Hà Nội đẩy nhanh các dự án giao thông, khởi công các cầu qua sông Hồng

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng, Hà Nội sẽ đẩy nhanh các dự án giao thông, khởi công cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi, cầu Vân Phúc dịp 2/9/2025 và cầu Thượng Cát dịp 10/10/2025, tăng cường giải ngân Vành đai 4 lên 50% kế hoạch vào quý IV/2025.
Hà Nội đẩy nhanh các dự án giao thông, khởi công các cầu qua sông Hồng
Quang cảnh Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội

Chiều 9/7, tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng đã tiếp thu, giải trình ý kiến của các tổ đại biểu HĐND TP về nội dung phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2025 của TP.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trương Việt Dũng, về cơ bản, các đại biểu đánh giá cao sự chủ động, kỹ lưỡng, bám sát chỉ đạo của Thành ủy, HĐND TP trong công tác chuẩn bị nội dung trình tại kỳ họp của UBND TP. Các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị công phu, chất lượng, đầy đủ thông tin.

Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn và xây dựng, các đại biểu cơ bản tán thành với các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết đã trình HĐND TP. Đồng thời cho rằng, việc lựa chọn các nội dung quan trọng về lĩnh vực kinh tế - xã hội để đại biểu thảo luận là đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như những vấn đề cần quan tâm.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 29,7 nghìn tỷ đồng

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trương Việt Dũng, nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng: giải ngân đầu tư công đạt 34,1% (29,7 nghìn tỷ đồng), thấp hơn cả nước (32,5%). Quản lý đất đai chậm số hóa, còn 6.690 thửa đất chưa đăng ký (Ban Kinh tế - Ngân sách, đại biểu Nguyễn Việt Hà - Tổ 4).

Phó Chủ tịch UBND TP Trương Việt Dũng cho hay, tính đến ngày 30/6/2025, giải ngân vốn đầu tư công của TP đạt 29,7 nghìn tỷ đồng (34,1% dự toán), tăng 52,5% so với cùng kỳ, cao hơn cả nước (32,5%), khối lượng đứng đầu cả nước. Tuy nhiên so với yêu cầu vẫn còn chậm do vướng mắc GPMB (70% dự án chậm tiến độ) do các nguyên nhân: có tranh chấp nguồn gốc đất (trong 60% trường hợp), giá bồi thường chưa đồng thuận (70% hộ dân chưa đồng thuận), và chênh lệch chính sách theo Luật Đất đai 2024 (các hộ được phê duyệt sau 1/8/2024 được lợi hơn 20-30%).

Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 99,6%, chỉ còn khoảng 7.000 thửa chưa đăng ký (0,4%), chủ yếu ở khu vực nông thôn (80%). Nguyên nhân: hệ thống dữ liệu đất đai rời rạc, tỷ lệ số hóa dữ liệu mới đạt hơn 70% (350/489 xã), thiếu đồng bộ giữa bản đồ và sổ sách (50% xã chưa cập nhật). Việc này, TP tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường rà soát, báo cáo các vướng mắc và quyết tâm hoàn thành nốt việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các thửa đất.

Về giải pháp 6 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND TP Trương Việt Dũng cho biết, sẽ đẩy nhanh 282 dự án đầu tư công, với 85 dự án giao thông (22,9 nghìn tỷ đồng), giải quyết GPMB cho 90% dự án trong năm 2025. Số hóa 100% dữ liệu đất đai trong năm 2025, hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung cho các xã theo kiến trúc Chính quyền số 3.0. Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 271 ngày 16/9/2024 của UBND TP, hoàn thành kiểm kê đất đai và bản đồ hiện trạng sử dụng đất cho 100% thửa đất trong quý IV/2025.

Hà Nội đẩy nhanh các dự án giao thông, khởi công các cầu qua sông Hồng
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng tiếp thu, giải trình ý kiến của các tổ đại biểu HĐND TP về nội dung phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2025 của TP

Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và đô thị

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trương Việt Dũng, có ý kiến cho rằng: tiến độ Vành đai 4, Cầu Tứ Liên còn chậm, ngập úng xảy ra tại 10 điểm nội đô, vi phạm trật tự đô thị chưa triệt để. Cần bổ sung tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên vào quy hoạch không gian ngầm (Ban Đô thị, đại biểu Nguyễn Tiến Minh - Tổ 1, đại biểu Chu Hồng Minh - Tổ 2).

