![]() |
Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) và Nghị định 191/2025/NĐ-CP quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn về điều kiện, trình tự thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam. Ảnh minh họa |
Nới rộng nhóm được miễn điều kiện khi nhập quốc tịch
Theo quy định mới, người xin nhập quốc tịch Việt Nam cần đáp ứng các điều kiện cơ bản sau: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống dân tộc, phong tục tập quán của người Việt; biết tiếng Việt đủ để hòa nhập; đã thường trú tại Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm nộp đơn và có khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam.
Tuy nhiên, từ 1/7/2025, các điều kiện về ngôn ngữ, thời gian cư trú và đảm bảo cuộc sống sẽ được miễn hoặc rút gọn đối với nhiều nhóm đối tượng. Cụ thể, người là vợ hoặc chồng, con đẻ, cha mẹ hoặc ông bà của công dân Việt Nam sẽ được xét miễn nhiều điều kiện. Theo Nghị định 191/2025/NĐ-CP, nhóm đối tượng sau đây có thể được miễn hoặc rút gọn các điều kiện về tiếng Việt, thời gian cư trú và khả năng đảm bảo cuộc sống: người có công lao đặc biệt hoặc tài năng chuyên môn cao trong các lĩnh vực như khoa học, giáo dục, thể thao, văn hóa, kinh tế, trú dụng như các trường hợp có lợi cho Nhà nước.
Ngoài ra, Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) cũng bổ sung nhóm đối tượng “trẻ chưa thành niên theo cha/mẹ nhập quốc tịch Việt Nam”, cho phép thủ tục nhanh gọn hơn, nhằm tạo thuận lợi cho việc hợp nhất quốc tịch trong gia đình và bảo đảm quyền trẻ em.
Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) cũng quy định rõ: người nhập quốc tịch Việt Nam về nguyên tắc phải thôi quốc tịch nước ngoài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, nếu việc thôi quốc tịch gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích cá nhân hoặc không phù hợp với quy định của nước ngoài, người xin nhập tịch có thể được giữ quốc tịch gốc. Điều kiện là người này phải có đơn xin giữ quốc tịch nước ngoài, được cơ quan có thẩm quyền nước đó cho phép và được Chủ tịch nước Việt Nam đồng ý.
Hồ sơ nhập quốc tịch Việt Nam
Theo quy định tại Nghị định 191/2025/NĐ-CP, người xin nhập quốc tịch Việt Nam cần nộp bộ hồ sơ gồm: đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam theo mẫu quy định, trong đó nêu rõ lý do, nguyện vọng và cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam. Kèm theo đơn là bản sao hợp lệ hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế, giấy khai sinh hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân. Nếu người xin nhập tịch thuộc diện có vợ, chồng, cha mẹ, con là công dân Việt Nam thì phải bổ sung thêm giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân như giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh...
Hồ sơ cũng cần có giấy xác nhận thường trú hợp pháp tại Việt Nam, xác nhận thời gian cư trú tối thiểu 5 năm liên tục tính đến thời điểm nộp hồ sơ. Ngoài ra, người xin nhập tịch phải nộp phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, và nếu đã từng cư trú ở nước ngoài thì cần thêm lý lịch tư pháp của nước sở tại.
Để chứng minh có khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam, hồ sơ cần có tài liệu chứng minh thu nhập, tài sản hợp pháp hoặc giấy bảo lãnh. Các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt có công chứng, đồng thời hợp pháp hóa lãnh sự, trừ khi được miễn theo điều ước quốc tế. Trong một số trường hợp đặc biệt như xin giữ quốc tịch nước ngoài, người nộp hồ sơ phải có thêm văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
Đơn giản hóa quy trình nhập quốc tịch Việt Nam
Theo quy định tại Nghị định 191/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, người có nhu cầu nhập quốc tịch Việt Nam có thể nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi cư trú hoặc cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài nếu không sinh sống trong nước. Sau khi tiếp nhận, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong 5 ngày, sau đó phối hợp với Công an cấp tỉnh tiến hành xác minh nhân thân, lý lịch trong thời hạn 30 ngày.
Kết thúc giai đoạn thẩm tra, Sở Tư pháp hoàn thiện hồ sơ và trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong vòng 10 ngày. UBND cấp tỉnh sẽ xem xét và có ý kiến gửi Bộ Tư pháp. Tiếp đó, Bộ Tư pháp thẩm định lần cuối trong 20 ngày và nếu đủ điều kiện, sẽ trình hồ sơ lên Chủ tịch nước để ra quyết định nhập quốc tịch. Trường hợp người xin giữ quốc tịch gốc, Bộ Tư pháp cần bổ sung thêm văn bản xác nhận của phía nước ngoài và lập tờ trình riêng.
Chủ tịch nước sẽ quyết định trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ. Sau khi có quyết định, Bộ Tư pháp tổ chức công bố, cập nhật hộ tịch và thông báo đến các cơ quan liên quan để làm thủ tục cấp căn cước công dân, hộ chiếu Việt Nam. Tổng thời gian xử lý hồ sơ, nếu thuận lợi, dao động khoảng từ 45 đến 60 ngày làm việc, tùy từng trường hợp và mức độ đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ.
Những thay đổi này hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, Việt kiều có nhu cầu sinh sống lâu dài, gắn bó và cống hiến tại Việt Nam. Người có nhu cầu nhập quốc tịch cần chủ động tìm hiểu kỹ quy trình, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo đúng hướng dẫn để được xem xét nhanh chóng, đúng pháp luật và đảm bảo quyền lợi.
Mây Hạ
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dieu-kien-ho-so-va-quy-trinh-nhap-quoc-tich-viet-nam-moi-nhat-tu-172025-424589.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.