Viết lên hành trình yêu thương từ những cuốn sách

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, nơi những con đường làng vẫn còn thơm mùi rơm rạ sau mùa gặt, có hai ngôi nhà nhỏ mang cái tên thật đẹp: "Thư viện hạnh phúc".
“Thư viện Hạnh phúc” thu hút đông đảo phụ huynh và trẻ nhỏ địa phương. Ảnh: NVCC
“Thư viện hạnh phúc” thu hút đông đảo phụ huynh và trẻ nhỏ địa phương. Ảnh: NVCC

Ba năm, một hành trình chưa dài, nhưng đủ để thắp lên ánh sáng của yêu thương và sẻ chia. Từ những kệ sách đầu tiên do chính tay ba người sáng lập là chị Ngọc Thúy, chị Hồng Thắm và anh Văn Thắng. Họ tận tụy, gom góp và bày biện, đến nay “Thư viện hạnh phúc đã trở thành điểm đến thân quen của những người yêu sách, yêu cộng đồng.

Hai thư viện, ở hai địa chỉ khác nhau, một điểm ở xã Thọ An (cũ), một điểm ở xã Tân Hội (cũ), nay đều thuộc xã Đan Phượng, Hà Nội, giống như hai nhịp đập hòa chung một tấm lòng, một một tiêu chung: lan tỏa văn hóa đọc.

Khởi đầu là những cuốn sách cũ, những bộ bàn ghế gỗ được xin về, những bức tường được sơn lại bằng bàn tay tình nguyện. Nhưng từng chút một, từng bước đi, từng bàn tay chạm vào những điều tưởng như nhỏ bé ấy đã tạo nên một không gian “Thư viện hạnh phúc” - mái nhà thứ hai của biết bao người, từ những em bé chưa biết đọc đến các bậc phụ huynh tìm lại cảm giác yên bình trên mỗi trang giấy. Các anh chị Ngọc Thúy, Hồng Thắm, Văn Thắng là những người âm thầm giữ lửa suốt ba năm qua. Họ hiểu rõ rằng: “Một cuốn sách khi nằm yên trên giá là một cuốn sách chết. Chỉ khi được trao đi, được đọc và được kể lại, sách mới thực sự sống”.

Ở đây, không chỉ có sách. Có cả những giờ đọc nhóm mang tên “Giờ đọc hạnh phúc”, nơi các bạn nhỏ cùng ngồi lại, đọc truyện, đặt câu hỏi, học cách lắng nghe và phản biện. Có những ngày Hè rộn ràng tiếng cười, khi trẻ con đến thư viện không chỉ để đọc, mà còn để chơi trò chơi trí tuệ, tô màu, vẽ tranh. Có những buổi tối mùa Đông, ánh đèn vàng vẫn sáng lên, và ai đó đang mải miết lật từng trang sách cũ.

Thư viện không có bạn đọc thì chỉ là kho sách. Câu nói ấy như một lời nhắc, một nỗi trăn trở, nhưng cũng là động lực khiến họ không ngừng sáng tạo ra những cách tiếp cận mới. Đó là tổ chức sự kiện đọc sách, giao lưu tác giả, mở những lớp học nhỏ về kỹ năng sống, kết nối các mô hình thư viện cộng đồng khác để học hỏi và phát triển.

Và rồi, những “quả ngọt” cũng bắt đầu chín. Những đứa trẻ từng ngại đọc nay đã say mê đọc mỗi tuần ba cuốn. Những em học sinh từng học yếu tiếng Việt, giờ đã biết diễn đạt lưu loát hơn nhờ từ vựng tích lũy qua từng trang sách. Những bạn nhỏ từng rụt rè nay đã biết chia sẻ cảm nhận sau mỗi câu chuyện.

Hơn 16.000 cuốn sách quyên góp, ủng hộ học sinh Hà Nội chịu ảnh hưởng bão lũ
Cuốn sách nghĩa tình của người Hà Nội

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.