Đề xuất quy định thời gian phù hợp, thực hiện các quy trình bầu cử chặt chẽ, minh bạch

Ngày 21/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.
Quang cảnh phiên làm việc sáng 21/5 tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc sáng 21/5 tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân điều chỉnh, bổ sung một số nội dung có liên quan đến mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, như: thẩm quyền quyết định việc xác định khu vực bỏ phiếu; việc tăng số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử ở cấp xã; bổ sung thành phần đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tham dự các hội nghị hiệp thương ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bổ sung quy định chuyển tiếp, quy định đối với những nơi hiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường.

Bên cạnh đó, sửa đổi nội dung liên quan đến giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử. Trong đó, đối với khoảng thời gian từ thời điểm cuối nộp hồ sơ ứng cử tới ngày bầu cử rút ngắn từ 70 ngày xuống còn 42 ngày, nhưng vẫn đảm bảo tổng thời gian từ hạn cuối công bố ngày bầu cử đến ngày bầu cử là 115 ngày như luật hiện hành.

Đối với khoảng thời gian từ ngày bầu cử đến ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, điều chỉnh giảm thời gian một số bước như: thời hạn công bố kết quả bầu cử, danh sách trúng cử; thời gian tiếp nhận khiếu nại kết quả bầu cử và xem xét giải quyết khiếu nại kết quả bầu cử; thời gian tiến hành bầu cử thêm, bầu cử lại. Ngoài ra, luật còn sửa đổi, bổ sung 5 điều liên quan đến các vướng mắc trong công tác bầu cử cần sửa ngay và bổ sung 1 khoản vào điều hướng dẫn thi hành.

Về quy định xác định khu vực bỏ phiếu, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) kiến nghị bổ sung quy định UBND cấp xã có trách nhiệm báo cáo UBND cấp tỉnh về phương án xác định khu vực bỏ phiếu; trường hợp cần thiết theo đề nghị của UBND cấp xã do yêu cầu bảo đảm thống nhất trên địa bàn tỉnh thì UBND cấp tỉnh có thể điều chỉnh về khu vực bỏ phiếu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) phát biểu
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) phát biểu

Cũng về nội dung này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huy (đoàn tỉnh Thái Bình) cho rằng, công tác xác định khu vực bỏ phiếu là rất quan trọng, bảo đảm sự thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện quyền bầu cử và việc này phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nếu không dễ dẫn đến tùy tiện trong việc xác định khu vực bỏ phiếu và có thể xảy ra sai sót, vi phạm trong bầu cử. Việc giao UBND cấp xã xác định khu vực bỏ phiếu để tăng tính chủ động trong công tác bầu cử là phù hợp trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Tuy nhiên, dự thảo luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc giám sát, kiểm tra khu vực bỏ phiếu tương tự như quy định trong luật hiện hành về trách nhiệm bầu cử của các cơ quan liên quan.

Đề cập về quy định giảm thời gian thực hiện các quy trình bầu cử, đại biểu Nguyễn Quang Huy cho rằng, đây là yêu cầu chính trị quan trọng đặt ra trong quá trình sửa đổi luật. Tuy nhiên, quy định rút ngắn thời gian về quy trình bầu cử trong dự thảo Luật là gấp rút và có thể gây khó khăn cho quá trình thực thi, nhất là công việc của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức các hội nghị hiệp thương. Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc để quy định thời gian cho phù hợp với yêu cầu công việc đặt ra, bảo đảm thực hiện các quy trình bầu cử chặt chẽ, minh bạch.

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (đoàn tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, theo Dự thảo Luật, hầu hết thời gian trong các quy trình bầu cử giảm quá nhiều. Trong đó, đại biểu lưu ý, phần việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là công việc khó, cần bảo đảm thời gian để thực hiện, vì vậy, cơ quan soạn thảo luật cần cân nhắc để có quy định phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng tình cao với quy định tại Dự thảo Luật về vận động bầu cử theo hình thức trực tuyến và trực tiếp kết hợp trực tuyến, song, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, quy định này chỉ nên áp dụng khi có tình huống dịch bệnh, thiên tai khẩn cấp, còn thông thường thì nên tổ chức trực tiếp; nhất là những đại biểu tham gia ứng cử lần đầu phải đến trực tiếp ở nơi tham gia ứng cử để cử tri biết đại biểu như thế nào.

Góp ý thêm về quy định này, một số ý kiến khác cũng cho rằng, vận động bầu cử theo hình thức trực tuyến là điểm tiến bộ và hiện đại hóa quá trình thực hiện dân chủ, song Dự thảo Luật chưa làm rõ nguyên tắc để bảo đảm tính minh bạch, an toàn thông tin, tránh giả mạo. Thực tế, việc mở rộng hình thức vận động bầu cử trực tuyến là tích cực nhưng chưa có quy định kỹ thuật nào bảo đảm an toàn thông tin, xác thực người tham gia, ghi nhận ý kiến cử tri hoặc lưu trữ kết quả hợp lệ.

Từ đó, đề nghị bổ sung quy định Hội đồng Bầu cử quốc gia có trách nhiệm ban hành quy định kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin, xác nhận danh tính và lưu trữ nội dung hội nghị tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến; giao Chính phủ hoặc Hội đồng Bầu cử quốc gia ban hành hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn hệ thống lưu trữ và kiểm tra tính hợp lệ.

Nguyễn Vũ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.