Nghệ sĩ trẻ “tiếp lửa” văn hóa truyền thống

Bài 3: Điện ảnh đang hồi sinh văn hóa truyền thống

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng, thông qua phim ảnh, một đất nước có thể mở cửa, giới thiệu với cả thế giới về đất nước, thiên nhiên, phong cảnh cùng các tập tục, nét văn hóa, bản sắc riêng, nhằm đem đến cho khán giả những điều “trăm nghe không bằng mắt thấy”.
Bài 3: Điện ảnh đang hồi sinh văn hóa truyền thống
Một phân cảnh trong phim Đèn âm hồn. Ảnh: ĐLP

Hành trình đi tìm "hồn cốt" Việt

Phim điện ảnh “Đèn âm hồn” của đạo diễn Hoàng Nam là một trong những phim ấn tượng mùa phim Tết 2025 khi được khán giả đánh giá cao ở đề tài và sự đầu tư về hình ảnh, tạo nên một màu sắc rất riêng biệt so với những phim ra mắt cùng thời điểm. Phim lấy ý tưởng từ truyện ngắn “Chuyện người con gái Nam Xương” trong tuyển tập “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ. Nam đạo diễn chọn lọc một số tình tiết trong nguyên tác đưa vào kịch bản, phần lớn câu chuyện được làm mới. Điều khiến khán giả ấn tượng là phim có sự lồng ghép những giá trị văn hóa dân gian Việt Nam, trong đó có phong tục thờ cúng tổ tiên, văn hóa làng xã,…

Bối cảnh phim được quay tại vùng đất Cao Bằng với những thiên nhiên hùng vĩ. Khung cảnh làng quê Bắc Bộ được tái hiện chân thực qua từng bộ trang phục, từng nếp nhà hay từng nghi thức văn hóa nhằm tôn vinh vẻ đẹp văn hóa truyền thống. Phim không chỉ làm nổi bật thế giới tâm linh kỳ bí mà còn mang đến thông điệp ý nghĩa về niềm tin, sự hy sinh và tình yêu trong gia đình Việt.

Để thực hiện bộ phim, Hoàng Nam - một đạo diễn tay ngang đã có hành trình 10 năm nghiên cứu nội dung, 3 năm hoàn thiện kịch bản. Nam đạo diễn đã đi rất nhiều nơi để khám phá những nét đẹp văn hóa dân tộc, từ đó chắt chiu những nét đặc sắc đưa lên phim một cách gần gũi và cảm xúc. Bên cạnh đó, kỹ xảo hình ảnh được thực hiện chỉn chu, các diễn viên của phim đa phần là người trẻ nhưng đều diễn tròn vai cũng là điểm cộng của phim. Với những thế mạnh đó, phim thu về hơn 100 tỷ đồng là một thành công ấn tượng của dòng phim thể loại tâm linh. Đạo diễn Hoàng Nam cho biết, anh sẽ không dừng lại ở "Đèn âm hồn", mà còn ấp ủ nhiều dự án điện ảnh khác, tiếp tục khai thác thể loại kinh dị dân gian.

Ngoài “Đèn âm hồn”, điện ảnh Việt có khá nhiều phim cũng đưa chất liệu văn hóa dân tộc vào quá trình sáng tạo. Tiêu biểu như “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” của Lý Hải ra rạp năm 2023, anh đã đưa làng chiếu Định Yên giai đoạn hưng thịnh của Đồng Tháp lên phim. Để tái hiện không khí nô nức của làng chiếu Định Yên, đoàn phim đã xây dựng nhiều lò nhuộm lát, sân phơi lát, phơi chiếu, phiên chợ chiếu quy mô lớn. Không dừng lại ở đó, sang đến “Lật mặt 7: Một điều ước”, Lý Hải tiếp tục đưa nét đẹp của làng nghề vào phim, đó là nghề trồng hoa. Ê kíp đã xây dựng cả vườn hoa bất tử rộng lớn, phải trải qua những khó khăn suốt nhiều tháng mới có được vườn hoa rực rỡ phục vụ cho công việc quay phim.

Lý Hải cho biết, anh luôn muốn cài cắm nét văn hóa truyền thống vào phim của mình để khán giả không chỉ xem phim giải trí mà còn hiểu, yêu hơn nét đẹp văn hóa quê hương, đất nước. “Tôi muốn truyền tải thông điệp về nét đẹp đất nước, con người Việt Nam, góp phần phát triển du lịch. Với việc đưa nghề trồng hoa bất tử vào tác phẩm, kỳ vọng sau khi xem phim, khán giả sẽ nhớ về hoa bất tử, người trồng hoa sẽ trồng lại loài hoa này, gây dựng lại nghề đang bị mai một”- Lý Hải bày tỏ.

Một dự án khác cũng để lại trong lòng khán giả dấu ấn đậm nét khi đưa nghề khảm sành sứ của xứ Huế làm chất liệu văn hóa chủ đạo trong phim là “Linh miêu”. Đơn vị sản xuất cho biết, nghề khảm sành xuất xứ từ dân gian, đến thế kỷ XVII thì trở thành nghệ thuật trang trí trong cung đình Huế. Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, những mảnh vỡ sành sứ đã góp phần tạo nên vẻ đẹp cổ xưa, nhưng cũng đầy nguy nga, tráng lệ cho nhiều công trình, từ lăng tẩm, đền đài,…

Nhà sản xuất phim “Linh miêu” Mai Bảo Ngọc chia sẻ, ê kíp phim muốn mượn “Linh miêu” để gửi gắm sự phát triển và vẻ đẹp của văn hóa Huế, cụ thể là nghệ thuật khảm sành, giúp người xemcảm nhận hành trình từ nét đẹp dân gian trở thành làng nghề, biến hóa nên nghệ thuật trang trí cung đình đáng tự hào của người dân cố đô Huế.

