![]() |
Trẻ được can thiệp ngôn ngữ trị liệu tại bệnh viện. Ảnh: BVCC |
Tại Khoa Khám bệnh và Khoa Thần kinh - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, mỗi tháng tiếp nhận từ 400 đến 450 trẻ gặp vấn đề về ngôn ngữ, lời nói và giao tiếp. Trong số đó, khoảng 1/3 được chẩn đoán chậm phát triển ngôn ngữ đơn thuần, số còn lại kèm theo các rối loạn khác như rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, khiếm thính hoặc rối loạn tương tác xã hội.
Một thực tế đáng lo ngại là nhiều trẻ đến khám khi đã bỏ lỡ “giai đoạn vàng” từ 0 đến 3 tuổi – thời điểm não bộ phát triển mạnh mẽ và nhạy cảm nhất với các kích thích ngôn ngữ. Khi phát hiện và can thiệp muộn, việc trị liệu sẽ khó khăn hơn, ảnh hưởng đến khả năng học tập cũng như sự hòa nhập xã hội lâu dài của trẻ.
Trường hợp của bé T.T.K.L, 6 tuổi, ở Hà Tĩnh là một ví dụ điển hình. Trẻ sinh đủ tháng, khỏe mạnh nhưng trong giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi, chủ yếu tiếp xúc với tivi, điện thoại và ít giao tiếp với người lớn. Mãi đến gần 4 tuổi, bé mới bắt đầu bập bẹ vài từ đơn và đến 5 tuổi mới đi học mầm non. Khi đến khám, bé chỉ có thể nói được vài cụm từ ngắn như “mẹ ơi”, “ăn cơm”, vốn từ rất hạn chế, không thể kể chuyện hay mô tả hình ảnh, cảm xúc. Khả năng nghe hiểu của bé ở mức cơ bản, chỉ làm theo được các mệnh lệnh đơn giản, nhưng rất khó diễn đạt nhu cầu. Sau khi loại trừ nguyên nhân thực thể, các bác sĩ chẩn đoán bé bị chậm phát triển ngôn ngữ đơn thuần và chỉ định can thiệp ngôn ngữ trị liệu, đồng thời hướng dẫn gia đình tăng cường giao tiếp với trẻ.
Trường hợp của bé N.V.A, 36 tháng tuổi, ở Quỳ Hợp cũng phản ánh rõ nét những hệ lụy từ việc thiếu tương tác với trẻ. Bé sống với ông bà, thường xuyên được dỗ bằng điện thoại, ít giao tiếp với người lớn. Bé phát triển vận động bình thường nhưng mới chỉ nói được vài từ đơn, không biết ghép từ, không gọi tên người thân và hầu như không sử dụng cử chỉ để thể hiện nhu cầu. Bé có giao tiếp mắt thoáng qua, không chủ động chia sẻ sự chú ý, phản ứng khi gọi tên không ổn định và khả năng nghe hiểu còn hạn chế. Bé được xác định chậm phát triển ngôn ngữ và được theo dõi nguy cơ rối loạn phổ tự kỷ. Hướng điều trị là can thiệp ngôn ngữ trị liệu, thay đổi môi trường giao tiếp tại nhà và tái khám định kỳ.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Thần kinh – Phục hồi chức năng, nguyên nhân khiến trẻ chậm nói có thể xuất phát từ nhiều yếu tố như bất thường cấu trúc cơ quan phát âm (sứt môi, hở hàm ếch, phanh lưỡi ngắn), khiếm thính, tổn thương hệ thần kinh trung ương hoặc môi trường sống thiếu sự giao tiếp. Đặc biệt, thói quen lạm dụng thiết bị điện tử là nguyên nhân đang gia tăng nhanh chóng. Các nghiên cứu cho thấy, trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 3 nếu tiếp xúc với màn hình hơn 1–2 giờ mỗi ngày sẽ có nguy cơ chậm nói cao hơn nhiều lần. Ngoài ra, những trẻ có tiền sử gia đình từng gặp rối loạn ngôn ngữ cũng có nguy cơ cao gấp 2–3 lần so với trẻ bình thường.
Dấu hiệu của chậm phát triển ngôn ngữ có thể xuất hiện từ rất sớm nhưng thường bị phụ huynh bỏ qua. Ngay từ 6 tháng đầu đời, nếu trẻ không giao tiếp mắt, không phản ứng với tiếng động là dấu hiệu đáng lưu ý. Khi trẻ từ 6 đến 12 tháng mà không bập bẹ, không phát âm hay không dùng cử chỉ như vẫy tay, chỉ trỏ cũng là biểu hiện cần theo dõi. Đến 12-18 tháng, trẻ chưa nói được từ đơn; đến 24 tháng mà chưa có khoảng 50 từ hoặc không ghép từ; và đến 3 tuổi mà chưa nói được câu đơn 3-4 từ hay gặp khó khăn trong diễn đạt nhu cầu thì đó đều là dấu hiệu chậm nói. Nếu tình trạng này kéo dài, trẻ có nguy cơ gặp khó khăn trong việc học đọc, viết và giao tiếp xã hội về sau. Ước tính, có tới 40-60% trẻ bị rối loạn ngôn ngữ không được can thiệp sớm sẽ gặp khó khăn học tập khi vào tiểu học, đặc biệt là kỹ năng đọc hiểu.
Giới chuyên môn nhấn mạnh, can thiệp sớm, đặc biệt là trước 3 tuổi, là “cửa sổ vàng” để cải thiện ngôn ngữ, nhận thức và khả năng học tập cho trẻ. Trẻ được phát hiện và can thiệp đúng thời điểm thường tiến bộ rõ rệt, giao tiếp tốt hơn, tăng cơ hội hòa nhập và giảm gánh nặng điều trị lâu dài cho gia đình. Vai trò của phụ huynh là rất quan trọng trong quá trình này. Gia đình cần hạn chế tối đa việc cho trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử, duy trì thói quen trò chuyện, đọc sách, chơi tương tác cùng trẻ và theo dõi sát sao quá trình phát triển ngôn ngữ của con em mình. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và can thiệp kịp thời.
![]() | Hoại tử da đầu do biến chứng zona thần kinh |
![]() | Cảnh báo thói quen sơ cứu sai lầm khi gặp người đuối nước |
Minh Nhật
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tre-cham-noi-vi-thoi-quen-nhieu-gia-dinh-mac-phai-424891.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.