Nền tảng pháp lý vững chắc giúp quản lý đất đai hiệu quả

TP Hà Nội đã ra Nghị quyết quy định mức tiền phạt áp dụng đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP Hà Nội. Việc nâng cao mức phạt vi phạm là hoàn toàn cấp thiết để siết chặt công tác quản lý đất đai hiệu quả.
Nền tảng pháp lý vững chắc giúp quản lý đất đai hiệu quả
Lực lượng chức năng xã Tân Triều, huyện Thanh Trì cưỡng chế công trình nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp. Ảnh: V.B

Quyết sách mạnh mẽ về thể chế

TP Hà Nội đã ra Nghị quyết quy định mức tiền phạt áp dụng đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP Hà Nội. Đây là quyết sách mạnh mẽ về thể chế, chính sách, thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền TP.

Cụ thể, Nghị quyết quy định mức tiền phạt áp dụng đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP Hà Nội (được HĐND TP Hà Nội khoá XVI, kỳ họp thứ 22 thông qua ngày 29/4/2025, có hiệu lực từ ngày 1/9/2025).

Theo ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Hà Nội, TP Hà Nội đang đối mặt với áp lực lớn về phát triển hạ tầng và đô thị hóa. Việc quản lý chặt chẽ đất đai sẽ giúp đảm bảo sử dụng nguồn đất hiệu quả, phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện chất lượng sống của người dân.

Do tính cấp thiết trong công tác quản lý đất đai, Nghị quyết quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của TP Hà Nội lần này đã được hoàn thiện và trình ban hành sớm hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu.

Ông Nguyễn Xuân Đại cho biết, thay vì chờ đến cuối năm để đồng bộ với các văn bản hướng dẫn từ T.Ư, Sở NN&MT Hà Nội đã chủ động, kịp thời tham mưu cho UBND TP đẩy nhanh quá trình xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các sở, ngành và đơn vị liên quan để trình HĐND thông qua tại kỳ họp thứ 22 - Kỳ họp chuyên đề của HĐND cuối tháng 4 vừa qua.

Theo đó, Sở NN&MT Hà Nội đã tham mưu xây dựng Nghị quyết để nâng mức xử phạt lên gấp 2 lần đối với 71 hành vi vi phạm hành chính áp dụng mức phạt tiền từ Điều 8 đến Điều 29 theo Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04/10/2024 của Chính phủ.

“Đơn cử, với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã, Khoản 3 Điều 8 Nghị định 123 quy định phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,1 ha trở lên. Với Nghị quyết HĐND TP Hà Nội vừa thông qua, mức phạt này sẽ tăng lên từ 300-400 triệu đồng đối với cá nhân (từ 600 - 800 triệu đồng đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm)” – ông Nguyễn Xuân Đại cho hay.

Giám đốc Sở NN&MT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh, tăng mức xử phạt là yêu cầu cấp thiết để lập lại trật tự trong quản lý đất đai, nhất là tại các địa bàn giáp ranh, vùng đang chịu áp lực đô thị hóa, nơi đất đai có giá trị cao và dễ phát sinh tiêu cực. Không chỉ nhằm răn đe, việc nâng mức xử phạt còn giúp tăng tính nghiêm minh của pháp luật, khẳng định quyết tâm chính trị của TP trong việc bảo vệ tài nguyên, quản lý sử dụng đất đai đúng mục đích, đúng quy hoạch.

Đây cũng là biện pháp cần thiết để chấn chỉnh kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý và chính quyền cơ sở, từ đó ngăn chặn tình trạng buông lỏng, né tránh, hoặc làm ngơ trước vi phạm.

Nền tảng pháp lý vững chắc giúp quản lý đất đai hiệu quả
Đội Quản lý trật tự xây dựng và đô thị huyện Mỹ Đức cùng lực lượng chức năng xã tháo dỡ công trình vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng trên địa bàn xã Tuy Lai. Ảnh: K.V

Giúp quản lý đất nông nghiệp hiệu quả

Theo các chuyên gia, Nghị quyết quy định mức tiền phạt áp dụng đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP Hà Nội được xem là một trong những giải pháp quan trọng và cấp thiết nhằm siết chặt kỷ cương, văn minh đô thị, nâng cao hiệu quả công tác quản lý trên địa bàn TP Hà Nội.

Nghị quyết được ban hành cũng chính là quyết sách mạnh mẽ về thể chế, chính sách, thể hiện sự quyết liệt và quyết tâm cao của TP Hà Nội trong việc siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, nhằm kiến tạo một đô thị hiện đại, văn minh.

Việc ban hành Nghị quyết riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai không chỉ mang ý nghĩa về mặt chế tài, mà còn tạo nền tảng pháp lý vững chắc để các sở, ngành, địa phương phát huy vai trò nòng cốt trong việc kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng đất. Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý đất đai theo hướng bền vững, đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong thực thi pháp luật ở cơ sở. Và khi các chế tài được thiết kế rõ ràng, phù hợp thực tiễn và đủ mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sẽ không còn là điểm nghẽn, mà trở thành công cụ hữu hiệu để siết chặt kỷ cương trong quản lý đất đai.

Giám đốc Sở NN&MT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại chia sẻ, để Nghị quyết quy định mức tiền phạt áp dụng đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai sớm đi vào thực tiễn, Sở NN&MT Hà Nội sẽ tổ chức triển khai ngay công tác thông tin tuyên truyền.

Theo đó, Sở NN&MT Hà Nội sẽ tích cực phối hợp với các xã, phường, trường học và tổ chức đoàn thể để tuyên truyền bằng nhiều hình thức như loa truyền thanh, mạng xã hội, tài liệu in ấn, thậm chí xây dựng clip ngắn để tuyên truyền.

Đồng thời, lập các tổ công tác liên ngành, kiểm tra thường xuyên, xử lý kiên quyết và công khai. Các hành vi chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Thường trực Thành ủy Hà Nội giao ban với các quận, huyện về quản lý đất đai, sắp xếp tổ chức bộ máy Thường trực Thành ủy Hà Nội giao ban với các quận, huyện về quản lý đất đai, sắp xếp tổ chức bộ máy
Không nhân nhượng với vi phạm về đất đai, xây dựng Không nhân nhượng với vi phạm về đất đai, xây dựng

Văn Biên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.