Phó Chủ tịch UBND TP Trương Việt Dũng cho hay, tiến độ Giải ngân Vành đai 4; cầu Tứ Liên còn chậm; Vành đai 1 đạt 51,4%. Ngập úng xảy ra tại 10 điểm nội đô (Hoàn Kiếm, Ba Đình) trong mùa mưa 2025, vi phạm trật tự đô thị giảm 20% nhưng còn nhiều vụ chưa xử lý (lấn chiếm lòng đường chiếm 60%).

Nguyên nhân: GPMB chậm do tranh chấp đất đai (60% trường hợp), giá vật liệu (xi măng, thép) tăng 15%. Quy hoạch không gian ngầm chưa đồng bộ (chỉ 30% không gian ngầm được quy hoạch). Mưa lớn vượt dự báo (ghi nhận lượng mưa 250 milimét /ngày tại Hoàn Kiếm trong 6/2025), chính quyền cơ sở còn chưa quyết tâm xử lý việc lấn chiếm lòng đường….

Về Dự án Cầu Tứ Liên (Từ nút giao Nghi Tàm - Đường Trường Sa 5,15km): TP đã tổ chức khởi công ngày 19/5/2025, đang tổ chức thi công, GPMB, hiện đã tổ chức thi công cọc khoan nhồ của cầu dây văng. Các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được UBND TP phê duyệt, Dự án được cập nhật kế hoạch đầu tư công năm 2025 là 800 tỷ đồng, hiện nay có tiến độ tốt. HĐND TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường kết nối cầu Tư Liên từ nút giao đường dẫn đầu cầu với đường Trường Sa và Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (hơn 5.000 nghìn tỷ đồng), Sở Xây dựng dang thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Về giải pháp 6 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND TP Trương Việt Dũng cho hay, sẽ đẩy nhanh các dự án giao thông, khởi công cầu Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Vân Phúc dịp 2/9/2025 và Thượng Cát dịp 10/10/2025, tăng cường giải ngân Vành đai 4 lên 50% kế hoạch vào quý IV/2025.

Cùng với đó, triển khai Kế hoạch chống ngập úng 2025, lắp đặt 50 trạm bơm tự động tại khu vực nội đô, xử lý các vi phạm trật tự đô thị.

Về việc bổ sung các tuyến đường sắt đô thị vào danh mục quy hoạch không gian ngầm, tới đây TP sẽ rà soát, điều chỉnh cục bộ các quy hoạch phân khu, quy hoạch không gian ngầm khu vực nội đô để đảm bảo tổng thể với đề án phát triển đường sắt đô thị.

Hà Nội đẩy nhanh các dự án giao thông, khởi công các cầu qua sông Hồng
Các đại biểu HĐND TP tham dự Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội

Xử lý ô nhiễm môi trường và rác thải

Liên quan ý kiến công suất xử lý rác (7.500 tấn/ngày) chưa đáp ứng nhu cầu (8.500 tấn/ngày), ô nhiễm làng nghề và sông Tô Lịch, Lừ, Sét cần giải pháp liên vùng; Phó Chủ tịch UBND TP Trương Việt Dũng cho hay, TP xử lý hơn 1,3 triệu tấn rác thải (trong đó, hơn nửa triệu tấn chôn lấp, gần 800 nghìn tấn đốt phát điện), giảm hơn 30% vi phạm môi trường, cải tạo sông Tô Lịch, Lừ, Sét giảm 20% ô nhiễm. Tuy nhiên, công suất xử lý rác chưa đủ (thiếu 1.000 tấn/ngày), ô nhiễm làng nghề chiếm 40% tổng lượng chất thải rắn.

Về giải pháp 6 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND TP Trương Việt Dũng cho biết, sẽ nâng công suất xử lý rác lên 8.000 tấn/ngày, đáp ứng 90% nhu cầu, hoàn thành nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn giai đoạn 2. Đẩy nhanh dự án xử lý nước thải Việt Hưng, Nam An Khánh, giảm 50% ô nhiễm sông nội đô trong năm 2025.

Cùng với đó, triển khai phân loại rác tại nguồn cho 80% hộ dân đô thị (trong năm 2026), hỗ trợ 50 làng nghề lắp đặt hệ thống xử lý nước thải (Kế hoạch số 267 ngày18/11/2024 của Thành ủy). Có các giải pháp phối hợp liên vùng qua Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm sông Cầu Bay - Bắc Hưng Hải, ký thỏa thuận với Bắc Ninh, Hưng Yên trong năm 2025.

Xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Phó Chủ tịch UBND TP Trương Việt Dũng cho hay, công tác tổ chức và hoạt động của các phòng chuyên môn của UBND cấp xã, phường trước mắt là rất khó khăn do các cán bộ đều mới, nhiều sở, ngành chuyên môn phụ trách, thiếu những hướng dẫn liên quan.

Theo mô hình tổ chức hiện nay, cấp xã, phường có 3 phòng chuyên môn gồm: Văn phòng; Phòng Văn hóa - Xã hội; và Phòng Kinh tế (đối với xã), hoặc Phòng Kinh tế - Hạ tầng - Đô thị (đối với phường). Mỗi phòng chuyên môn đảm nhiệm trung bình từ 5 chuyên ngành, trong khi biên chế được phân bổ còn hạn chế, dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ chuyên ngành tại một số địa phương.

Trước mắt TP đã thực hiện tiếp nhận công chức theo quy trình đặc biệt theo Công văn số 11/CV-BCĐ ngày 04/6/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương, bổ sung công chức cho các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, y tế. Tính đến nay, hơn 100 trường hợp đã được tiếp nhận và phân bổ về các phòng chuyên môn cấp xã, phường từ ngày 1/7/2025. Đồng thời, TP đang tiếp tục rà soát, cân đối nguồn lực giữa các khối Đảng, MTTQ và chính quyền để điều động phù hợp; đồng thời nghiên cứu phương án tăng cường nhân sự từ các sở, ngành chuyên môn về hỗ trợ cơ sở, nhất là tại những địa bàn còn thiếu cán bộ.

Ngày 1/7/2025, ngay trong những ngày đầu tiên Hà Nội chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp (cấp TP và cấp xã, phường), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chuyến thăm và làm việc tại một số xã, phường của TP, trong đó có xã Phúc Thịnh, phường Tây Hồ và Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.

Qua kiểm tra thực tế, Tổng Bí thư ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của TP: các thủ tục hành chính được giải quyết thông suốt, nhanh gọn, tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp; các dịch vụ công thiết yếu được duy trì ổn định, không gián đoạn; không khí phấn khởi, đồng thuận thể hiện rõ trong cả cán bộ và Nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng, việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính là một chủ trương lớn, đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ người dân tốt hơn. Trên tinh thần đó, yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ cơ sở là cần tiếp tục phát huy trách nhiệm, khắc phục khó khăn ban đầu, vận hành bộ máy hành chính mới một cách thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới.

Các cấp chính quyền Thủ đô sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện bộ máy, củng cố năng lực đội ngũ, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân. Trong quá trình triển khai, UBND TP luôn lắng nghe, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến phản ánh từ cơ sở, từ thực tiễn hoạt động của các đơn vị hành chính mới và đặc biệt là từ các đại biểu HĐND TP.

UBND TP cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với HĐND, các sở, ngành và Nhân dân để triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phấn đấu hoàn thành mục tiêu GRDP đạt 8% trở lên; tổ chức thành công kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng các cấp.

Được sự phân công của UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của 46 lượt đại biểu với hơn 200 ý kiến phát biểu tập trung vào 7 nội dung gồm:

(1) Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2025 của TP Hà Nội (42 lượt ý kiến tại các tổ đại biểu)

(2) Nghị quyết quy định về Khu phát triển thương mại và văn hóa (thực hiện khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô); (6 lượt ý kiến)

(3) Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa (thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô); (6 lượt ý kiến)

(4) Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh Tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội; (4 lượt ý kiến)

(5) Nghị quyết quy định một số nội dung và mức chi đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2026-2030;

(6) Các nghị quyết triển khai thi hành Luật Thủ đô;

(7) Nội dung về tổ chức hoạt động của chính quyền cấp xã thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp. (19 lượt ý kiến)

Hà Nội triển khai đồng bộ 7 cây cầu qua sông Hồng Hà Nội triển khai đồng bộ 7 cây cầu qua sông Hồng

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, thời điểm này, TP Hà Nội triển khai đồng bộ 7 cây cầu vượt ...

Hồng Thái - Ảnh: Thanh Hải

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.