![]() |
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Go! Thăng Long. Ảnh Nguyễn Đăng |
Những kết quả tích cực
PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế phân tích, nhóm thực phẩm ăn uống tăng 3,69%, đóng góp 1,24 điểm phần trăm vào CPI. Giá thịt lợn tăng mạnh tới 12,75%, do chi phí chăn nuôi và thức ăn tăng cao.
Nhà ở, điện, nước, vật liệu xây dựng tăng 5,73%, đặc biệt giá điện tăng 5,51% sau 2 đợt điều chỉnh vào tháng 10/2024 và tháng 5/2025. Y tế và giáo dục tăng nhẹ (1,8-2,1%), nhưng vẫn trong khung lộ trình đã công bố trước đó nên không tạo sốc giá.
Dự báo lạm phát tại Việt Nam trong năm 2025, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng chỉ số này sẽ dao động từ 4,0-4,5%, phù hợp với mục tiêu Quốc hội đề ra. Một số chuyên gia dự báo thấp hơn mức 4%. Dù là kịch bản nào, thách thức trong điều hành giá và kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm rất lớn.
Tại hội thảo khoa học “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025” do Học viện Tài chính phối hợp Cục Quản lý Giá tổ chức mới đây, các chuyên gia tham dự cho rằng, nửa cuối năm 2025 còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây áp lực lên giá cả, đòi hỏi công tác điều hành giá cần linh hoạt, kịp thời và hiệu quả nhằm bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát trong điều kiện các nguồn lực được thúc đẩy mạnh mẽ để đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất.
Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý với mức độ và liều lượng phù hợp theo diễn biến chỉ số giá tiêu dùng.
Theo PGS.TS, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính, lạm phát trung bình 6 tháng đầu năm 2025 vẫn được kiểm soát ở mức hợp lý thấp hơn mức mục tiêu 4,5% rất nhiều. Đáng chú ý, tăng trưởng GDP cao trong nửa đầu năm 2025 đạt được chủ yếu dựa vào các động lực như: tiêu dùng (tăng 7,95%) và đầu tư (tăng 7,98%), thay vì dựa vào xuất khẩu như 1 năm trước.
Như vậy, có thể tin tưởng rằng các chính sách tài khóa mở rộng như miễn, giảm thuế, tăng đầu tư công hay các biện pháp tiền tệ nới lỏng như hạ lãi suất, tăng hạn mức tín dụng, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt đã thực sự là điểm tựa cho các DN Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định.
Thách thức trong 6 tháng cuối năm
PGS.TS, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đào Tùng cho rằng, mặc dù các kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 rất tích cực, nhưng thách thức trong 6 tháng cuối năm cũng rất lớn. Cụ thể, với những căng thẳng về thương mại do chính sách thuế quan của Mỹ, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, tạo ra những thách thức lớn đối với xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam. Ở trong nước, việc tỷ giá tăng tương đối nhanh trong nửa đầu năm 2025 có thể gây sức ép lên giá cả trong thời gian tới. Điểm thuận lợi là giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới được dự báo sẽ khó tăng mạnh trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu kém lạc quan.
Dự báo diễn biến thị trường, giá cả trong 6 tháng cuối năm 2025, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Kinh tế -Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, bối cảnh kinh tế kém thuận lợi đối với xuất khẩu và tăng trưởng GDP sẽ giúp kiềm chế lạm phát tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2025. Năm 2025 nhiều khả năng sẽ là năm thứ 11 liên tiếp Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát ở mức dưới 4%. Mặc dù lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4%, các áp lực từ tỷ giá và tăng trưởng tín dụng đến lạm phát cần được theo dõi sát sao để có chính sách kiểm soát lạm phát phù hợp trong năm 2026.
Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho biết, nửa cuối năm 2025 còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây áp lực lên giá cả, đòi hỏi công tác điều hành giá cần linh hoạt, kịp thời và hiệu quả nhằm bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát trong điều kiện các nguồn lực được thúc đẩy mạnh mẽ để đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý với mức độ và liều lượng phù hợp với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng.
Dự báo về lạm phát nửa cuối năm 2025, chuyên gia đánh giá, áp lực lạm phát cũng sẽ không lớn. Với giả định CPI trong 6 tháng cuối sẽ tăng trung bình 0,27%/tháng, tương đương mức tăng trung bình trong 6 tháng cuối năm của giai đoạn 2015-2024, lạm phát trung bình cả năm 2025 được dự báo ở mức 3,4%. Trong trường hợp căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn kéo dài và dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, giá các hàng hóa cơ bản giảm mạnh, lạm phát trung bình cả năm 2025 có thể chỉ ở mức 3%. Theo đó, năm 2025 nhiều khả năng sẽ là năm thứ 11 liên tiếp Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát ở mức dưới 4%.
Liên quan tới chính sách tiền tệ, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Ngọc Tuyến nhận định, từ nay đến cuối năm 2025, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng linh hoạt, thận trọng, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và bảo đảm an toàn hệ thống tài chính ngân hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Tuyến nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý để điều hành tỷ giá phù hợp. Đồng thời, sẽ kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, ưu tiên vốn cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
“Xanh hóa" sản xuất và tiêu dùng: xu hướng tất yếu | |
Kích hoạt xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế |
Ngô Sơn
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tiem-an-nhieu-yeu-to-gay-tang-gia-424421.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.