![]() |
Lực lượng cứu hộ đưa thi thể nạn nhân ra khỏi khu vực xảy ra vụ việc. Ảnh: cơ quan chức năng cung cấp |
Xác định nguyên nhân
Liên quan đến vụ việc một du khách tử nạn khi tham gia hoạt động nhảy dù tại khu vực núi Sơn Trà, Đà Năng, ngày 9/7, Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân ban đầu của sự việc được xác định là do thao tác an toàn cho du khách khi bay chưa được đảm bảo. Cơ quan công an đã xác định các tổ chức và người liên quan, đang mời các bên lên làm việc.
Chiều 9/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng cũng đã có thông báo chính thức về vụ việc. Theo báo cáo, nạn nhân đã đặt dịch vụ bay trải nghiệm từ Công ty Tropical Forest, một trong năm đơn vị được cấp phép hoạt động kinh doanh dịch vụ dù lượn tại bán đảo Sơn Trà. Cơ quan chức năng xác nhận, trước khi thực hiện chuyến bay, phía công ty và du khách đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục theo quy định, bao gồm: khai báo thông tin tại chốt kiểm soát, mua bảo hiểm tai nạn và ký cam kết miễn trừ trách nhiệm.
Theo báo cáo ban đầu, chiều 8/7, ông H.Q.T (36 tuổi, tạm trú TP Hồ Chí Minh) lên bán đảo Sơn Trà thuê dịch vụ bay dù lượn. Người dẫn bay là ông L.M.P (41 tuổi). Khi bay đến khu vực bãi Nam, thuộc bán đảo Sơn Trà, dù lượn xảy ra sự cố dẫn đến du khách T bị rơi xuống rừng, gần bờ biển. Phi công P rơi xuống bãi cát ven biển, được đưa đi cấp cứu. Nhiều lực lượng vào rừng tìm kiếm du khách. Đến khoảng 19h30 cùng ngày, thi thể ông T được tìm thấy.
Được biết, Đà Nẵng hiện cấp phép cho 5 công ty hoạt động kinh doanh dịch vụ bay dù lượn không động cơ tại bán đảo Sơn Trà. Các đơn vị này đều phải đáp ứng các biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định tại Nghị định 168/NĐ-CP của Chính phủ.
Hiện, nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.
Trách nhiệm pháp lý?
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về trách nhiệm pháp lý mặc dù du khách đã ký cam kết miễn trừ trách nhiệm? Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, thông thường việc ký giấy miễn trừ trách nhiệm trước khi tham gia các trò chơi mạo hiểm (như trò chơi cảm giác mạnh, leo núi, nhảy bungee, lặn biển,…) là khá phổ biến ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Tuy nhiên, không thể loại bỏ toàn bộ trách nhiệm pháp lý của đơn vị tổ chức nếu có rủi ro xảy ra.
“Việc ký giấy miễn trừ trách nhiệm là việc phổ biến trong ngành du lịch mạo hiểm trên toàn thế giới. Về cơ bản, đây là một hợp đồng mà qua đó, người tham gia xác nhận đã được thông báo về các rủi ro vốn có của hoạt động và đồng ý sẽ không khởi kiện nhà cung cấp dịch vụ nếu tai nạn xảy ra từ những rủi ro đó.
Tuy nhiên, hiệu lực pháp lý của loại giấy này không phải là tuyệt đối. Tại nhiều quốc gia, tòa án vẫn có thể buộc nhà cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm nếu tai nạn xảy ra do sự cẩu thả nghiêm trọng của nhà cung cấp. Các hành vi này có thể bao gồm việc cố ý sử dụng thiết bị không bảo đảm an toàn, không bảo trì đúng quy chuẩn, hoặc để nhân viên không đủ trình độ chuyên môn thực hiện hoạt động”, luật sư Nguyễn Hồng Thái phân tích.
Theo quy định của pháp luật, sự tự nguyện thỏa thuận của các bên trong các loại hợp đồng về việc miễn trừ trách nhiệm cũng là một căn cứ để các bên còn lại không phải chịu một số trách nhiệm pháp lý khi xảy ra các sự kiện pháp lý không mong muốn. “Việc miễn trừ cũng được đặt ra khi gặp trường hợp bất khả kháng mà không thể khắc phục được hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại”, chuyên gia pháp lý cho biết.
Do vậy, luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng, việc đánh giá cụ thể mức độ miễn trừ, khả năng xử lý các hậu quả pháp lý giữa hai bên phải dựa vào các nội dung cụ thể mà các bên đã ký kết, phải dựa vào các kết quả điều tra về nguyên nhân, các vấn đề khác nhau liên quan đến vụ việc chứ không dựa trên sự phỏng đoán chủ quan.
Hiện nay, hoạt động dù lượn, diều bay thuộc hoạt động thể thao mạo hiểm, theo quy định “bay dù lượn” là một trong những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách, nên cần tuân thủ các điều kiện theo Nghị định 36/2019/NĐ-CP để đảm bảo an toàn tối đa cho người tham gia.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, nếu các bên có lỗi dẫn đến thiệt hại cho bên còn lại thì chịu trách nhiệm pháp lý đối với Nhà nước liên quan đến vấn đề đảm bảo pháp lý trong việc tuân thủ điều kiện kinh doanh. Do đó, các vấn đề pháp lý cụ thể cần dựa trên kết quả điều tra rõ ràng về trách nhiệm của các bên.
“Ngoài vấn đề xem xét trách nhiệm và nghĩa vụ có tính chất dân sự giữa các bên, doanh nghiệp cũng cần thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Nếu có vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý về xử lý hành chính theo quy định trong lĩnh vực thể thao hoặc các chế tài pháp lý khác”, luật sư Nguyễn Hồng Thái nói.
“Miễn trừ trách nhiệm không có giá trị pháp lý. Khi tai nạn xảy ra, cơ quan Công an vẫn phải xác minh, điều tra. Trong quá trình điều tra, nếu xác định có dấu hiệu tội phạm (không đủ tiêu chuẩn, người điều khiển không đủ điều kiện...) sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những người có liên quan”, luật sư Nguyễn Hồng Thái cho hay. |
![]() | Rơi máy bay chở vận động viên nhảy dù, 9 người thiệt mạng |
![]() | Bé gái 7 tuổi tử vong do chìm thuyền thiên nga: Có thể khởi tố vụ án hình sự để điều tra |
![]() | Trò chơi mạo hiểm gặp sự cố, 5 người nhập viện |
Thái An
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vu-du-khach-tu-nan-khi-roi-du-luon-duoi-goc-nhin-phap-ly-424501.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.