![]() |
Nhóm thanh niên tham gia đánh hội đồng nữ sinh 17 tuổi tại Công viên Yên Sở hồi tháng 2/2025. Ảnh: Cơ quan Công an |
Môi trường sống tiêu cực, chứa nhiều cạm bẫy
Theo TS., luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nhóm người trẻ tuổi trở thành tội phạm ngày càng nhiều, trong đó không chỉ có những tội phạm về trật tự xã hội mà còn có những tội phạm về kinh tế, ma túy, đặc biệt là tội phạm lừa đảo trên mạng internet, tội phạm công nghệ cao.
“Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, có thể kể đến đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Người dưới 18 tuổi được xác định là người chưa thành niên, là người chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức. Đây là độ tuổi đang được giáo dục phổ thông, giáo dục cơ bản về nhận thức, ý thức, đạo đức trong đó có ý thức chấp hành pháp luật. Ở độ tuổi thanh thiếu niên là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn. Nếu giáo dục cứng nhắc hoặc giáo dục không đúng cách thì có thể biến những đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu thảo trở thành những đứa trẻ ngỗ ngược, bất trị, chúng có thể bỏ học, tự tử, thậm chí trở thành tội phạm. Ở độ tuổi chưa thành niên thì rất dễ bị cảm xúc chi phối hành vi, chỉ vì những vấn đề nhỏ nhặt mà người chưa thành niên có thể có những xúc động mạnh, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính chất bột phát, thiếu sự điều khiển của lý trí, có thể dẫn đến hành vi phạm tội" - Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết. Một nguyên nhân quan trọng khác được luật sư Đặng Văn Cường đưa ra là sự đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình dễ khiến cho con cái trong những gia đình này không được quan tâm, giáo dục đúng mức. Đây chính là nguồn cơn khiến cho những người trẻ này dễ “lầm đường lạc lối”.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, nghiên cứu, thống kê về người dưới 18 tuổi phạm tội cho thấy, phần lớn những đứa trẻ phạm tội đều sống trong những gia đình không hạnh phúc, thường xuyên bị đối xử tàn nhẫn, bỏ học sớm, thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ hoặc những đứa trẻ được nuông chiều, đáp ứng đầy đủ những điều kiện vật chất nhưng thiếu kiểm soát dẫn đến trẻ mắc sai lầm rồi trượt dài trên những sai lầm đó. Trong những gia đình không có hạnh phúc, cha mẹ thường xuyên cãi vã, đánh đập lẫn nhau khiến những đứa trẻ có những suy nghĩ tiêu cực kéo dài, tác động đến sự phát triển hình thành nhân cách làm cho chúng trở nên lầm lì hoặc cục súc. Đối với những gia đình có cha dượng, mẹ kế, có sự đối xử bất công bằng trong gia đình dễ gây ra những xung đột và những nhận thức lệch lạc của trẻ em.
Khi đứa trẻ sống trong gia đình không có hạnh phúc một thời gian dài, thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của cha mẹ rồi đỉnh điểm là bị đẩy ra ngoài xã hội, bỏ học và tự kiếm tiền nuôi sống bản thân thì rất dễ sa ngã, bị bạn bè xấu lôi kéo để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, sau đó trở thành người phạm tội khi tuổi đời còn rất trẻ” - luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
![]() |
Nhóm thanh thiếu niên gây tai nạn khiến một cô gái tử vong tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu hồi tháng 11-2024. Ảnh: Cơ quan Công an |
Thiếu sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan đoàn thể
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, theo quy định của Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan thì trách nhiệm giáo dục, bảo vệ trẻ em ngoài trách nhiệm của gia đình còn có trách nhiệm của nhà trường và xã hội, mà cụ thể là của các cơ quan, tổ chức xã hội, các đoàn thể có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Đối với những gia đình có cha mẹ thường xuyên đánh cãi chửi nhau hoặc không có trình độ nhận thức đầy đủ để giáo dục con cái, môi trường gia đình không an toàn cho trẻ em thì khi đó trách nhiệm của chính quyền địa phương, của cơ quan đoàn thể, của nhà trường sẽ phải được nâng cao hơn một bước.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, khi cha mẹ giáo dục không khoa học, không đúng cách, thậm chí bỏ rơi mà nhà trường, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội lại không kịp thời phát hiện, can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ thì đứa trẻ sẽ rất dễ sa ngã, bị lôi kéo vào đám bạn xấu rồi trở thành những đối tượng bất trị, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, chúng dễ dàng thực hiện các hành vi phạm tội, thậm chí trả thù đời hoặc bất cần đời. Những nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm - Học viện Cảnh sát Nhân dân cho thấy, tội phạm thanh thiếu niên gia tăng có nguyên nhân gốc rễ từ hệ thống giáo dục: gia đình, nhà trường và xã hội. Những hình ảnh bạo lực, thủ đoạn dã man của tội phạm lan tràn trên internet, đang tác động vào nhận thức, hành vi của thanh thiếu niên vốn chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng sống, khiến một bộ phận thanh thiếu niên bị lệch lạc về nhân cách, hành động theo bản năng, mà thường là rất tàn bạo. Động cơ phạm tội thường bắt đầu từ lối sống lười biếng nhưng thích hưởng thụ nên luôn có xu hướng tranh đoạt vật chất.
(Còn nữa)
Nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học công nghệ mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển đất nước nhưng đồng thời cũng để lại hệ lụy. Mặt trái của hội nhập quốc tế là say mê với văn hóa nước ngoài, nhiều khi hào nhoáng, lấp lánh nhưng không phù hợp với văn hóa dân tộc, ảnh hưởng xấu đến đạo đức con người. Mặt trái của sự phát triển khoa học công nghệ là tạo ra thế giới ảo khiến nhiều người, đặc biệt là thanh thiếu niên thiếu kiểm soát hành vi trên không gian mạng, từ đó dẫn đến nhiều tiêu cực lan ra không gian sống thực. Những điều này khiến cho thanh thiếu niên dễ bị mất phương hướng, mất định hướng giá trị trong bối cảnh hiện nay. Nhiều người trẻ vướng tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật từ đó mà nảy sinh. PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội |
![]() | Kỳ 2: Phạm tội ngày càng đa dạng, manh động | ||
![]() |
|
An Nhiên
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-3-toi-pham-tre-gia-tang-do-dau-424259.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.