Hà Nội đẩy mạnh giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trong 6 tháng đầu năm 2025

Sáu tháng đầu năm 2025, Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, khẳng định vai trò “trụ cột” chăm lo đời sống Nhân dân trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều biến động.
Hà Nội đẩy mạnh giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trong 6 tháng đầu năm 2025
Hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động tại quận Long Biên. Ảnh: Minh Anh

Lao động được kết nối, việc làm được bảo đảm

Trong bức tranh phát triển toàn diện của Thủ đô, thị trường lao động đã và đang trở thành điểm nhấn nổi bật. Theo báo cáo từ Chi cục Thống kê Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2025, toàn TP đã giải quyết việc làm cho 125.100 lao động, đạt 74% kế hoạch cả năm và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này không chỉ cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động sau dịch bệnh mà còn phản ánh hiệu quả từ chuỗi chính sách đồng bộ, linh hoạt của chính quyền TP.

Nguồn lực tài chính đóng vai trò không nhỏ trong quá trình này. Cụ thể, TP đã ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội gần 2.900 tỷ đồng cho người nghèo và đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất, tạo sinh kế, giúp tạo việc làm cho hơn 35.200 người lao động.

Song song đó, hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng thể hiện vai trò đầu mối quan trọng khi tổ chức thành công 128 phiên giao dịch việc làm. Đáng chú ý, những phiên này được tổ chức đa dạng hình thức từ hàng ngày, chuyên đề, trực tuyến kết nối liên tỉnh cho đến các phiên lưu động tại quận, huyện. Gần 40.000 lượt người lao động tham gia, kết nối với hơn 4.000 doanh nghiệp, trong đó có 15.800 người được tuyển dụng ngay sau khi kết thúc phiên giao dịch.

Không chỉ chú trọng thị trường nội địa, TP còn mở rộng hướng đi mới cho lao động thông qua việc đưa 2.100 người đi làm việc có thời hạn tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan theo hợp đồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ việc làm cũng giúp 72.000 người tự tạo việc làm thông qua tư vấn và kết nối.

Đối với nhóm lao động gặp khó khăn, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tiếp tục là điểm tựa thiết thực. Trong nửa đầu năm, Hà Nội đã chi trả trợ cấp BHTN cho 31.000 người với tổng kinh phí hơn 1.166 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2024. Điểm đáng chú ý là tất cả hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp đều được tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới, trong đó có 502 trường hợp được hỗ trợ học nghề.

Đây là bước đi quan trọng giúp người lao động không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt mà còn có cơ hội trang bị kỹ năng, sẵn sàng quay lại thị trường với vị thế vững vàng hơn.

Một điểm sáng khác trong bức tranh lao động Thủ đô là việc tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Trong 6 tháng, thành phố đã cấp mới hơn 3.800 giấy phép lao động, cấp lại gần 900 giấy phép, đồng thời gia hạn và xác nhận không thuộc diện cấp phép cho hàng nghìn trường hợp khác.

Tổng cộng, Hà Nội đã chấp thuận tuyển dụng lao động nước ngoài cho hơn 3.600 vị trí, phần lớn là chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật. Đây là minh chứng cho thấy môi trường làm việc tại Thủ đô đang ngày càng hấp dẫn, hội nhập và cởi mở.

TP cũng không quên siết chặt quản lý trong lĩnh vực dịch vụ việc làm. Trong 6 tháng, đã có 35 đơn vị được cấp mới, cấp lại, gia hạn giấy phép hoạt động, đồng thời thu hồi 17 giấy phép không đủ điều kiện, bảo đảm môi trường lao động lành mạnh, minh bạch.

Bảo đảm an sinh, không ai bị bỏ lại phía sau

Đi đôi với phát triển kinh tế, lao động, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội. Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, TP đã trao tặng hơn 2,2 triệu suất quà với tổng giá trị hơn 1.067 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người có công, người cao tuổi, cán bộ hưu trí, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...

Đáng nói, mức hỗ trợ vượt 188% kế hoạch ban đầu, tăng hơn 33 tỷ đồng so với năm trước. Những con số đó không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn lan tỏa thông điệp nhân văn sâu sắc về một TP nghĩa tình, không để ai bị thiệt thòi trong hành trình phát triển.

Cũng trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thành phố đã trao tặng gần 253.000 suất quà với tổng kinh phí gần 250 tỷ đồng, gồm cả ngân sách Trung ương, thành phố, quận/huyện và nguồn xã hội hóa.

Trong 6 tháng qua, Hà Nội đã chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho hơn 76.500 người có công và thân nhân với số tiền gần 1.660 tỷ đồng; tổ chức điều dưỡng cho hơn 8.000 lượt người có công với kinh phí 35 tỷ đồng; thực hiện chi trả trợ cấp một lần, chi quà Tết và các dịp lễ lớn từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau với tổng số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

TP cũng chủ động tạm ứng chi trả trợ cấp tháng 6 và tháng 7/2025 nhằm bảo đảm không bị gián đoạn trong quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới từ tháng 7/2025.

Bên cạnh đó, 11 cơ sở trợ giúp xã hội công lập trên địa bàn đang chăm sóc, nuôi dưỡng 3.130 đối tượng bảo trợ xã hội như người già neo đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi... với mức trợ cấp tối thiểu là 1,8 triệu đồng/tháng.

Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy Hà Nội đang từng bước xây dựng một thị trường lao động năng động, đa dạng, đồng thời phát huy vai trò trung tâm an sinh, phúc lợi để phát triển bền vững. Đây chính là nền tảng vững chắc để Thủ đô tiếp tục bứt phá trong nửa cuối năm và chặng đường phía trước.

Quý I/2022: Thị trường lao động, việc làm nhiều khởi sắc
Thông điệp khẳng định nỗ lực của người khuyết tật trong lao động việc làm
Hà Nội: chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2025 ước tính tăng 4,3%

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.