Bài 3: Điện ảnh đang hồi sinh văn hóa truyền thống
Tạo hình của nam chính trong phim Thám tử Kiên Ảnh: ĐLP

Khi điện ảnh “kết duyên” cùng thời trang

Và tất nhiên, trong những bộ phim điện ảnh lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống sẽ không thể thiếu dấn ấn phục trang. Tiêu biểu như phim “Linh miêu” còn làm nổi bật cổ phục áo dài của người Việt. Hay như bộ phim “Phượng Khấu” ra mắt năm 2020 được xem là một trong những tác phẩm tiên phong trong việc đầu tư bài bản cho phục trang cung đình triều Nguyễn. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết, Phượng Khấu chính là bộ phim có phục trang gần giống nhất so với triều đại thời Nguyễn. Ê kíp đã sử dụng 500 bộ trang phục gồm quần, áo, giày, mũ,…

Mọi yếu tố để làm nên từng bộ trang phục như chất liệu, họa tiết, màu sắc, phong cách mặc,… đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, góp phần tạo nên bối cảnh phim vừa sinh động, đẹp mắt, vừa đảm bảo sự chân thật, gần gũi với lịch sử. Được biết, đội ngũ thiết kế cổ phục có nhiều nhà thiết kế trẻ tài năng, tâm huyết, không ngừng sáng tạo để đưa cổ phục Việt đến gần công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Và gần đây nhất, phim “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu” của đạo diễn Victor Vũ cũng được đánh giá cao ở sự đầu tư công phu cho phục trang. Ê kíp đã nỗ lực phục dựng cổ phục Việt với gần 1.000 bộ trang phục may thủ công, phù hợp cho các vai từ chính đến phụ. Trang phục trong phim còn được phân cấp chặt chẽ theo địa vị xã hội như tầng lớp quý tộc thì khoác áo dài lụa, đội khăn vấn, nón quai thao tinh xảo, còn người lao động thì mặc áo tứ thân mộc mạc.

Nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp cho biết, mỗi thiết kế đều được nghiên cứu kỹ lưỡng từ sử liệu, góp phần tái hiện chân thực xã hội đương thời. Còn Victor Vũ cũng chia sẻ: "Càng quay, tôi càng nhận ra cổ phục Việt phong phú, do đó muốn tôn vinh nét đẹp này. Chúng tôi nỗ lực để tạo dấu ấn cho mỗi phim, đồng thời mong khán giả hiểu hơn về văn hóa qua từng thời kỳ".

Đạo diễn Bùi Trung Hải cho rằng, cổ phục đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong các bộ phim lịch sử hay những tác phẩm lấy bối cảnh quá khứ. Phim cổ trang đòi hỏi quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng về trang phục. Trong điện ảnh, tính hiện thực là yếu tố then chốt. Nếu trang phục không phù hợp với bối cảnh lịch sử mà bộ phim tái hiện, sẽ tạo ra cảm giác phản cảm, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người xem.

Có thể thấy, điện ảnh chính là cầu nối để kết nối, lan tỏa văn hóa theo nhiều cách khác nhau. Và ngược lại, văn hóa chính là tư liệu giá trị tham gia và góp phần tạo nên chất lượng nội dung và nghệ thuật cho tác phẩm điện ảnh. Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú, thông qua phim ảnh, một đất nước có thể mở cửa, giới thiệu với cả thế giới về đất nước, thiên nhiên, phong cảnh cùng các tập tục, nét văn hóa, bản sắc riêng, nhằm đem đến cho khán giả những điều “trăm nghe không bằng mắt thấy”.

(Còn nữa)

Gắn trường quay điện ảnh và truyền hình với du lịch, văn hóa, sử dụng bối cảnh các bộ phim tiêu biểu được khán giả yêu thích từ trước đến nay luôn là động cơ và mục tiêu của nhiều quốc gia, nhiều nền điện ảnh và truyền hình. Đây cũng là bài học cho các nhà làm phim Việt Nam. Đó không chỉ là cách đưa văn hóa đến gần người xem trong nước, mà còn là cách để đưa phim đi xa hơn và ghi dấu ấn riêng với khán giả thế giới.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú

Bài 1: Biến âm nhạc thành bệ phóng phát triển văn hóa truyền thống Bài 1: Biến âm nhạc thành bệ phóng phát triển văn hóa truyền thống

Ra mắt đầu tháng 3/2025 đến nay, MV ca nhạc “Bắc Bling” của Hòa Minzy vẫn chưa ngừng gây sốt. Chỉ sau 24h, sản phẩm ...

Bài 2: Chiến lược bài bản, gặt hái thành công Bài 2: Chiến lược bài bản, gặt hái thành công

Các chuyên gia cho rằng, để đưa chất liệu văn hóa truyền thống vào âm nhạc thành công, các nghệ sĩ cần nghiên cứu kỹ ...

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.