![]() |
Hội thảo Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Khánh Linh |
Khó khăn bủa vây
Tại hội thảo “Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Tư pháp tổ chức, câu chuyện tháo gỡ vướng mắc pháp lý một lần nữa được đặt lên bàn nghị sự. Từ thực tiễn DN, giới chuyên gia đến các nhà hoạch định chính sách đều thống nhất rằng, nếu không nhanh chóng cải cách hệ thống pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, Việt Nam sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Theo Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, dù trong thời gian qua đã có nhiều đợt rà soát các luật liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường... hệ thống pháp luật kinh doanh hiện vẫn còn thiếu đồng bộ, phức tạp và chưa theo kịp thực tiễn. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng (từ 19/5 đến giữa tháng 7), VCCI đã tiếp nhận tới 220 phản ánh từ DN về những bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật. Đáng chú ý, các vướng mắc không chỉ nằm ở những văn bản đã tồn tại lâu năm mà còn xuất phát từ cả những nghị định, thông tư mới ban hành, có hiệu lực ngay trong năm 2025. Đa phần các phản ánh liên quan đến các lĩnh vực thuế, hóa đơn, thủ tục hành chính, những vấn đề tưởng như đã được cải tiến nhờ ứng dụng công nghệ nhưng trên thực tế vẫn gây tốn kém chi phí và thời gian cho DN.
Một ví dụ sinh động về những bất cập trong thủ tục hành chính được đại diện Bower Group Asia Lê Thị Xuân Huế chia sẻ, để gia hạn giấy chứng nhận đầu tư, DN phải mang tới Sở KH&ĐT Hà Nội (cũ) tới… 10kg hồ sơ, cần tới 2 người để vận chuyển. Lý do là Sở yêu cầu cung cấp 10 bộ hồ sơ, mỗi bộ khoảng 1kg, để gửi tới 10 bộ, ngành khác nhau xin ý kiến. Không chỉ dừng lại ở nỗi vất vả mang tính “vật lý”, DN còn bị “đứng hình” vì lỗi vận hành của hệ thống công nghệ thông tin trong giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu. Có trường hợp DN đã hoàn tất thủ tục nhập khẩu, nhưng vì cán bộ không bấm nút “giám sát” trên hệ thống, lô hàng không thể tái xuất đúng hạn, dẫn tới khó khăn cho việc hoàn thuế.
Câu chuyện vướng mắc không dừng ở một ngành, một lĩnh vực. Đại diện Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nêu vấn đề quy định độ tuổi tài xế xe khách: nam không được quá 57 tuổi, nữ không quá 55 tuổi, trong khi Bộ luật Lao động cho phép độ tuổi nghỉ hưu cao hơn. Quy định lạc hậu này đang khiến hàng nghìn tài xế có kinh nghiệm bị loại ra khỏi thị trường lao động dù sức khỏe vẫn bảo đảm. Ngoài ra, một số yêu cầu “hành chính hóa” không thực sự cần thiết cũng đang tạo gánh nặng chi phí.
Quản lý hiện đại phải dựa vào hậu kiểm
Trong khi đó, Trưởng nhóm Kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm và Dinh dưỡng của EuroCham Nguyễn Hồng Uy cảnh báo về những nội dung đang được đề xuất trong dự thảo sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Theo đó, hồ sơ đăng ký sản phẩm sẽ tăng từ 7 mục lên… 41 mục. Điều này không chỉ làm tăng chi phí tuân thủ mà còn tiềm ẩn nguy cơ lộ bí mật công nghệ. Đặc biệt với những yêu cầu như mô tả quy trình sản xuất, thiết bị máy móc, thông số kỹ thuật... “Chúng tôi rất lo ngại nếu cứ mỗi lần đổi công nghệ lại phải xin phép lại từ đầu. Như vậy, DN sẽ không còn động lực cải tiến nữa” - ông Nguyễn Hồng Uy nói và cho rằng, đây là một rào cản lớn đối với đổi mới sáng tạo, trái ngược hoàn toàn với tinh thần của Nghị quyết 57 về đổi mới công nghệ.
Từ góc độ quản lý rủi ro, đại diện EuroCham cho rằng vấn đề hàng giả, hàng nhái không thể xử lý triệt để nếu vẫn áp dụng mô hình quản lý “tiền kiểm” nặng nề như hiện nay. Trong khi nhiều nước tiên tiến đã chuyển hướng sang hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm thì Việt Nam vẫn chú trọng thủ tục hồ sơ mà bỏ qua khâu thanh tra thực tế. Ông Nguyễn Hồng Uy nêu ví dụ: “Trong dự thảo mới, có khái niệm “hậu kiểm hồ sơ”, nghe rất khó hiểu. Chỉ đọc giấy tờ thì làm sao phát hiện gian lận được?”. DN mong muốn cơ quan quản lý không chỉ rút gọn thủ tục mà còn cần tăng cường hậu kiểm, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, điều mà hệ thống pháp luật hiện hành còn khá lỏng lẻo.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú khẳng định, cải cách pháp luật không thể tách rời khỏi nhu cầu thực tiễn của DN. “Không chỉ sửa luật, cần đặc biệt chú trọng chất lượng các văn bản dưới luật, bảo đảm thống nhất toàn hệ thống. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú cũng nhấn mạnh cải cách hành chính phải đi kèm với cải cách trách nhiệm công vụ. Cần xây dựng cơ chế xử lý rõ ràng đối với cán bộ, công chức gây thiệt hại cho DN trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng Đề án tổng thể tháo gỡ vướng mắc pháp lý theo nhóm vấn đề ưu tiên, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2025. Với các vấn đề cấp bách, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết theo cơ chế đặc biệt, thể hiện rõ tinh thần hành động, kịp thời và hướng đến hỗ trợ DN phục hồi, phát triển.
Rào cản thể chế đã và đang là nút thắt lớn nhất trong tiến trình phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Để DN có thể yên tâm đầu tư dài hạn, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, hệ thống pháp luật không chỉ cần đồng bộ và minh bạch, mà còn phải ổn định, dễ hiểu, dễ thực thi và dễ dự đoán.
Cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định, thông tư có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và minh bạch, đặc biệt là sự hài hòa giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Bảo vệ môi trường. Mục tiêu là tạo ra một quy trình liên thông, rút ngắn tối đa thời gian cho nhà đầu tư. Luật sư Nguyễn Hồng Chung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA) |
![]() | Đề xuất quy định mới về thuế thu nhập doanh nghiệp |
![]() | Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp tái chế rác thải |
![]() | Đề xuất quy định về miễn thuế đối với doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ, cá nhân kinh doanh |
Văn Quý
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-van-oan-minh-ganh-phi-tuan-thu-424997.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.