![]() |
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Niềm tin trở lại, tín dụng bứt phá
Trong bức tranh kinh tế đang từng bước khởi sắc, dòng chảy tín dụng được ví như “mạch máu” của nền kinh tế đang vận hành mạnh mẽ trở lại. Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, đến ngày 18/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 16,73 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm 2024. Đây là mức tăng trưởng rất tích cực, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (3,87%) và là tín hiệu rõ ràng cho thấy niềm tin thị trường đang hồi phục mạnh mẽ.
So với các năm trước, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2025 cho thấy một sự bứt phá ấn tượng cả về quy mô và chất lượng. Điều này không chỉ phản ánh sự nới lỏng chính sách tiền tệ có kiểm soát của NHNN mà còn cho thấy sức hấp dẫn trở lại của môi trường kinh tế. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, dòng vốn tín dụng tăng mạnh là kết quả của niềm tin được củng cố trong cộng đồng DN và người dân, từ đó kích thích nhu cầu vay vốn để sản xuất, đầu tư và tiêu dùng.
Tín dụng hiện không chỉ đổ vào các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, tiêu dùng thiết yếu mà còn đang được định hướng vào các lĩnh vực phát triển bền vững như hạ tầng, năng lượng xanh, những trụ cột tương lai của nền kinh tế. Bức tranh hồi phục còn được thể hiện rõ qua các lĩnh vực đang thu hút mạnh dòng tín dụng: công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics, nông nghiệp công nghệ cao... Các ngân hàng thương mại cũng đẩy mạnh triển khai các gói vay ưu đãi, với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung từ 1–2%, giúp DN dễ tiếp cận vốn hơn.
Không chỉ các DN, các ngân hàng thương mại cũng đang nhập cuộc mạnh mẽ. Vietcombank, với vai trò ngân hàng chủ lực trong thực thi chính sách tiền tệ, đã triển khai 22 chương trình giảm lãi suất cho vay. Tổng dư nợ tín dụng của Vietcombank đã tăng hơn 5% so với cuối năm 2024, trong đó tín dụng ưu tiên chiếm tới 33% tổng dư nợ, thể hiện sự tập trung vào phát triển bền vững. Tương tự, VietinBank cũng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng khoảng 10% trong 6 tháng đầu năm. Một số ngân hàng như: PGBank, ABBank đã dùng hết hạn mức tín dụng được giao từ đầu năm và đang xin thêm, một chỉ dấu cho thấy nhu cầu tín dụng đang tăng cao, tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế những tháng tới.
Đòn bẩy thúc đẩy tín dụng
Tăng trưởng tín dụng nhanh chóng không thể tách rời môi trường lãi suất đang ngày càng thuận lợi hơn. Theo NHNN, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân đối với các lĩnh vực ưu tiên đang ở mức 3,9%/năm, thấp hơn trần 4% theo quy định. Với các khoản vay khác, lãi suất phổ biến dao động từ 6,6–8,9%/năm (đối với VND) và 4,1–5,0%/năm (đối với USD). Đáng chú ý, nhiều ngân hàng đang tích cực ứng dụng công nghệ trong quy trình xét duyệt hồ sơ vay, giúp rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận hành, tạo điều kiện để tiếp tục giảm lãi suất cho khách hàng. Điều này không chỉ hỗ trợ người vay tiếp cận vốn dễ hơn mà còn thúc đẩy sự lan tỏa của tín dụng vào các khu vực kinh tế thiết yếu.
Với mức tăng trưởng 7,14% trong nửa đầu năm, dư địa để tín dụng cả năm đạt từ 16% trở lên là hoàn toàn khả thi. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên. Tín dụng, vì thế, sẽ tiếp tục là một trong những công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu này. Theo dự báo từ Bộ phận nghiên cứu của Chứng khoán VCB (VCBS Research), tăng trưởng tín dụng năm 2025 có thể đạt mức 16%, trong khi MBS Research còn lạc quan hơn khi đưa ra con số từ 17%–18%, dựa trên động lực đến từ ngành sản xuất, tiêu dùng nội địa và giải ngân đầu tư công.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng đang thể hiện kỳ vọng tích cực thông qua khảo sát mới nhất của NHNN. Theo đó, trong quý 3/2025, mặt bằng lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục ổn định, huy động vốn toàn hệ thống có thể tăng trung bình 4%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 4,7%. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã nâng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm lên 16,8%, vượt xa tốc độ thực tế năm 2024.
Đằng sau bức tranh tín dụng khởi sắc là sự điều hành linh hoạt, chủ động của NHNN. Việc cân bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, ổn định tài chính đang được thực hiện một cách hiệu quả. Sự điều chỉnh linh hoạt công cụ chính sách tiền tệ, trong đó có lãi suất, trần tín dụng, cùng với việc giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng, sẽ tiếp tục là “vành đai an toàn” cho hệ thống tài chính trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi.
Dòng vốn tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2025 không chỉ là chỉ báo tích cực cho sự phục hồi kinh tế, mà còn là chất xúc tác quan trọng tạo động lực cho các lĩnh vực chủ lực bứt phá. Khi niềm tin thị trường được khơi dậy, chính sách điều hành tiếp tục ổn định và lãi suất duy trì ở mức thấp, tín dụng sẽ trở thành “cánh tay nối dài” đưa nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay.
Hiện có tới 100 tổ chức tín dụng đang có dư nợ đối với khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, khoảng 209.000 DN nhỏ và vừa đang được tiếp cận vốn vay. Đồng thời, các chương trình tín dụng quy mô lớn như gói 500.000 tỷ đồng cho vay hạ tầng hay chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa vẫn đang được đẩy mạnh thực hiện, góp phần phân bổ vốn hiệu quả đến từng phân khúc kinh tế. |
Sắp có gói tín dụng 500.000 tỷ đồng tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế | |
Kinh tế tiếp đà tăng trưởng |
Nguyễn Đăng
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/kich-hoat-xung-luc-moi-cho-tang-truong-kinh-te-423825.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.