Luật Thủ đô 2024

Danh mục, lộ trình di dời các cơ sở ra khỏi nội đô

Hà Nội đang lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về ban hành danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô (thực hiện khoản 2 và 3 Điều 18 Luật Thủ đô 2024).
Trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

UBND các phường (xã) rà soát, lập hồ sơ các cơ sở di dời

Theo đó, đối tượng áp dụng là các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị có trụ sở trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt không thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức T.Ư; các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc TP Hà Nội; các tổ chức, DN, cá nhân quản lý, sử dụng đất tại các cơ sở có liên quan thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này; đối với các cơ sở, trụ sở đang quản lý, sử dụng với mục đích an ninh, quốc phòng sẽ thực hiện theo quy định về quản lý sử dụng đất an ninh, quốc phòng và được cấp thẩm quyền chấp thuận.

Về quy trình ban hành danh mục, UBND các phường (xã) có ranh giới hành chính nằm trong khu vực đô thị trung tâm chủ động tổ chức rà soát, lập hồ sơ, danh mục các cơ sở thuộc đối tượng di dời của Nghị quyết, gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường để tổng hợp.

Thành phần hồ sơ bao gồm: danh mục các cơ sở (đảm bảo đầy đủ các thông tin: tên đơn vị đang sử dụng; địa chỉ khu đất; quy mô diện tích; hiện trạng chức năng đang sử dụng; quy hoạch tại khu đất theo quy hoạch đô thị và nông thôn được duyệt; thời gian dự kiến di dời; đề xuất chức năng sử dụng đất sau khi di dời; đề xuất quy mô, vị trí địa điểm mới - nếu có).

Báo cáo của cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân đang quản lý, sử dụng đất (về tình hình quản lý sử dụng đất, nghĩa vụ với cơ quan Nhà nước theo quy định, kiến nghị, đề xuất - nếu có); các văn bản, giấy tờ về pháp lý quản lý, sử dụng đất; sơ đồ, vị trí khu đất đang quản lý sử dụng; báo cáo của UBND các phường (xã) chủ trì rà soát trong đó đề xuất rõ quan điểm đối với các nội dung kiến nghị, đề xuất của cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân đang quản lý sử dụng đất.

Trên cơ sở danh mục do UBND các phường (xã) đề xuất, Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì: gửi hồ sơ đến các Sở, ngành có liên quan để tham gia ý kiến theo chuyên ngành và chức năng quản lý; tổng hợp ý kiến, báo cáo UBND TP để trình HĐND TP xem xét, phê duyệt. Sau khi danh mục các cơ sở thuộc đối tượng di dời được HĐND phê duyệt, UBND TP ban hành Quyết định làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện.

Nguyên tắc, lộ trình di dời các cơ sở không phù hợp ra khỏi nội đô

Nguyên tắc di dời với các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm xen trong các khu dân cư, khu phát triển đô thị, không phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị, không đảm bảo vệ sinh môi trường (gây ô nhiễm môi trường) cần xây dựng kế hoạch di dời toàn bộ cơ sở; việc di dời phải kết hợp đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ; tiết kiệm năng lượng; đảm bảo vấn đề môi trường, nhằm tránh việc di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm từ địa điểm này đến địa điểm khác;

Địa điểm tiếp nhận các cơ sở di dời là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung trên địa địa bàn TP. Trường hợp đặc biệt không thể di dời vào các khu, cụm công nghiệp tập trung, tùy từng trường hợp cụ thể UBND TP sẽ xem xét, quyết định.

Đối với các cơ sở bệnh viện, cơ sở y tế: ưu tiên di dời các cơ sở có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm, lây nhiễm cao (đặc biệt là các cơ sở nằm xen trong khu dân cư hiện hữu), các cơ sở không đảm bảo chỉ tiêu về diện tích đất/giường bệnh theo quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành.

Các cơ sở đào tạo giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, trụ sở làm việc: ưu tiên di dời các cơ sở có số lượng đào tạo hiện có vượt quá số lượng đào tạo được giao chỉ tiêu, gây mất cân đối về hạ tầng kỹ thuật, giao thông, không đảm chỉ tiêu về diện tích đất/sinh viên theo quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành.

