![]() |
Quang cảnh Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội. Ảnh Thanh Hải |
Cân đối lớn ổn định, thu ngân sách tăng vọt
Kinh tế Hà Nội đang thể hiện sức bật đáng kể, bất chấp những biến động khó lường của tình hình kinh tế thế giới. Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội tại Kỳ họp thứ 25 HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021–2025, GRDP 6 tháng đầu năm đạt mức tăng 7,63%, vượt mục tiêu kịch bản (7,59%) và cao hơn cùng kỳ năm trước (6,13%).
Đáng chú ý, đà tăng trưởng đang theo hướng "quý sau cao hơn quý trước" – quý I tăng 7,56%, quý II tăng 7,69%; dự kiến quý III đạt 8,18% và quý IV lên tới 8,53%. Phó Chủ tịch UBND TP Trương Việt Dũng khẳng định: “Hà Nội đang giữ vững đà tăng trưởng tích cực và hoàn toàn có cơ sở để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8% trong năm 2025”.
Một trong những điểm sáng nổi bật của bức tranh kinh tế Thủ đô là kết quả thu ngân sách Nhà nước vượt trội. Trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách của Hà Nội đạt 392,2 nghìn tỷ đồng, bằng 77,6% dự toán và tăng tới 51,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, số thu này chiếm gần 30% tổng thu ngân sách của cả nước, một con số ấn tượng cho thấy vai trò đầu tàu của Hà Nội trong kinh tế quốc gia. Chi ngân sách địa phương cũng được thực hiện linh hoạt, hiệu quả, với tổng chi đạt 67 nghìn tỷ đồng (đạt 40,3% dự toán, tăng 50,6%).
Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 29,7 nghìn tỷ đồng, tăng 52,5%; chi thường xuyên 37,2 nghìn tỷ đồng, tăng 49,2%. Điều này phản ánh rõ nét sự quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công để kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng.
Kết quả tăng trưởng ấn tượng không đến một cách ngẫu nhiên. Phía sau là nỗ lực điều hành quyết liệt, sáng tạo và nhất quán từ chính quyền TP. Với phương châm “Tầm nhìn mới – tư duy toàn cầu – tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, chính quyền TP đã triển khai đồng bộ chỉ đạo từ T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thành ủy Hà Nội. Đặc biệt, ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, chuyển đổi số, cải cách hành chính và ứng dụng khoa học – công nghệ vào thực tiễn phát triển.
Ngay sau khi Luật Thủ đô 2024 được ban hành, TP đã nhanh chóng triển khai các cơ chế vượt trội bằng việc ban hành 24 văn bản cụ thể hóa chính sách đặc thù, góp phần tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công cuộc phát triển. TP cũng không ngừng hoàn thiện các kế hoạch hành động chiến lược. Nổi bật là Chương trình số 03 ngày 13/2/2025 triển khai kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm, cùng các Kế hoạch 43 và 139 triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về khoa học – công nghệ – đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Cách mạng bộ máy hành chính
Song song với thúc đẩy kinh tế, Hà Nội đang tiến hành cuộc cách mạng về bộ máy hành chính, hướng tới chính quyền tinh gọn, hiệu quả, phục vụ người dân và DN. Từ ngày 1/3/2025, TP đã giảm 29% số sở (từ 21 xuống còn 15), 33% số chi cục, 25% số phòng thuộc sở và 17% số phòng cấp quận/huyện. Đây là bước đi mang tính đột phá trong tổ chức bộ máy hành chính.
Tiếp nối, từ 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức được vận hành, sau khi hoàn tất sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã từ 526 xuống còn 126 đơn vị. Điều đáng chú ý là quá trình sắp xếp nhận được sự đồng thuận rất cao, đạt tới 97,36% ý kiến cử tri. Ngay sau 8 ngày triển khai, 100% xã, phường mới đã xử lý văn bản điện tử toàn trình có ký số, với hơn 84.000 quy trình tạm thời được cấu hình, bảo đảm vận hành thông suốt, không gián đoạn trong giải quyết thủ tục hành chính.
Trong 6 tháng cuối năm 2025, Hà Nội đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm để giữ vững đà tăng trưởng, quyết tâm hoàn thành và vượt chỉ tiêu GRDP từ 8% trở lên. Một trong những hướng đi then chốt là kích cầu tiêu dùng nội địa, thông qua tổ chức các hội chợ quy mô lớn trong quý III và quý IV, kết hợp quảng bá sản phẩm OCOP, đặc sản làng nghề. Song song, TP đang triển khai hệ thống phần mềm tiện ích thông minh tích hợp hóa đơn điện tử nhằm hỗ trợ hơn 311.000 hộ kinh doanh tuân thủ đúng quy định thuế từ ngày 1/6/2025, góp phần tăng tính minh bạch, công bằng trong thu, chi ngân sách.
Về sản xuất công nghiệp, Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN chế biến, chế tạo bằng các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất chỉ từ 3,9–4%. Trọng tâm là các lĩnh vực có thế mạnh như máy móc, thiết bị, khoáng sản phi kim loại và ô tô, với mục tiêu tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) lên 7% vào cuối năm. Đặc biệt, đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng. TP quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ 282 dự án (233 dự án chuyển tiếp, 49 dự án khởi công mới), trong đó có tới 85 dự án giao thông với tổng vốn đầu tư 22,9 nghìn tỷ đồng, 4 dự án môi trường trị giá 1,8 nghìn tỷ đồng và 32 dự án nông nghiệp gần 1,7 nghìn tỷ đồng.
Với sự chủ động, bản lĩnh trong điều hành, quyết tâm đổi mới bộ máy và thúc đẩy chuyển đổi số, Hà Nội đang từng bước khẳng định vai trò “đầu tàu” phát triển của cả nước. Những con số biết nói trong 6 tháng đầu năm 2025 là minh chứng rõ ràng nhất cho nỗ lực bền bỉ ấy. Từ cải cách hành chính đến hỗ trợ DN, từ đầu tư công đến các giải pháp kích cầu, tất cả đều được triển khai đồng bộ, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống cho người dân và xây dựng một Thủ đô năng động, hiện đại, thông minh.
Tính đến ngày 8/7/2025, sau 8 ngày triển khai, 126 xã, phường mới đã hoạt động ổn định, không ghi nhận gián đoạn trong giải quyết thủ tục hành chính, với 100% xã, phường xử lý văn bản điện tử toàn trình có ký số và hơn 84.000 quy trình tạm thời được cấu hình, bảo đảm hiệu quả phục vụ người dân và DN. |
![]() | Xây dựng Thủ đô thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực Thành phố Hà Nội luôn cầu thị, lắng nghe và mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học tham góp nhiều ý tưởng sáng ... |
![]() | Hà Nội: thí điểm cơ chế "làn xanh", hỗ trợ doanh nghiệp để tăng trưởng GRDP trên 8% Ngày 28/3, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về ... |
Nguyễn Đăng
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-voi-quyet-tam-dat-tang-truong-grdp-tu-8-tro-len-424535.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.