Xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới

Sáng 27/5, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo "Xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: N.N

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng trao đổi, thảo luận về những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới

Tại hội thảo, ThS. Bùi Thu Hằng, Vụ Công tác Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, đã chia sẻ về việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Trong đó đặt ra một số yêu cầu đối với việc xây dựng pháp luật như vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông nguồn lực để phát triển; bám sát yêu cầu của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, cải cách triệt để thủ tục hành chính; quy định của luật phải mang tính ổn định, lâu dài, các luật điều chỉnh nội dung về kiến tạo phát triển thì quy định vấn đề khung, nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn vấn đề thường xuyên biến động thì giao Chính phủ, bộ, ngành, địa phương quy định.

Đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng bảo đảm tính chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả gắn với tăng cường kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật. Bảo đảm đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tương xứng với tính chất đột phá chiến lược, “đột phá của đột phá”.

Luật VBQPPL năm 2025 đã bổ sung một số nguyên tắc quan trọng: bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc; kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phòng, chống lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; xây dựng, ban hành VBQPPL phải tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm việc thực hiện chủ trương phân quyền, phân cấp; kịp thời giải quyết vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn; vấn đề mới, xu hướng mới; yêu cầu quản lý nhà nước và khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, việc tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và tổ chức thi hành VBQPPL còn được quy định trong một số điều liên quan như việc xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền của Đảng đối với việc xây dựng, ban hành VBQPPL trong trường hợp đặc biệt (Điều 52), trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của đảng (Điều 67), trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành VBQPPL (Điều 68).

Về quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn và trường hợp đặc biệt đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên mới, TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội, khẳng định, xây dựng và hoàn thiện thể chế là 1 trong 3 đột phá chiến lược được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là khâu “đột phá của đột phá”. Để thể chế hóa chủ trương của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Quốc hội đã ban hành

Luật Ban hành VBQPPL với những điểm mới rất mạnh mẽ, trong đó, có đổi mới hết sức quan trọng về quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Bên cạnh quy trình ban hành VBQPPL theo thủ tục thông thường, Luật còn quy định quy trình ban hành VBQPPL theo thủ tục rút gọn và trong trường hợp đặc biệt. Bên cạnh quy định về ban hành văn bản QPPL theo thủ tục rút gọn, Luật năm 2025 bổ sung thủ tục ban hành văn bản QPPL trong trường hợp đặc biệt.

Tại Điều 52 của Luật năm 2025 có quy định: về trường hợp ban hành “khi được cơ quan có thẩm quyền của Đảng đồng ý và trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp hoặc xảy ra sự cố, thảm họa theo quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự hoặc sự kiện bất khả kháng hoặc các vấn đề cấp bách, quan trọng, cần thiết của đất nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt”.

Về thẩm quyền quyết đinh do cơ quan có thẩm quyền của Đảng. Về thủ tục xây dựng: đối với các vấn đề cấp bách, quan trọng, cần thiết của đất nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ giao cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện việc soạn thảo, cơ quan thẩm định thực hiện việc thẩm định, cơ quan thẩm tra thực hiện việc thẩm tra.

Đối với trường hợp khẩn cấp hoặc xảy ra sự cố, thảm họa hoặc sự kiện bất khả kháng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ giao cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc soạn thảo, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ xem xét, thông qua. Hồ sơ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 52 bao gồm tờ trình, dự thảo văn bản và các tài liệu khác (nếu có).

Như vậy, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như đơn giản hoá quy trình, tránh lãng phí nguồn lực trong ban hành VBQPPL, Luật năm 2025 đã bổ sung quy định về việc xây dựng VBQPPL theo trình tự, thủ tục đặc biệt.

Theo TS. Nguyễn Mai Thuyên, Giảng viên, Khoa Pháp luật hành chính - nhà nước, Trường Đại học Luật. xây dựng, ban hành VBQPPL của chính quyền địa phương là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa Hiến pháp và pháp luật cũng như đưa ra các quyết sách quan trọng ở mỗi đơn vị hành chính trong cả nước. Hoạt động này có ý nghĩa trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước ở địa phương; góp phần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Đặc biệt, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên “tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại”, kỷ nguyên gắn với chủ trương sắp xếp lại bộ máy nhà nước, tổ chức lại đơn vị hành chính, thiết kế lại mô hình chính quyền địa phương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thì hoạt động xây dựng, ban hành VBQPPL càng được chú trọng, cần được xem xét, sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới.

Về vấn đề tổ chức thi hành Luật Ban hành VBQPPL năm 2025, TS. Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp, cho rằng, Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hoá đầy đủ, kịp thời chủ trương, định hướng trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp nên kế hoạch triển khai thi hành Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 chưa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Hiện nay, đồng thời với việc soạn thảo, trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2025, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh việc phổ biến, quán triệt Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 và các văn bản quy định chi tiết và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành VBQPPL; nghiên cứu, biên soạn tài liệu hướng dẫn, tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ và kỹ năng xây dựng, ban hành VBQPPL; kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL; tổ chức thi hành pháp luật.

Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL được Quốc hội thông qua, trên cơ sở quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 và Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, để việc triển khai thi hành Luật đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật.

Tại hội thảo, các ý kiến khác cũng làm rõ thêm các yêu cầu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu của Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL: bổ sung nội dung, trách nhiệm tổ chức thi hành luật Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL: bổ sung nội dung, trách nhiệm tổ chức thi hành luật

Nhật Nam

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.