![]() |
Sân khấu của show diễn thực cảnh Ký ức Hội An. Ảnh: Hội An Memories land |
Bước chuyển từ sân khấu ước lệ đến tương tác đa chiều
Nếu như trong nhiều thế kỷ, sân khấu biểu diễn tồn tại trong hình thức khá ổn định với phông nền dựng sẵn, cảnh trí đơn giản và tương tác trực tiếp giữa nghệ sĩ với khán giả, thì hiện nay, công nghệ đã mở ra một “bầu trời mới” cho nghệ thuật sân khấu. Các công nghệ như trình chiếu 3D mapping, ánh sáng lập trình, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), màn hình LED siêu lớn… đang tạo nên những trải nghiệm thị giác đa tầng, cuốn hút người xem vào một không gian biểu diễn không giới hạn.
Những cảnh tượng hoành tráng như một trận thủy chiến, một cơn bão lớn hay khu rừng cổ tích giờ đây có thể được tái hiện sinh động chỉ bằng một nút bấm. Không cần đạo cụ cồng kềnh, không tốn kém nhiều chi phí, các nghệ sĩ và nhà tổ chức có thể tùy biến sân khấu một cách linh hoạt, sáng tạo không ngừng. Quan trọng hơn cả, công nghệ giúp khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ vốn quen với môi trường số, dễ dàng tiếp cận và cảm nhận sâu sắc hơn các giá trị văn hóa, lịch sử thông qua trải nghiệm nghệ thuật hiện đại.
Trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ vào nghệ thuật biểu diễn đã trở thành xu hướng tất yếu. Vở nhạc kịch Frozen trên sân khấu Broadway (Mỹ) là ví dụ điển hình khi công nghệ LED và mapping được sử dụng để biến đổi không gian từ cung điện băng giá đến khu rừng tuyết phủ, tạo hiệu ứng huyền ảo không khác gì bước ra từ phim hoạt hình. Tại châu Á, ca sĩ ảo sử dụng công nghệ hologram đã “gây sốt” với hàng loạt buổi biểu diễn cháy vé, chứng minh sức mạnh của công nghệ trong việc tạo ra trải nghiệm mới lạ, đột phá.
Ngay cả với những loại hình biểu diễn đòi hỏi kỹ năng trình diễn cao như xiếc, công nghệ vẫn chứng minh vai trò hỗ trợ đắc lực. Nhiều nước phát triển đã kết hợp công nghệ lập trình sân khấu, tự động hóa chuyển cảnh và ánh sáng thông minh để biến các tiết mục xiếc thành những tác phẩm sân khấu đích thực, vừa giữ được kỹ thuật xiếc đỉnh cao, vừa tăng tính kịch và hiệu quả thị giác vượt trội.
![]() |
Hình ảnh trong show diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ. Ảnh: ivivu.com |
Công nghệ – chất xúc tác cho đột phá sáng tạo
Tại Việt Nam, xu hướng ứng dụng công nghệ trong nghệ thuật biểu diễn đang dần được chú ý, khi nhu cầu tiếp cận nghệ thuật qua nền tảng số tăng cao. Nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn đã bắt đầu tích hợp công nghệ hiện đại vào biểu diễn.
Một số chương trình của Nhà hát Tuổi trẻ đã thử nghiệm sử dụng máy chiếu công suất lớn để tạo hiệu ứng hình ảnh sinh động cho các vở kịch thiếu nhi, sân khấu thể nghiệm. Các đạo diễn trẻ ngày càng chủ động sử dụng phần mềm thiết kế sân khấu 3D trong giai đoạn tiền kỳ, nhằm tối ưu hóa bối cảnh và tiết kiệm chi phí. Trong âm nhạc, các chương trình như “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã khiến khán giả mãn nhãn với màn trình diễn kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng, đồ họa 3D và sân khấu biến hình.
Đặc biệt, những dự án sân khấu thực cảnh quy mô lớn như Tinh hoa Bắc Bộ, Ký ức Hội An đang được xem là mô hình kiểu mẫu trong việc kết hợp nghệ thuật truyền thống với công nghệ hiện đại. Với hàng trăm diễn viên, hiệu ứng nước, ánh sáng và trình chiếu mapping công phu, các buổi diễn đã mang đến không gian biểu diễn hoành tráng, đậm tính bản địa, đồng thời vẫn hiện đại và hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Không chỉ thay đổi cách sáng tạo, công nghệ còn mở ra không gian tiếp cận khán giả rộng lớn hơn bao giờ hết. Các nền tảng số như YouTube, Facebook, TikTok, các trang livestream chuyên biệt… giúp nghệ thuật biểu diễn Việt có thể lan tỏa đến công chúng toàn cầu, vượt ra khỏi giới hạn địa lý. Đồng thời, dữ liệu từ các nền tảng số cũng là công cụ hữu hiệu giúp nhà tổ chức hiểu rõ thị hiếu, từ đó điều chỉnh nội dung, hình thức biểu diễn phù hợp.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn đối mặt với không ít rào cản trong quá trình “số hóa” sân khấu. Đó là hạn chế về nguồn lực đầu tư cho thiết bị công nghệ cao, thiếu nhân sự kỹ thuật chuyên sâu, và một bộ phận nghệ sĩ còn dè dặt trước các công cụ mới. Ngoài ra, sự thiếu liên kết giữa các đơn vị nghệ thuật, kỹ thuật, công nghệ cũng là thách thức lớn trong việc tạo ra sản phẩm biểu diễn đa ngành, đa nền tảng.
Để nghệ thuật biểu diễn Việt Nam thực sự bước vào thời đại số, cần có chiến lược dài hạn từ cơ quan quản lý văn hóa, đầu tư đúng mức vào hạ tầng kỹ thuật và đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, khuyến khích sáng tạo, hỗ trợ nghệ sĩ trẻ thử nghiệm các hình thức biểu diễn mới, giúp sân khấu Việt chinh phục khán giả trong nước và thế giới.
Mây Hạ
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khi-cong-nghe-khong-chi-ho-tro-ma-con-truyen-cam-hung-425309.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.