![]() |
Văn nghệ chào mừng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025). Ảnh: BTC |
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và đông đảo tác giả là các văn nghệ sĩ, các nhà báo trong và ngoài nước. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO).
Giải thưởng năm nay thu hút sự tham gia tích cực với hơn 1.500 tác phẩm, phản ánh chiều sâu tư tưởng, tình cảm và trách nhiệm trong việc lan tỏa các giá trị cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các tác phẩm thuộc nhiều thể loại: văn học, mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc, múa, sân khấu, kiến trúc, báo chí và xuất bản.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao 12 giải A, 56 giải B, 99 giải C và 102 giải Khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc trong hạng mục sáng tác. Bên cạnh đó, nhiều tập thể và cá nhân có đóng góp nổi bật trong hoạt động quảng bá cũng được vinh danh.
![]() |
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương trao Giải tác giả nước ngoài xuất sắc. Ảnh: BTC |
Đáng chú ý, ở lĩnh vực báo chí, phim tài liệu “Di sản từ trái tim” của nhóm tác giả Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Nghệ An được trao giải A. Trong lĩnh vực điện ảnh, phim tài liệu “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và mẫu mực” do Điện ảnh Quân đội Nhân dân thực hiện cũng xuất sắc đạt giải cao nhất.
Ở chuyên ngành mỹ thuật, tác phẩm “Chiến thắng B52” và “Theo bước chân của Hồ Chí Minh” của họa sĩ người Pháp gốc Rumani – Georg Esco – đã để lại ấn tượng sâu sắc. Đây là minh chứng sống động cho tầm ảnh hưởng toàn cầu của tư tưởng Hồ Chí Minh.
![]() |
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả tại hạng mục sáng tác. Ảnh: BTC |
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá, là kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Việc học tập và làm theo Bác đã trở thành một nhu cầu tự thân, một nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội hiện đại”.
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ xúc động trước những tác phẩm đặc sắc đến từ bạn bè quốc tế như bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ người Pháp hay triển lãm về Bác do Bảo tàng Lịch sử Pháp phối hợp tổ chức.
“Đó là minh chứng cho lòng ngưỡng mộ và sự kính trọng sâu sắc của bạn bè năm châu đối với vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam” – Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, cần tiếp tục đầu tư cho công tác sáng tác, quảng bá các tác phẩm về Bác, phát huy vai trò văn học, nghệ thuật, báo chí trong cổ vũ tinh thần yêu nước, khơi dậy sức mạnh nội sinh, góp phần gìn giữ và lan tỏa di sản tư tưởng, văn hóa Hồ Chí Minh.
Mộc Miên
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vinh-danh-cac-tac-pham-tieu-bieu-ve-hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh-419307.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.