Cơ sở y tế, đào tạo làm việc khác cần xây dựng kế hoạch nâng cấp đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, phát triển thành các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, khám chữa bệnh chất lượng cao theo định hướng Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được phê duyệt. Địa điểm tiếp nhận là các khu giáo dục, đào tạo, các khu y tế tập trung, khu liên cơ quan tập trung theo quy hoạch của TP.

Lộ trình di dời các cơ sở, trụ sở không phù hợp quy hoạch được phân loại, thiết lập riêng cho từng đối tượng dựa trên quy mô, tính chất, nguồn gốc sử dụng đất và mức độ ảnh hưởng đối với môi trường, kinh tế chính trị, xã hội, an ninh trật tự.

Giai đoạn 2026-2027, tập trung hoàn thành công tác rà soát, lập danh mục các cơ sở không phù hợp quy hoạch, thuộc đối tượng di rời, trình HĐND TP phê duyệt. Đề xuất các cơ chế, chính sách phục vụ công tác di dời. Nghiên cứu bố trí quỹ đất, triển khai các thủ tục dự án đầu tư xây dựng các khu vực tập trung phù hợp quy hoạch để tiếp nhận các cơ sở.

Giai đoạn 2027-2028: ưu tiên triển khai di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ô nhiễm, cơ sở y tế có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm, lây nhiễm cao. Triển khai các dự án đầu tư xây dựng các khu vực tập trung theo Quy hoạch để tiếp nhận các cơ sở thuộc danh sách di dời.

Giai đoạn 2029-2030, kết thúc công tác di dời, thực hiện dự án đầu tư xây dựng bổ sung hệ thống hạ tầng xã hội, tái thiết chỉnh trang đô thị tại các khu vực sau khi di dời các cơ sở.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, các yếu tố khiến việc di chuyển các cơ sở, trụ sở không phù hợp quy hoạch ra khỏi nội đô chậm là chưa tạo ra sự kết nối về giao thông thuận tiện, đầu tư hạ tầng phát triển ở cơ sở mới chưa thực sự đồng bộ. Ngoài ra, vẫn còn có tâm lý chờ đợi giữa các nơi nên chưa tạo ra quyết tâm cao.

Để thực hiện di dời các trường đại học ra khỏi nội đô, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng giải pháp căn cơ lâu dài đó là cần mở rộng phạm vi phát triển, cần tạo ra hệ thống hạ tầng giao thông kết nối. Ví dụ hệ thống đường Vành đai 4, đường Vành đai 5 là hệ thống giao thông đi qua các trường đại học, đồng thời tạo ra các trung tâm kết nối hướng tâm. Nếu làm được việc này sẽ tạo không gian phát triển và khi đó các trường đại học di chuyển sang địa điểm mới sẽ thuận lợi hơn.

Đối với việc di dời các cơ sở, trụ sở không phù hợp quy hoạch ra khỏi nội đô, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm, mặc dù việc di dời các cơ sở, trụ sở không phù hợp quy hoạch đã được triển khai. Thực tế một số cơ quan đã thực hiện, nhưng vẫn còn tình trạng một bộ phận ở cơ sở mới, một phần ở cơ sở cũ. Điều này cũng góp phần giảm áp lực ở trung tâm, nhưng việc di chuyển toàn bộ các cơ quan trong diện phải di dời vẫn cần có lộ trình phù hợp.

Luật Thủ đô 2024 quy định nhằm hướng tới bảo vệ khu vực nội đô lịch sử và đô thị trung không mở rộng thêm và phải di dời cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở, trụ sở không phù hợp quy hoạch là cần thiết.

PGS.TS Nguyễn Hiền Phương, Phó viện trưởng, Viện so sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội

Kết thúc hoạt động 30 đảng bộ quận, huyện, thị xã trực thuộc Thành ủy Hà Nội
Bản đồ phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thành phố Hà Nội
Những hình ảnh ấn tượng trong lễ công bố 126 đơn vị hành chính xã, phường mới tại Hà Nội

Nhật Minh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.