EU áp gói trừng phạt thứ 18 với Nga: siết SWIFT, hạ giá dầu, mở rộng hạn chế thương mại

Liên minh châu Âu (EU) đang xúc tiến kế hoạch áp đặt gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga, trong bối cảnh xung đột Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
EU áp gói trừng phạt thứ 18 với Nga: siết SWIFT, hạ giá dầu, mở rộng hạn chế thương mại
EU đang xem xét tiếp tục áp thêm một lệnh trừng phạt nữa với Nga.

Theo đó, nội dung của gói trừng phạt mới này được đánh giá là cứng rắn nhất từ trước tới nay, bao gồm việc loại bỏ 20 ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, hạ trần giá dầu Nga và mở rộng các hạn chế thương mại.

Theo nguồn tin từ các quan chức EU, một trong những biện pháp trung tâm của gói trừng phạt thứ 18 là loại 20 ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, qua đó cắt đứt các kênh thanh toán quốc tế của Moskva. SWIFT vốn là mạng lưới tài chính then chốt cho giao dịch toàn cầu, và việc bị loại khỏi hệ thống này sẽ giáng một đòn mạnh vào hoạt động tài chính của Nga.

Song song đó, EU cũng đang đề xuất hạ trần giá dầu thô Nga từ 60 USD xuống còn 45 USD mỗi thùng, với mục tiêu trực tiếp làm suy giảm nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng, một trong những nguồn lực kinh tế chủ chốt nuôi dưỡng cuộc chiến của Moscow tại Ukraine.

Động thái này được thúc đẩy bởi Anh và nhiều nước G7, trong bối cảnh nhóm này thể hiện lập trường sẵn sàng gia tăng sức ép kinh tế nếu Nga không cho thấy thiện chí trong các cuộc đàm phán hòa bình.

Ngoài ra, gói trừng phạt mới cũng dự kiến bao gồm hàng loạt hạn chế thương mại trị giá khoảng 2,5 tỷ euro (tương đương 2,84 tỷ USD), tập trung vào các công nghệ và thiết bị có thể được sử dụng trong sản xuất vũ khí.

EU khẳng định mục tiêu của các biện pháp lần này là giảm khả năng tiếp cận công nghệ cao của Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng và công nghiệp năng lượng.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz cũng đã bày tỏ sự ủng hộ việc đưa dự án đường ống khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” vào danh sách trừng phạt, như một phần của nỗ lực mở rộng sức ép kinh tế lên Moscow.

Trước đó, gói trừng phạt thứ 17 – được EU thông qua vào ngày 20/5 đã tập trung vào việc ngăn chặn “đội tàu chở dầu bóng tối” của Nga, vốn được cho là công cụ giúp Moscow né tránh các hạn chế vận chuyển năng lượng.

Trong khi EU và G7 gia tăng sức ép, phía Mỹ lại chọn chiến lược thận trọng hơn. Ngoại trưởng Mỹ - Marco Rubio tiết lộ rằng Tổng thống Donald Trump tạm thời hoãn áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Nga, nhằm duy trì đòn bẩy trong các cuộc đàm phán hòa bình với cả Moscow và Kiev.

Ông Rubio nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump vẫn nắm trong tay các lựa chọn trừng phạt mạnh mẽ và sẵn sàng sử dụng nếu Nga thể hiện thái độ thiếu thiện chí trong đối thoại. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của Washington lúc này là tạo điều kiện cho một tiến trình hòa bình khả thi, nên cần duy trì kênh đối thoại với cả hai bên.

Nga tuyên bố sẽ đáp trả gói trừng phạt mới của EU Nga tuyên bố sẽ đáp trả gói trừng phạt mới của EU

Moscow tuyên bố sẽ sớm có các biện pháp đáp trả phù hợp trước gói trừng phạt thứ 15 của Liên minh châu Âu (EU), ...

EU nhất trí áp đặt gói trừng phạt thứ 17 nhắm vào Nga EU nhất trí áp đặt gói trừng phạt thứ 17 nhắm vào Nga

Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được đồng thuận về gói trừng phạt thứ 17 nhằm vào Nga kể từ khi xung đột Ukraine ...

Tuấn Khang

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.