Hà Nội ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng ngành Y tế Thủ đô

Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-BYT năm 2024 của Bộ Y tế về tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, ngành Y tế Hà Nội đã và đang tạo ra nhiều chuyển biến mạnh mẽ thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Cây tiếp đón thông minh tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông.
Cây tiếp đón thông minh tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông.

Bước tiến rõ nét trong cải cách quy trình khám chữa bệnh

Chuyển đổi số trong ngành Y tế Hà Nội bắt đầu từ việc hiện đại hóa các thủ tục tiếp đón bệnh nhân. Đến nay, 100% cơ sở y tế công lập trên địa bàn đã triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp và tài khoản định danh điện tử VNeID, thay thế thẻ bảo hiểm y tế truyền thống. Theo Sở Y tế Hà Nội, gần 8,7 triệu lượt bệnh nhân đã được tiếp nhận qua phương thức này, giúp giảm đáng kể thời gian làm thủ tục và nâng cao độ chính xác trong xác thực thông tin.

Cùng với đó, các bệnh viện cũng tích cực áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, với 42/42 cơ sở y tế trực thuộc ngành đã triển khai. Một số đơn vị đi đầu như Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Đức Giang đạt tỷ lệ thanh toán không tiền mặt trên 30%. Đây là bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng hệ thống y tế hiện đại, minh bạch và thuận tiện cho người dân.

Hệ thống bệnh án điện tử và phần mềm y tế đồng bộ

Tính đến thời điểm hiện tại, 10 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã triển khai hệ thống bệnh án điện tử, giúp các bác sĩ dễ dàng tra cứu, cập nhật thông tin bệnh nhân trong thời gian thực.

Cùng với đó, ngành Y tế Hà Nội đã triển khai đồng bộ phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) tại 100% cơ sở, 88% bệnh viện sử dụng phần mềm quản lý xét nghiệm (LIS) và 64% bệnh viện ứng dụng hệ thống lưu trữ, truyền tải hình ảnh y khoa (RIS-PACS). Các hệ thống này không chỉ cải thiện năng lực quản lý nội bộ mà còn đảm bảo độ chính xác và tốc độ trong chẩn đoán, điều trị.

Người bệnh có thẻ BHYT khi đến khám được đảm bảo đầy đủ quyền lợi nhờ hệ thống giám định BHYT trực tuyến, kết nối trực tiếp với Bảo hiểm xã hội thành phố. 42/42 cơ sở khám và cấp giấy khám sức khỏe lái xe đã cập nhật dữ liệu lên hệ thống, với hơn 334.000 hồ sơ liên thông thành công.

Một điểm sáng trong quá trình chuyển đổi số là việc triển khai ki-ốt y tế thông minh theo Đề án 06 của Chính phủ. Tại Bệnh viện Xanh Pôn, 7 ki-ốt đã tiếp đón hơn 176.000 lượt bệnh nhân, giúp rút ngắn quy trình tiếp đón từ 6 bước xuống còn 2 bước, thời gian xử lý mỗi lượt chỉ còn 10 giây, so với 5–10 phút như trước.

Tương tự, tại Bệnh viện Hòe Nhai, thời gian tiếp đón giảm còn 30 giây/lượt, qua đó giảm đáng kể áp lực cho cán bộ y tế tuyến đầu và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Tăng cường liên thông dữ liệu và tích hợp hồ sơ sức khỏe điện tử

TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu sức khỏe cho người dân. Tính đến hết quý II/2025, đã có gần 10,6 triệu đối tượng dân cư được khởi tạo dữ liệu từ hệ thống tiêm chủng và phần mềm khám chữa bệnh. Trong đó, hơn 8,2 triệu dữ liệu đã được chuẩn hóa và 7,8 triệu người có hồ sơ sức khỏe điện tử, đạt tỷ lệ gần 95%.

Ngành Y tế cũng đã đồng bộ hơn 21 triệu lượt khám chữa bệnh từ phần mềm quản lý bệnh viện lên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử. Đặc biệt, dữ liệu còn được chia sẻ với ứng dụng công dân Thủ đô iHanoi, giúp người dân có thể tra cứu thông tin sức khỏe cá nhân chỉ bằng CCCD hoặc số điện thoại.

Công tác cấp giấy tờ điện tử cũng có nhiều bước tiến. Tính đến nay, đã có hơn 168.000 giấy chứng sinh và 2.100 giấy báo tử được cập nhật và liên thông dữ liệu lên Cổng giám định BHYT, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái dữ liệu công trực tuyến.

Trong thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm. Mục tiêu đặt ra đến cuối năm 2025 là:

- 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.

- Hồ sơ được tích hợp với ứng dụng VNeID, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin và dịch vụ y tế cá nhân.

- Liên thông dữ liệu y tế giữa các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm: kết quả xét nghiệm, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám.

- Không sử dụng bệnh án giấy, hướng đến bệnh viện thông minh, thanh toán viện phí điện tử toàn diện.

- 70% cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh từ xa.

- 45% người dân sử dụng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến.

Những kết quả tích cực này là tiền đề để ngành Y tế Thủ đô hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hiện đại, lấy người dân làm trung tâm trong mọi hoạt động phục vụ.

Hà Nội: tăng cường các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng
Hà Nội: bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ các sự kiện lớn năm 2025
Hà Nội: sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng, ghi nhận ca mắc liên cầu lợn mới

Mây Hạ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.