![]() |
Du khách trải nghiệm các hoạt động đồng bào dân tộc M'nông tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: langvanhoavietnam.vn |
Chương trình có sự tham gia của hơn 100 nghệ nhân, đồng bào đến từ 16 dân tộc thiểu số như Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer, đến từ nhiều tỉnh thành như Thái Nguyên, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk và Hà Nội. Các hoạt động được tổ chức theo hình thức tương tác mở, tạo điều kiện để du khách, đặc biệt là trẻ em, trực tiếp tham gia, quan sát và trải nghiệm đời sống văn hóa của các cộng đồng dân tộc ngay tại không gian “ngôi nhà chung”.
Với chủ đề “Mùa hè – Trải nghiệm và khám phá”, chương trình hướng tới việc giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống thông qua các chủ thể văn hóa đang sinh hoạt thường xuyên tại Làng. Tại mỗi “điểm làng”, du khách có thể tìm hiểu về kiến trúc nhà truyền thống, các nghi lễ dân gian, phong tục tập quán, trang phục, dân ca – dân vũ, nhạc cụ dân tộc và nhiều hình thức diễn xướng đặc sắc.
Các em nhỏ và du khách được trực tiếp tham gia các hoạt động thủ công như làm chuồn chuồn tre, tranh gỗ, dệt thổ cẩm thu nhỏ, nặn gốm, vẽ hoa văn dân tộc. Không gian trò chơi dân gian đa dạng cả trong nhà và ngoài trời với ô ăn quan, rối tre, cờ caro, cà kheo, chơi đu, nhảy sạp… giúp người tham dự không chỉ thư giãn mà còn kết nối với văn hóa dân gian truyền thống một cách tự nhiên, gần gũi.
Điểm nhấn đặc biệt của chương trình là Lễ dâng y tắm mưa, còn gọi là Lễ nhập hạ của đồng bào Khmer, tổ chức vào các dịp cuối tuần. Đây là nghi lễ quan trọng trong Phật giáo Nam tông, có nguồn gốc từ thời Đức Phật còn tại thế. Trước khi chư tăng bước vào kỳ an cư 3 tháng mùa mưa, các phật tử tập trung tại chùa Khmer trong Làng để dâng y và các vật phẩm thiết yếu. Đặc biệt, những cây đèn cầy lớn, biểu tượng ánh sáng trí tuệ sẽ được thắp sáng liên tục trong suốt mùa an cư, cầu mong sự bình an và thanh tịnh cho chư tăng.
Song hành với các nghi lễ tâm linh, chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian “Âm vang nguồn cội” cũng được tổ chức định kỳ vào cuối tuần. Đây là không gian trình diễn dân ca, dân vũ mang đậm bản sắc dân tộc như múa xòe Thái, thổi khèn Mông, hòa tấu cồng chiêng Tây Nguyên… Các tiết mục đều do chính đồng bào đang sinh sống và hoạt động thường xuyên tại Làng thể hiện, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa sống, chân thực và đầy cảm xúc.
Bên cạnh các hoạt động biểu diễn và trải nghiệm, chương trình còn tổ chức các tour du lịch homestay, nơi du khách được lưu trú tại các khu nhà sàn cộng đồng, cùng ăn – cùng ở – cùng làm với đồng bào, thưởng thức các món ăn đặc trưng như cơm lam, gà nướng ống tre, bánh ống, rượu cần… Đây là cơ hội để công chúng tiếp cận gần hơn với văn hóa bản địa thông qua hoạt động ẩm thực và sinh hoạt thường nhật.
Đáng chú ý, chuỗi hoạt động tháng 7 còn mang ý nghĩa tri ân, giáo dục truyền thống cách mạng thông qua các chương trình lồng ghép kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025). Nội dung các tiết mục văn nghệ, kể chuyện dân gian và trò chơi đều hướng đến tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy lòng yêu nước, trách nhiệm cộng đồng và niềm tự hào dân tộc ở thế hệ trẻ.
Mây Hạ
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/trai-nghiem-cac-hoat-dong-mua-he-dam-da-ban-sac-dan-toc-423513.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.