![]() |
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, trong đó có đề xuất bỏ tử hình với 8 tội danh |
Tại dự luật, Chính phủ đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội), tại 8/18 (44,4%) tội danh có khung hình phạt tử hình ở bộ luật hiện hành.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nêu rõ, tại phiên thảo luận, đại biểu tập trung vào đề xuất bổ sung loại hình phạt mới (chung thân không xem xét giảm án); bỏ hẳn tử hình với một số tội danh; tăng mức hình phạt với một số tội, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; tái hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Phó Thủ tướng nêu rõ, việc Chính phủ chỉ đề xuất chỉnh sửa bổ sung một số điều là chọn ra một số việc cấp bách, bức xúc.
Về đề xuất bỏ tử hình với 8 tội danh, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đến năm 2024 đã có 142/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc bỏ án tử hình trong quy định.
Với Việt Nam, việc bỏ tử hình với 8 tội danh là bước tiến rất dài trong quan điểm về chính sách hình sự với một số tội. Bộ luật Hình sự đầu tiên được ban hành năm 1985 có 44 điều luật quy định hình phạt tử hình; năm 1999 giảm còn 29 điều; năm 2009 giảm tiếp 7 điều còn 22 điều; năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) giảm còn 18 điều và trong dự thảo sửa lần này còn 10 điều luật quy định hình phạt tử hình.
Trước đó, Bộ Công an cũng đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ, trong đó có đề xuất bỏ án tử hình với 8 tội danh.
Về các ý kiến đề nghị giữ hình phạt tử hình với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, Bộ Công an cho biết, những tội này không phải là "tội ác", không xâm phạm tính mạng con người, không xâm phạm trực tiếp an ninh quốc gia, không cần thiết tước bỏ mạng sống. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới.
Bộ Công an cũng cho rằng, việc không áp dụng hình phạt tử hình và thay bằng tù chung thân không xét giảm án vẫn bảo tính răn đe vì đây là hình phạt đặc biệt nghiêm khắc, vĩnh viễn tước đi tự do của một con người.
Đối với việc bỏ hình phạt tử hình với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị vẫn giữ hình phạt tử hình. Giải trình vấn đề này, Bộ Công an cho hay, Bộ Chính trị đã cơ bản thống nhất thu hẹp hình phạt tử hình, trong đó có việc nghiên cứu bỏ hình phạt này đối với tội sản xuất, buôn bán thuốc giả.
Thực tiễn xét xử cho thấy, thuốc giả chủ yếu là giả nhãn mác, kém chất lượng, không có tác dụng chữa bệnh... rất khó xác định có gây chết người hay không để áp dụng hình phạt tử hình. Thực tế chưa có trường hợp nào bị tuyên án tử hình về tội danh này.
Xét về tính nguy hiểm cho xã hội, hành vi này không gây nguy hiểm cho xã hội như hành vi giết người hay khủng bố. Nếu sử dụng độc tố để sản xuất thuốc giả nhằm giết người thì sẽ bị xử lý về tội giết người. Do đó, có thể xem xét bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này.
Đối với tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy", nhiều ý kiến cũng đề nghị giữ hình phạt tử hình, Bộ Công an cho biết, đây là tội danh có tỉ lệ áp dụng hình phạt tử hình cao thứ hai trong các tội danh.
Tuy nhiên, so với tội "Mua bán trái phép chất ma túy", "Sản xuất trái phép chất ma túy" (các tội vẫn giữ hình phạt tử hình) thì tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy" có tính chất trung gian, ít nguy hiểm hơn với hành vi mua bán, sản xuất.
Bộ Công an cho biết việc đề xuất bỏ tử hình đối với tội "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ" với lý do: Thực tiễn cho thấy tội danh này đã được đa số các nước trên thế giới không quy định hình phạt tử hình hoặc đang có xu hướng bỏ hình phạt tử hình. Thực tiễn nhiều nước trên thế giới đã yêu cầu Việt Nam phải cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tuyên nhưng không thi hành án tử hình đối với những vụ án về tham nhũng, chức vụ. Nhưng Việt Nam chưa cam kết nên khi Việt Nam yêu cầu tương trợ tư pháp có liên quan đến án tử hình gần như không có phản hồi. Những tội này không phải là "tội ác", không xâm phạm đến tính mạng con người, không xâm phạm trực tiếp đến và chủ thể đặc biệt là an ninh quốc gia. Do vậy không cần thiết phải tước bỏ mạng sống của họ. Đây cũng là xu thế chung của thế giới, hiện nay đa số các quốc gia đều không áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội không phải "tội ác". Việc không áp dụng hình phạt tử hình và thay bằng tù chung thân không xét giảm án vẫn bảo đảm tính răn đe vì hình phạt tù chung thân không xét giảm án cũng là hình phạt đặc biệt nghiêm khắc, tước đi sự tự do vĩnh viễn của một con người. |
Nhật Nam
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bo-cong-an-neu-ly-do-bo-tu-hinh-mot-so-toi-420027.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.