![]() |
Tiến sĩ Đồng Mạnh Cường - Trưởng khoa Kinh doanh tại Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam |
Phổ điểm 2025 phản ánh bước chuyển rõ nét trong cách đánh giá năng lực
So với hai năm trước, phổ điểm các môn tự nhiên như toán, lý, hóa, sinh năm nay có sự thay đổi khá đáng kể. Năm 2023 là một năm khá “dễ thở”, phổ điểm các môn tự nhiên chủ yếu tập trung ở mức 6 đến 7 điểm. Năm 2024 bắt đầu có sự điều chỉnh, nhưng vẫn chưa thực sự phân hóa rõ ràng. Năm nay, phổ điểm có dạng gần giống hình chuông, tức là phần lớn học sinh đạt điểm ở mức trung bình khá, song vẫn xuất hiện hai xu hướng rất đáng chú ý: một nhóm nhỏ thí sinh đạt điểm tuyệt đối, và một bộ phận không nhỏ rơi vào nhóm điểm thấp.
Tiến sĩ Đồng Mạnh Cườngkhông cho rằng năm nay “đề khó một cách bất thường”. Việc có đến hơn 500 điểm 10 ở môn toán là điều chưa từng có trong những năm gần đây. Điều đó cho thấy đề thi năm nay không hề đánh bật những học sinh có tư duy tốt và chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, mặt bằng chung điểm trung bình vẫn thấp hơn năm trước. Điều này cho thấy đề thi đã đòi hỏi học sinh phải vận dụng thực sự chứ không chỉ dừng ở học thuộc.
Có thể thấy cách ra đề đã thay đổi rõ rệt, từ kiểm tra kiến thức thuần túy sang kiểm tra khả năng vận dụng. Học sinh không thể chỉ học thuộc mà làm tốt. Các em phải hiểu bản chất, phải biết xử lý tình huống, phải biết chọn chiến lược giải quyết vấn đề. Đây là điều mà nhiều nền giáo dục tiên tiến như Hàn Quốc, Singapore, hay Đài Loan đã làm từ rất lâu. Chúng ta đang đi theo hướng đó, dù còn nhiều điều phải hoàn thiện, nhưng về tổng thể, đây là bước đi đúng.
Tiến sĩ Đồng Mạnh Cường nhấn mạnh: “Tôi cho rằng phổ điểm năm nay, dù có thể khiến nhiều người bất ngờ, nhưng lại phản ánh khá đúng năng lực học sinh ở thời điểm hiện tại. Đề thi đã làm tốt vai trò phân loại, và giúp các trường đại học có thể chọn được những thí sinh thực sự phù hợp với ngành học mà các em lựa chọn. Tôi cũng không nghĩ rằng việc phổ điểm năm nay có xu hướng thấp hơn đồng nghĩa với việc học sinh kém hơn hay giáo viên dạy chưa tốt. Ngược lại, khi đề thi thay đổi nhanh chóng về cấu trúc và yêu cầu, sự "tụt hạng" tạm thời về điểm số là điều dễ hiểu. Tôi từng học tập và giảng dạy trong cả hệ thống giáo dục Việt Nam và quốc tế. Điều tôi nhận thấy sau nhiều năm quan sát và trải nghiệm là: năng lực học tập không thể đo lường chính xác qua điểm thi một lần duy nhất. Để đánh giá thực sự, cần có chuẩn đề thi ổn định, hệ thống dữ liệu so sánh theo thời gian, và đặc biệt là sự đồng thuận giữa nhà trường, giáo viên và học sinh về cách dạy, cách học. Ở Đài Loan chẳng hạn, học sinh thi vào đại học không chỉ dựa vào một bài thi duy nhất. Họ phải trình bày quá trình học tập, tham gia phỏng vấn, và có khi phải viết luận thể hiện quan điểm cá nhân. Những hình thức đánh giá như vậy không chỉ kiểm tra kiến thức, mà còn giúp người học bộc lộ tư duy học thuật của mình. Tôi hy vọng giáo dục Việt Nam sẽ dần tiến tới những mô hình như vậy”.
Lời khuyên của chuyên gia trong chọn ngành, chọn trường
Nhiều phụ huynh và học sinh hiện đang cảm thấy hoang mang khi điểm thi không được như kỳ vọng. Nhưng Tiến sĩ Đồng Mạnh Cường muốn chia sẻ một góc nhìn khác: điểm số không quyết định tất cả. Điều quan trọng hơn là khả năng học tập trong tương lai, sự yêu thích với ngành nghề đã chọn, và quan trọng nhất là năng lực thích nghi với sự thay đổi.
Là người đang trực tiếp giảng dạy trong bậc đại học, Tiến sĩ Đồng Mạnh Cườnggặp rất nhiều sinh viên từng có kết quả đầu vào không quá ấn tượng. Nhưng nhờ có động lực rõ ràng, kỹ năng tự học, và định hướng nghề nghiệp vững vàng, các em đã thành công và có cơ hội làm việc tại các công ty, tổ chức lớn, cả trong và ngoài nước.
Vì vậy, thay vì chỉ nhìn vào điểm số để quyết định học ngành gì, trường nào, Tiến sĩ Đồng Mạnh Cường cho rằng các bạn học sinh nên đặt ra câu hỏi: "Tôi thực sự hứng thú với lĩnh vực nào?", "Tôi có thể làm việc lâu dài với ngành đó không?", "Ngành đó đang thay đổi theo hướng nào?" Những câu hỏi đó có thể giúp bạn lựa chọn sáng suốt và bền vững hơn rất nhiều.
Với những bạn quan tâm đến các ngành như kinh doanh, tài chính, kế toán, marketing hay du lịch - khách sạn, Tiến sĩ Đồng Mạnh Cường khuyên các bạn nên tìm hiểu kỹ về nội dung đào tạo, phương pháp học, và đặc biệt là cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường. Đây là những lĩnh vực tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao trong 5-10 năm tới, nhưng cũng đang biến đổi rất nhanh dưới tác động của công nghệ, dữ liệu và toàn cầu hóa.
Để học tốt và làm tốt trong những ngành này, người học cần được chuẩn bị trong một môi trường hiện đại, sát với thực tiễn và ngoại ngữ tốt. Đó cũng là trọng tâm đào tạo của BUV để những sinh viên ra trường không chỉ vững chuyên môn, mà còn có tư duy phản biện, khả năng thích nghi và sẵn sàng bước vào thị trường lao động với tâm thế chủ động, linh hoạt.
Ngay lúc này, khi đứng trước lựa chọn ngành học và môi trường đại học, các bạn học sinh đừng vội chọn con đường an toàn chỉ vì quen thuộc hay theo số đông. Một thống kê từ NCES (Mỹ) chỉ ra cứ ba sinh viên thì có một người đổi ngành trong ba năm đầu đại học, điều này cho thấy rằng việc “thử rồi điều chỉnh” là chuyện rất bình thường trong hành trình trưởng thành.
Hãy coi giai đoạn này là cơ hội để khám phá bản thân: tìm hiểu kỹ về ngành nghề, tham gia các buổi hội thảo, chương trình trải nghiệm, trò chuyện với người đi trước và suy nghĩ nghiêm túc về môi trường học phù hợp với mình. Khi hiểu rõ sở trường, đam mê và điều kiện học tập cần thiết, bạn sẽ không chỉ bước vào một cánh cửa duy nhất, mà đủ bản lