Chủ động và kỹ lưỡng trong công tác kiểm tra, thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, yếu tố then chốt quyết định thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 chính là sự chủ động và kỹ lưỡng trong công tác kiểm tra, thanh tra – những “lá chắn” quan trọng nhằm bảo vệ tính công bằng, minh bạch và nghiêm túc của một kỳ thi quốc gia.
Chủ động và kỹ lưỡng trong công tác kiểm tra, thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Thí sinh Hà Nội dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Ngọc Tú

Sẽ có những cuộc thanh tra đột xuất

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi đầu tiên được tổ chức theo Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, với sự tham gia của gần 1,17 triệu học sinh đăng ký thi. Đồng thời, đây cũng là năm đầu tiên áp dụng thi song song hai chương trình gồm Giáo dục Phổ thông 2018 và Giáo dục Phổ thông 2006.

Tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra trước kỳ thi diễn ra ngày 27/5, Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc, phương châm trong tổ chức công việc là khâu chuẩn bị - yếu tố quan trọng nhất. Nếu chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa và chủ động dự phòng mọi tình huống, thì công việc sẽ diễn ra một cách tối ưu như kỳ vọng.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, công tác kiểm tra và thanh tra kỳ thi năm nay sẽ được triển khai xuyên suốt cả ba giai đoạn: trước, trong và sau kỳ thi. Đây là bước quan trọng nhằm chủ động phát hiện, phòng ngừa rủi ro và xử lý kịp thời những tình huống có thể ảnh hưởng đến chất lượng của kỳ thi. Ngoài các đợt thanh tra theo kế hoạch, sẽ có những cuộc thanh tra đột xuất, đặc biệt trong trường hợp có phản ánh, kiến nghị từ dư luận xã hội.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết thêm, năm nay, công tác thanh tra, kiểm tra đòi hỏi sự chủ động phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng tại địa phương và Bộ GD&ĐT. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan như Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ để sớm ban hành các công điện và văn bản chỉ đạo phục vụ kỳ thi. Đặc biệt, các phương án tổ chức thi, quy chế và hướng dẫn nghiệp vụ đã được ban hành từ tháng 12/2024, tức sớm hơn khoảng 4 tháng so với thông lệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ.

Một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay trong công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi là việc sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận. "Nếu chúng ta không kiểm tra kỹ lưỡng, chẳng hạn như để thí sinh mang điện thoại vào phòng thi trong đó có thể chứa tài liệu hoặc được kết nối với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thì đây là một nguy cơ tiềm ẩn mà trước đây chúng ta chưa phải đối mặt nhiều", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Do đó, công tác rà soát, kiểm tra trước kỳ thi cần được nâng cao hơn nữa, không chỉ dừng lại ở khâu kỹ thuật mà còn bao gồm cả việc đánh giá tâm lý thí sinh, kiểm tra kỹ lưỡng các khu vực như nhà vệ sinh và phát hiện các thiết bị thu phát được ngụy trang, giấu kín. Mỗi cán bộ làm nhiệm vụ coi thi, thanh tra cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình, không để một sơ suất nhỏ ảnh hưởng đến toàn bộ kỳ thi.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, công tác tập huấn có vai trò quan trọng trong sự thành công của kỳ thi, bởi tập huấn giúp chúng ta có thông tin, kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt công tác kiểm tra. Mục tiêu cao nhất là không để xảy ra bất kỳ sự cố nào. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu các hoạt động tập huấn phải đi vào chiều sâu, tránh hình thức và phải gắn với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.

Tăng cường tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ

Đặc biệt, trong chỉ đạo năm nay của Thủ tướng Chính phủ, có hai nội dung tăng cường được xác định là then chốt. Thứ nhất, tăng cường tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ của cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi. Thứ hai, tăng cường ý thức tự giác và tinh thần nghiêm túc chấp hành quy chế thi của thí sinh. Đây là điểm mới so với các năm trước và cần được quán triệt đầy đủ đến từng cán bộ, giáo viên và học sinh nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có 2 loại và công thức xét tốt nghiệp cũng khác nhau. Theo đó, một loại đề thi dành cho thí sinh học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (hiện đang học lớp 12), một loại đề thi dành cho thí sinh học Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 (là thí sinh chưa tốt nghiệp THPT từ năm 2024 trở về trước).

Thí sinh học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thi 4 môn trong 3 buổi thi, gồm 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn, 2 môn lựa chọn trong số 10 môn ở cấp THPT.

Thí sinh học Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 sẽ thi 6 môn trong 4 buổi thi, gồm 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc bài thi tổ hợp khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).

Về hình thức và thời gian thi, môn ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút; đề thi gồm 2 phần: đọc hiểu (4 điểm) và viết (6 điểm). Các môn còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó môn toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút, riêng môn ngoại ngữ (dành cho thí sinh học Chương trình Giáo dục phổ thông 2006) có thời gian làm bài 60 phút.

Các câu hỏi với môn thi trắc nghiệm được chia thành 3 phần: phần 1 (gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn, cho 4 phương án chọn 1 đáp án đúng); phần 2 (gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng đúng/sai; mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý thí sinh lựa chọn đúng hoặc sai); phần 3 (gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Thí sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình).

Khi nào các trường công khai các trường hợp không đủ điều kiện thi tốt nghiệp THPT? Khi nào các trường công khai các trường hợp không đủ điều kiện thi tốt nghiệp THPT?
Hà Nội: dự kiến có 250 điểm thi, hơn 5.500 phòng thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 Hà Nội: dự kiến có 250 điểm thi, hơn 5.500 phòng thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.