![]() |
Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 2 đối tượng trong vụ cháy nhà xưởng khiến 6 người tử vong. Ảnh: Công an cung cấp |
Đầu tháng 7/2025, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết vừa bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Hàng (SN 1976, Giám đốc Công ty quốc tế Hợp pháp) và Trịnh Đình Hiếu (SN 1979, cả hai đều trú xã Lạc Đạo, tỉnh Hưng Yên, chủ hộ cá thể kinh doanh ngành nghề thu mua phế liệu) về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
Trước đó, vào khoảng 13h45 ngày 28/6 tại thôn Ao, xã Minh Hải, tỉnh Hưng Yên xảy ra vụ cháy tại xưởng phế liệu do Nguyễn Văn Hàng làm chủ (ông Hàng thuê kho xưởng trên của Trịnh Đình Hiếu). Diện tích xưởng khoảng 1.200m2.
Nhận thông tin vụ cháy, Công an tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN, Công an xã Lạc Đạo phối hợp cùng các lực lượng địa phương, huy động tối đa nhân lực, phương tiện để chữa cháy, cứu người và tài sản. Vụ cháy đã khiến 6 người tử vong, 2 người bị thương đang được cấp cứu tại Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, Công an tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với VKSND tỉnh và các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, tập trung xác minh, điều tra, làm rõ vụ việc. Ngày 28/6, Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, với thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản như trên, vấn đề mấu chốt cần xác minh để làm rõ trách nhiệm pháp lý là yếu tố lỗi (nếu có) của các cá nhân liên quan.
Nếu nguyên nhân vụ hỏa hoạn xuất phát trực tiếp từ yếu tố chủ quan (như: hút thuốc lá gây cháy nổ; xử lý chủ quan, cẩu thả gây chập, cháy hệ thống, nguyên vật liệu...) thì cá nhân nào có lỗi sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với hành vi bản thân gây ra.
Trường hợp không xuất phát từ lỗi trực tiếp của các cá nhân, song có dấu hiệu lỗi trong khâu xây dựng, kiểm định, phê duyệt, vận hành nhà xưởng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ toàn bộ quá trình nêu trên đã tuân thủ quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy theo Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001 cùng các văn bản liên quan hay chưa.
Cụ thể, đối với chủ xưởng là ông Trịnh Đình Hiếu, cần làm rõ người này khi dựng lập, thi công nhà xưởng có tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy trong việc xây dựng hay không.
Đối với các đơn vị chịu trách nhiệm kiểm định, phê duyệt, quản lý công trình như: UBND xã, huyện; Công an xã; lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy... cần làm rõ nhà xưởng đã được phê duyệt hoạt động hay chưa và các đơn vị có kiểm tra định kỳ, chỉ đạo, đôn đốc người quản lý nhà xưởng tuân thủ các biện pháp, quy định về phòng chống cháy nổ hay không.
Đối với người thuê lại và vận hành nhà xưởng là ông Nguyễn Văn Hàng, cần làm rõ một số vấn đề gồm: người này có thường xuyên đôn đốc, tập huấn nhân viên chấp hành, thực hiện các quy định an toàn phòng cháy chữa cháy; tự kiểm tra các hạng mục, đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ hay chưa; có chủ quan, tránh né, chậm thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn phòng cháy chữa cháy hay không; các trang thiết bị chữa cháy ở cơ sở có được trang bị đầy đủ, đảm bảo số lượng, chất lượng theo quy định hay không và cần làm rõ công trình nếu đã được phê duyệt hoạt động thì có bị cơi nới, mở rộng thêm hay thay đổi công năng sử dụng các hạng mục, dẫn tới mất an toàn về phòng chống cháy nổ hay không.
Từ những vấn đề trên, cơ quan chức năng sẽ làm rõ yếu tố lỗi (nếu có) của các cá nhân liên quan trong vụ việc. Trong trường hợp bị xác định có lỗi dẫn tới hậu quả hỏa hoạn chết người, người vi phạm có thể bị xử lý về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo Điều 313, Bộ luật Hình sự năm 2015 với tình tiết định khung hình phạt là làm chết 3 người trở lên, người phạm tội có thể đối diện khung hình phạt là 7 - 12 năm tù.
Về trách nhiệm bồi thường dân sự, chuyên gia pháp lý nhìn nhận, đối với vụ hỏa hoạn trên, nếu các cá nhân đã tuân thủ đúng, đầy đủ các quy trình, các bước trong công tác phòng cháy chữa cháy nhưng do yếu tố khách quan (do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại...) dẫn đến xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ gây thiệt hại thì không phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Ngược lại, cá nhân vi phạm các quy tắc an toàn, vi phạm quy trình thực hiện về phòng cháy chữa cháy dẫn đến xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thuộc về cá nhân tương ứng với phần lỗi của mình gây ra. Mức bồi thường thiệt hại tài sản, sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm sẽ căn cứ quy định tại các Điều 589, 590 và 591, Bộ luật Dân sự năm 2015.
![]() | Hà Nội: Cháy nhà xưởng khiến 3 người bị thương |
![]() | Cháy nhà xưởng lúc chiều muộn, ít nhất 3 người tử vong |
![]() | 12 giờ căng mình khống chế đám cháy nhà xưởng gia công vải vụn |
Thái An
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/trach-nhiem-phap-ly-trong-vu-chay-nha-xuong-khien-6-nguoi-tu-vong-o-hung-yen-423669.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.