![]() |
Chủ tịch nước Lương Cường tặng lẵng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải |
Nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước
Trong bài viết “Sức mạnh của đoàn kết”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Từ T.Ư đến địa phương đều đang vào cuộc quyết liệt, đồng bộ với mục tiêu kép: vừa tinh gọn bộ máy, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, phục vụ Nhân dân tốt hơn, để đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện. Trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đã và đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị; sáp nhập các đơn vị hành chính, “sắp xếp lại giang sơn”, tổ chức không gian phát triển bền vững cho đất nước, tinh thần đoàn kết càng phải được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Với tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh lãnh đạo của Đảng, chúng ta kiên quyết giữ vững và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là “mạch nguồn”, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, bảo đảm mọi đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước được thực hiện triệt để, nhất quán, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất mọi nguyện vọng chính đáng của Nhân dân”.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã tích cực triển khai chuẩn bị đồng bộ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và sẵn sàng vận hành chính thức từ ngày 1/7/2025. Đây là bước chuyển quan trọng để nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước, phục vụ người dân, DN tốt hơn trong giai đoạn mới.
Trong nỗ lực cải cách hành chính toàn diện và xây dựng chính quyền địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì người dân và DN, Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2024-2025. Đây là một bước đi quyết đoán và có tính hệ thống nhằm tạo nền tảng pháp lý, tổ chức và nhân sự cho việc vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên toàn TP.
HĐND TP Hà Nội thông qua phương án từ 352 xã, phường, thị trấn đã sáp nhập và thành lập lại còn 126 đơn vị hành chính cấp xã. Việc sắp xếp này không chỉ đơn thuần là gộp địa giới hành chính, mà còn là cuộc cải tổ toàn diện về tổ chức bộ máy, từ cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, đến hạ tầng kỹ thuật, phần mềm quản lý hành chính.
Song song đó, Hà Nội tiến hành tinh gọn hệ thống sở, ngành, từ 21 sở, ban chuyên môn nay còn 15. Các phòng thuộc sở và phòng chuyên môn cấp quận, huyện cũng được cơ cấu lại theo hướng giảm mạnh, hạn chế chồng chéo và trùng lắp chức năng. Có 49 phòng thuộc sở và 61 phòng thuộc UBND cấp huyện được cắt giảm hoặc hợp nhất. Việc tái cấu trúc không chỉ giúp bộ máy tinh gọn mà còn nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.
Một điểm nhấn là việc thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP Hà Nội - đơn vị đầu mối trong việc tiếp nhận và trả kết quả các thủ tục hành chính cấp TP, đồng thời làm đầu mối kết nối hệ thống một cửa điện tử với các trung tâm hành chính cấp xã, tạo nên chuỗi phục vụ hành chính đến tận cơ sở.
Để đảm bảo mô hình chính quyền hai cấp không chỉ đúng về mặt cơ cấu mà còn thực thi hiệu quả trong thực tế, từ ngày 20 đến 26/6/2025, Hà Nội đã triển khai chương trình chạy thử toàn diện. 126 xã, phường mới được thành lập sau sáp nhập là nơi trực tiếp triển khai, thử nghiệm toàn bộ mô hình quản lý hành chính mới. TP đã xây dựng trước 10 tình huống hành chính mô phỏng các yêu cầu thực tế như đăng ký khai sinh, xác nhận cư trú, xử lý đơn thư hành chính, giải quyết thủ tục hành chính một cửa… Các xã, phường phải chủ động xử lý các tình huống này theo đúng quy trình, cơ chế phân cấp mới. Qua đó, các cấp lãnh đạo có thể đánh giá mức độ sẵn sàng, khả năng phối hợp và vận hành của từng đơn vị.
Lấy hiệu quả phục vụ làm mục tiêu hàng đầu
Trên thực tế, Hà Nội đã phân quyền mạnh mẽ cho cấp xã: hơn 500 thủ tục hành chính được chuyển giao từ quận, huyện về xã, phường. Các điểm tiếp nhận hồ sơ được bố trí tại 126 trụ sở UBND mới, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật và kết nối mạng đồng bộ. Người dân chỉ cần đến một nơi duy nhất để xử lý mọi thủ tục, rút ngắn thời gian và giảm chi phí đi lại.
Tính đến hết tháng 6/2025, gần 15.000 cán bộ, công chức từ TP đến cơ sở đã được tập huấn hoàn chỉnh về vận hành mô hình mới. Các báo cáo sơ kết ban đầu cho thấy hơn 90% hồ sơ hành chính được giải quyết đúng hạn hoặc trước hạn. Người dân đánh giá cao sự đổi mới trong cung cách phục vụ và tính thân thiện của đội ngũ cán bộ cơ sở.
Để hỗ trợ tốt nhất cho cơ sở, TP điều động hơn 300 cán bộ chuyên môn từ các sở, ngành xuống hỗ trợ tại chỗ. Đồng thời, hệ thống hỗ trợ kỹ thuật như tổng đài 1022, đường dây nóng 19001009, và 11 tổ công tác liên ngành túc trực thường xuyên để xử lý mọi khó khăn nảy sinh. Đây được xem là mô hình “chính quyền đồng hành”, không để địa phương nào phải tự loay hoay trong quá trình chuyển đổi.
Các cán bộ cấp xã được tập huấn khẩn trương, đồng thời ứng dụng các phần mềm mới như quản lý dân cư, chứng thực điện tử, số hóa hồ sơ… Hàng nghìn giao dịch được thực hiện trong giai đoạn chạy thử mà không phát sinh sự cố lớn hay khiếu nại nào đáng kể.
Bên cạnh sự chủ động triển khai từ địa phương, các sở, ngành của TP cũng chủ động vào cuộc giải đáp vướng mắc và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong quá trình vận hành thử nghiệm. Theo đó, Sở Tài chính đã chủ động bố trí nguồn lực, sắp xếp phương tiện, trụ sở, đảm bảo điều kiện làm việc cho bộ máy hành chính mới. Lãnh đạo các sở, ngành của TP trực tiếp tham gia tổ công tác hướng dẫn cơ sở thực hiện xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công... kịp thời, hiệu quả.
Từ thời điểm bắt đầu vận hành hôm nay, tiếp tục đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong toàn hệ thống chính trị, để hoàn thiện khung pháp lý, đồng bộ hóa phần mềm, đầu tư hạ tầng công nghệ và đào tạo con người, để vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thành công trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm, lấy phục vụ là mục tiêu và lấy hiệu quả là thước đo cuối cùng.
Cùng với cả nước, việc sắp xếp tổ chức bộ máy và thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại TP Hà Nội là bước đi lớn, chưa từng có tiền lệ, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị cao. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, mô hình chính quyền 2 cấp sẽ là nền tảng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành và tinh gọn bộ máy, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn.
Trước đó vào ngày 30/6, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quyết định của TP liên quan đến việc triển khai tổ chức đơn vị hành chính cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Lễ công bố nhằm tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân và cộng đồng DN về tính pháp lý, nội dung và thời điểm chính thức vận hành bộ máy hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính cấp xã. Đồng thời tạo nên không khí phấn khởi, đoàn kết trong toàn xã hội, để thực sự trở thành “ngày hội của toàn dân”. Qua đó, sự kiện đánh dấu bước khởi đầu cho việc vận hành chính thức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp tại Hà Nội - một hệ thống được kỳ vọng sẽ hoạt động hiệu quả, gần dân, sát dân và vì Nhân dân phục vụ.
Thái Phương
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/to-chuc-khong-gian-phat-trien-ben-vung-cho-dat-nuoc-423399.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.