![]() |
Việt Nam lần đầu tiên có một di sản thiên nhiên liên quốc gia. |
Quyết định lịch sử này được đưa ra tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới tổ chức ở Paris (Pháp) ngày 13/7. Di sản mới được công nhận mang tên “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô”, mở rộng ranh giới từ tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) sang tỉnh Khăm Muộn (Lào), đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về địa chất, địa mạo, hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Việc ghi danh di sản thiên nhiên liên quốc gia đầu tiên cho thấy nỗ lực hợp tác khu vực giữa Việt Nam và Lào trong công tác bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững. Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa - PGS.TS Lê Thị Thu Hiền cho biết hồ sơ đề cử được hoàn thiện sau hơn một năm phối hợp chặt chẽ giữa hai quốc gia và đã được gửi lên UNESCO từ tháng 2/2024.
“Hai vườn quốc gia không chỉ có giá trị thiên nhiên toàn cầu mà còn là biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Lào, thể hiện cam kết lâu dài trong bảo vệ môi trường”, PGS.TS Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Hoàng Đạo Cương khẳng định sự kiện này là một bước tiến quan trọng, không chỉ nâng cao uy tín quốc gia mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế sâu rộng trong quản lý di sản.
Về phía Lào, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch - Suanesavanh Vignaket gọi đây là khoảnh khắc tự hào của Chính phủ và Nhân dân nước này, cam kết tăng cường phối hợp với Việt Nam trong phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn hệ sinh thái xuyên biên giới.
Theo đánh giá của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), hệ thống liên biên giới này là một trong những vùng karst nhiệt đới nguyên vẹn lớn nhất thế giới, hình thành từ hơn 400 triệu năm trước. Di sản bao gồm hang Sơn Đoòng – hang lớn nhất thế giới ở Việt Nam và hang Xe Bang Fai nổi tiếng của Lào.
Không chỉ giàu giá trị khoa học và thẩm mỹ, khu vực này còn là hình mẫu trong hợp tác xuyên quốc gia, với cơ chế tuần tra chung, chia sẻ dữ liệu khoa học và phối hợp kiểm soát du lịch bền vững. Hai vườn quốc gia hiện vẫn quản lý riêng biệt nhưng đã thống nhất thực hiện nhiều hoạt động chung nhằm bảo tồn rừng nguyên sinh và duy trì cân bằng sinh thái.
Với việc Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam Nô được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới liên quốc gia, Việt Nam hiện có 9 Di sản Thế giới, trong đó gồm 2 di sản thiên nhiên, 2 di sản hỗn hợp và lần đầu tiên có di sản liên quốc gia
Trước đó, nước ta cũng có hai di sản liên tỉnh nổi bật là Vịnh Hạ Long – Cát Bà và Quần thể Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc.
Trong thời gian tới, Việt Nam và Lào sẽ triển khai các nghiên cứu khoa học liên biên giới, đánh giá sức tải du lịch và hoàn thiện các cơ chế chia sẻ dữ liệu. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ Lào về pháp lý và năng lực quản lý di sản theo chuẩn quốc tế.
Sự kiện UNESCO công nhận di sản liên quốc gia Việt – Lào năm 2025 không chỉ tạo cú hích phát triển cho du lịch sinh thái mà còn khẳng định cam kết của hai quốc gia trong gìn giữ những giá trị thiên nhiên quý báu cho các thế hệ tương lai.
Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê trình đơn lên UNESCO xét duyệt di sản thế giới | |
Hoàn thiện Hồ sơ đề cử “Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà” ghi danh Di sản thế giới |
Vũ Linh
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/unesco-cong-nhan-phong-nha-ke-bang-mo-rong-viet-nam-lan-dau-co-di-san-thien-nhien-lien-quoc-gia-424703.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.