Tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, an toàn môi trường giáo dục trong năm 2025

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình an ninh trật tự, tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao và mua bán người, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các trường trực thuộc yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, ổn định trong năm 2025.
Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hà Nội tổ chức tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường Trung học cơ sở Lĩnh Nam. Ảnh: C.P
Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội tổ chức tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường Trung học cơ sở Lĩnh Nam. Ảnh: C.P

Thực hiện Kế hoạch số 53/KH-BCĐ ngày 5/2/2025 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người năm 2025; Công điện số 139/CĐ-TTg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng; để chủ động kiểm soát tình hình, tiếp tục giữ vững an ninh trật tự, an toàn trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường chuyên biệt trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, các nhà trường cần quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động và học sinh, sinh viên về tầm quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong nhà trường. Tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật như: cờ bạc, cá độ bóng đá, mại dâm, tín dụng đen, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, pháo nổ… Đồng thời, nhà trường cần phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ các dịch vụ xung quanh khu vực trường học như quán internet, cơ sở cầm đồ, lô đề, hàng quán có dấu hiệu phức tạp về an ninh.

Một điểm nhấn quan trọng trong công văn là yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác và trách nhiệm phòng ngừa tội phạm cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên và cả gia đình, cộng đồng. Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, các loại hình tội phạm công nghệ cao lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi. Do đó, nhà trường cần cảnh báo kịp thời về các thủ đoạn lợi dụng học sinh, sinh viên để mở tài khoản ngân hàng, thuê bao điện thoại, từ đó thực hiện hành vi phi pháp.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống mua bán người cũng được nhấn mạnh, đặc biệt là vào các dịp như "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người" và "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7". Các hoạt động tuyên truyền cần được tổ chức linh hoạt, sáng tạo, tận dụng mạng xã hội và internet để lan tỏa thông tin, giúp học sinh, sinh viên nhận diện các chiêu trò dụ dỗ xuất khẩu lao động bất hợp pháp với lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng trong quản lý, giáo dục, nắm bắt kịp thời tâm lý, biểu hiện bất thường của học sinh, sinh viên. Qua đó, kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người học. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự trong trường học cần được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc.

Hà Nội: đảm bảo thực hiện tốt ba nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục
Hà Nội phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2025
Tổ chức các hoạt động, đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên dịp Hè 2025

Mây Hạ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.