Dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về hình sự:

Đáp ứng yêu cầu đấu tranh với các loại tội phạm có yếu tố nước ngoài

Sáng 26/5, tại phiên làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình Dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày tờ trình - Ảnh: Quochoi.vn
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày tờ trình - Ảnh: Quochoi.vn

Đáp ứng yêu cầu đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm xuyên quốc gia

Nói về sự cần thiết ban hành luật, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho biết, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 quy định 4 lĩnh vực (hình sự, dân sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù), đã góp phần tích cực vào quá trình cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế và nội luật hóa các cam kết mà Việt Nam ký kết.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy để đáp ứng yêu cầu đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm có yếu tố nước ngoài thì việc ban hành một đạo luật riêng về Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự là hết sức cần thiết.

Theo đó, dự thảo Luật này nhằm điều chỉnh các nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với nước ngoài; Quy định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quá trình yêu cầu và thực hiện yêu cầu tương trợ. Đồng thời luật cũng bao quát các đối tượng là tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan.

Dự thảo Luật gồm 4 chương, 39 điều, trên cơ sở kế thừa những quy định phù hợp của Luật tương trợ tư pháp năm 2007 và bổ sung những quy định mới cụ thể hóa các chính sách xây dựng luật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tương thích, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật trong nước và 3 dự án Luật được tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp đang được xây dựng cùng với dự án Luật này;

Đồng thời, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định phù hợp với các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, các điều ước quốc tế có điều khoản về tương trợ tư pháp về hình sự mà Việt Nam tham gia; tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới.

Dự thảo Luật có chương II quy định về yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của Việt Nam gửi ra nước ngoài. Trong đó nêu rõ quy trình tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, bổ sung cơ chế khi không nhận được phản hồi của nước ngoài, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phối hợp với cơ quan lập yêu cầu và các cơ quan có liên quan để thống nhất việc kết thúc tương trợ.

Quang cảnh phiên làm việc sáng 26/5 - Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc sáng 26/5 - Ảnh: Quochoi.vn

Chương III liên quan đến yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của nước ngoài gửi đến Việt Nam.Chương này nêu cụ thể quy trình tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu, căn cứ để từ chối hoặc hoãn thực hiện các yêu cầu; bổ sung một số căn cứ phù hợp với các điều ước quốc tế như bắt buộc từ chối nếu yêu cầu liên quan đến tội phạm có liên quan đến chính trị hoặc lĩnh vực quân sự; hoặc có thể từ chối nếu hành vi của đối tượng nêu trong yêu cầu tương trợ không cấu thành tội phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam.

Cân nhắc kỹ quy định xem xét yêu cầu liên quan đến hình phạt tử hình

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tương trợ tư pháp về hình sự. Đồng thời đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (là những Luật được tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp năm 2007) và các dự án luật về tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp, tố tụng tư pháp đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về xem xét yêu cầu liên quan đến hình phạt tử hình (điều 13), dự thảo Luật bổ sung quy định về việc xem xét yêu cầu liên quan đến hình phạt tử hình so với quy định của Luật Tương trợ tư pháp hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra tờ trình dự thảo Luật - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra tờ trình dự thảo Luật - Ảnh: Quochoi.vn

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành việc bổ sung cơ chế này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thời gian qua (một số yêu cầu tương trợ tư pháp của Việt Nam bị nước ngoài từ chối do có liên quan đến hình phạt tử hình). Văn phòng Chủ tịch nước có Văn bản nhất trí việc quy định nội dung này trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ nội dung này vì có thể ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án đã được quy định trong Hiến pháp.

Về chuyển giao tạm thời người đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án phạt tù ở Việt Nam sang nước ngoài để hỗ trợ điều tra, cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của nước ngoài (điều 35), dự thảo Luật quy định: người đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam có thể được dẫn giải, chuyển giao tạm thời cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để hỗ trợ điều tra, cung cấp chứng cứ trong vụ án hình sự tại nước ngoài; thời gian người bị chuyển giao bị dẫn giải, lưu lại ở nước ngoài được tính vào thời hạn tạm giam hoặc thời hạn chấp hành án phạt tù của người đó.

Ủy ban cơ bản tán thành việc tiếp tục kế thừa quy định này của Luật Tương trợ tư pháp hiện hành, đồng thời tán thành việc bổ sung đối tượng chuyển giao gồm cả người đang bị tạm giam để tăng cường sự hỗ trợ giữa các quốc gia trong giải quyết vụ án hình sự.

Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị cân nhắc bổ sung thêm điều kiện để bảo đảm đó là “nếu thời hạn chuyển giao tạm thời này không quá thời hạn tạm giam hoặc thời hạn chấp hành hình phạt tù của người đó”, đồng thời, bổ sung quy định chi tiết về văn bản cam kết.

Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, kiểm soát hàng giả, hàng nhái
Tuần này, Quốc hội sẽ thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội
Hôm nay (26/5), Quốc hội thảo luận dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi)

Vân Hà

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.