Viết tiếp câu chuyện khởi nghiệp của thanh niên nông thôn

Trong những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp của thanh niên nông thôn đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng nông thôn và miền núi. Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn năm 2025” do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh tổ chức tiếp tục khẳng định vai trò của thanh niên trong đổi mới, sáng tạo, phát triển nông nghiệp và gìn giữ giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
Viết tiếp câu chuyện khởi nghiệp của thanh niên nông thôn
Sản phẩm thủ công lưu niệm búp bê mặc trang phục dân tộc (Cao Bằng) tạo dấu ấn trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa. Ảnh: BTC

Năm 2025, cuộc thi đã thu hút 228 hồ sơ dự án từ thanh niên các tỉnh, thành đoàn trên cả nước, trong đó có 120 dự án lọt vào bán kết cuộc thi.

Các dự án nông nghiệp tập trung ứng dụng khoa học kĩ thuật, phát huy tài nguyên bản địa có 156 dự án; bảo vệ môi trường có 39 dự án; bảo tồn văn hoá dân tộc có 33 dự án.

Nổi bật có 33 dự án đến từ thanh niên dân tộc thiểu số, đại diện cho 9 dân tộc như Dao, H’Mông, Hà Nhì, Khmer, Mường, Nùng, Sán Dìu, Tày, Thái... Điều này cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ của tinh thần khởi nghiệp đến mọi miền Tổ quốc.

Từ thành công qua các mùa tổ chức, nhiều mô hình không chỉ mang lại giá trị kinh tế còn góp phần bảo vệ môi trường và gìn giữ bản sắc văn hóa.

Điển hình năm 2024, các mô hình phát triển men lá truyền thống của người H’mông tại Hà Giang; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phát hiện bệnh cây trồng (Hà Nội); du lịch homestay kết hợp trải nghiệm văn hóa nhà trình tường của người Hà Nhì (Lào Cai); sản phẩm thủ công lưu niệm búp bê mặc trang phục dân tộc (Cao Bằng)… đã thể hiện tư duy khởi nghiệp của thế hệ trẻ.

Bên cạnh việc tổ chức cuộc thi “Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn năm 2025”, đơn vị tổ chức còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, cam kết đồng hành lâu dài với các thí sinh trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp. Những hoạt động này không chỉ tạo điều kiện để các dự án được hoàn thiện và phát triển mà còn mở ra cơ hội kết nối, xúc tiến đầu tư và mở rộng thị trường.

Các hoạt động đồng hành nổi bật như: tổ chức sàn giao dịch, kêu gọi vốn đầu tư cho các dự án tiềm năng; hội nghị trao đổi chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp, với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện các quỹ đầu tư, ngân hàng thương mại và các tập đoàn kinh tế lớn trong các lĩnh vực liên quan; tổ chức hội chợ quảng bá sản phẩm, tạo cơ hội để các thí sinh giới thiệu sản phẩm, kết nối đối tác và tiếp cận thị trường tiêu dùng rộng lớn.

Cùng với cơ cấu giải thưởng hấp dẫn, hỗ trợ dự án sau cuộc thi, 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 3 giải Khuyến khích và các giải phụ.

Trong đó, giải Nhất, trị giá 50 triệu đồng tiền mặt và được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm để triển khai dự án, với mức vay tối đa 1 tỷ đồng (áp dụng đối với các dự án đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn).

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn năm 2025” không chỉ là sân chơi để thanh niên thể hiện tinh thần sáng tạo và khát vọng làm giàu chính đáng trên quê hương mình, mà còn là bước đệm quan trọng để các dự án tiềm năng được ươm tạo, hỗ trợ và phát triển bền vững.

Thông qua việc kết nối với các nhà đầu tư, ngân hàng và đơn vị chính sách, cùng tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm của thế hệ trẻ, thanh niên nông thôn đang viết tiếp câu chuyện đổi mới, bền vững và đầy bản sắc cho nền kinh tế quốc gia.

Điểm sáng “thanh niên khởi nghiệp” của Thủ đô
Tiếp lửa cho thanh niên khởi nghiệp
Hà Nội đặt ra các mục tiêu trong chương trình phát triển thanh niên 2025

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.