình đẳng giới. Thực tế hiện nay, nhiều người, hoặc nhiều thế lực thù địch cố tình đưa tin sai về bình đẳng giới tại Việt Nam. Về mặt pháp lý, theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới thì bình đẳng giới là đấu tranh cho mọi giới tính, cho tất cả mọi người. Mục tiêu của bình đẳng giới là giới tính không phải giới hạn. Bình đẳng thực chất chỉ đạt được khi đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của tất cả các giới tính. Và phụ nữ là những người phát huy công việc này tốt nhất.

Trải qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với nhiều biến cố, thăng trầm khác nhau mà nền văn hóa dân tộc được hình thành, phát triển. Văn hóa dân tộc là “những đặc trưng tiêu biểu, riêng có, không thể trộn lẫn với dân tộc khác, biểu hiện sức sống, sức sáng tạo, sức phát triển của dân tộc ta”, được tạo nên bởi sự tổng hợp của văn hóa con người trong suốt tiến trình lịch sử. Trong đó, phần quan trọng và có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến đặc điểm văn hóa dân tộc là vai trò của người phụ nữ Việt Nam.

Người phụ nữ nắm giữ vai trò quan trọng và quyết định đối với sự hình thành, phát triển tính cách và phong thái của con người. Con người được hình thành trong cơ thể của người phụ nữ và ngay từ khi mới sinh ra, họ lại được nuôi dưỡng, chăm sóc trong lòng mẹ, bà, chị... Hơi ấm yêu thương, bàn tay đảm đang, ân cần và những câu hát ru của những người phụ nữ có giá trị đặc biệt đối với sự hình thành tính cách, phong thái của đứa trẻ.

Đúng như Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đã khẳng định: “Phụ nữ vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người”. Họ không chỉ là những chiến sĩ chống ngoại xâm kiên cường dũng cảm, là người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh mà còn là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc.

Bài 1: Phụ nữ là hạt nhân của văn hóa gia đình và xã hội Bài 1: Phụ nữ là hạt nhân của văn hóa gia đình và xã hội

An Nhiên - Cẩm Chi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.