![]() |
Hà Nội là điểm đến của “The Hits Tour 2024” – tour diễn được mong chờ nhất của nhóm nhạc Westlife trong năm 2024. Ảnh: P.V |
Sức hút từ những đại nhạc hội
Những sự kiện âm nhạc quy mô lớn diễn ra tại Việt Nam thời gian gần đây đã cho thấy sức hút đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước. Điển hình là hai đêm diễn của nhóm nhạc Blackpink tại Hà Nội vào tháng 7/2023, thu hút hơn 170.000 khán giả, trong đó có khoảng 30.000 du khách quốc tế. Sự kiện giúp Hà Nội đạt mức doanh thu khoảng 630 tỷ đồng, công suất phòng khách sạn tăng 20–30%, trở thành một minh chứng điển hình cho hiệu ứng lan tỏa của du lịch âm nhạc.
Tương tự, các chương trình biểu diễn của nghệ sĩ quốc tế như Charlie Puth trong lễ hội 8Wonder tại Khánh Hòa năm 2023, Westlife tại Hà Nội tháng 6/2024 hay Ban nhạc 911 trên du thuyền Hạ Long cũng góp phần đưa hình ảnh du lịch Việt Nam đến gần hơn với công chúng toàn cầu.
Thị trường du lịch âm nhạc toàn cầu năm 2022 đạt 5,5 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 11,3 tỷ USD vào năm 2032. Trong bối cảnh đó, Việt Nam được nhận định là một điểm đến tiềm năng với nhiều điều kiện thuận lợi về thiên nhiên, văn hóa và nguồn nhân lực nghệ thuật trẻ trung.
Đa dạng hình thức trải nghiệm
Không chỉ dừng lại ở các sân khấu lớn, nhiều mô hình kết hợp âm nhạc và du lịch quy mô nhỏ hơn cũng đang phát triển mạnh mẽ. Các show diễn như “Mây Lang Thang” tại Đà Lạt, “Đêm nhạc giữa rừng thông” tại Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc) hay “Thanh âm bên thông” ở Hạ Long đã trở thành điểm đến quen thuộc cho giới trẻ, đặc biệt là vào các dịp cuối tuần và lễ hội. Mỗi buổi biểu diễn thu hút từ 500–700 khán giả, không chỉ mang lại giá trị nghệ thuật mà còn thúc đẩy hoạt động lưu trú, ẩm thực và dịch vụ địa phương.
Tại Quảng Ninh, mô hình biểu diễn âm nhạc trên du thuyền như Paradise Grand hay Paradise Elegance đang được khai thác hiệu quả. Những đêm nhạc với sự tham gia của các nghệ sĩ như Bằng Kiều, Lê Hiếu được tổ chức định kỳ, mang lại trải nghiệm đặc sắc giữa khung cảnh di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Theo khảo sát do Paradise Vietnam thực hiện đầu năm 2025, có đến 85% du khách đánh giá rằng âm nhạc giúp chuyến đi trở nên đáng nhớ và nhiều cảm xúc hơn. Thống kê này cho thấy tiềm năng lớn của việc gắn kết yếu tố văn hóa – nghệ thuật vào sản phẩm du lịch.
![]() |
Không chỉ dừng lại ở các concert quy mô lớn, các hoạt động âm nhạc đường phố đang trở thành nét đặc trưng của các thành phố lớn như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: brandsvietnam.com |
Mang lại giá trị kinh tế và quảng bá hình ảnh điểm đến
Bên cạnh hiệu quả về mặt trải nghiệm, các tour du lịch kết hợp âm nhạc còn mang lại giá trị kinh tế rõ rệt. Chương trình “Mega Booming Festival” tổ chức tại Quảng trường Ngọ Môn (Huế), với sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế, đã bán ra khoảng 10.000 vé trước ngày diễn ra 7/5/2025. Sự kiện này không chỉ tăng doanh thu du lịch cho địa phương mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Cố đô Huế theo hướng hiện đại và hấp dẫn giới trẻ.
Các chương trình như Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa (Monsoon Music Festival - Hà Nội), show diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” hay festival âm nhạc điện tử tại Phú Quốc cũng từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch – âm nhạc tại nhiều địa phương trên cả nước.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, mô hình này không chỉ tạo ra giá trị kinh tế ngắn hạn mà còn góp phần định vị thương hiệu điểm đến thông qua cảm xúc và trải nghiệm. Âm nhạc, với tính kết nối và lan tỏa cao, đang trở thành một phương tiện truyền thông du lịch hiệu quả trong thời đại số.
Mặc dù tiềm năng lớn, song du lịch âm nhạc tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Các công ty lữ hành gặp khó khăn trong việc tiếp cận vé hoặc phối hợp với đơn vị tổ chức sự kiện do chưa có cơ chế chia sẻ rõ ràng. Việc tổ chức các show diễn ngoài trời cũng gặp hạn chế về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bản quyền âm nhạc và quy định cấp phép.
Ngoài ra, thói quen chi tiêu cho các gói sản phẩm kết hợp giải trí – du lịch của người Việt vẫn còn dè dặt. Nhiều du khách vẫn có tâm lý mua vé xem show riêng lẻ thay vì trải nghiệm trọn gói, khiến các doanh nghiệp khó xây dựng sản phẩm đồng bộ và bền vững.
Để phát huy hiệu quả của xu hướng du lịch âm nhạc, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp du lịch đề xuất cần xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù như cơ chế chia sẻ vé sự kiện với doanh nghiệp lữ hành, ưu đãi thuế cho tổ chức nghệ thuật, và phát triển không gian biểu diễn mang tính biểu tượng tại các địa phương.
Ngoài ra, việc tổ chức định kỳ các chương trình âm nhạc chất lượng cao, gắn liền với văn hóa bản địa và đặc thù vùng miền, sẽ tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, hướng tới khách hàng trẻ và du khách quốc tế có mức chi tiêu cao.
Mây Hạ
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/am-nhac-ket-hop-tour-trai-nghiem-xu-huong-moi-trong-nganh-du-lich-viet-nam-423875.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.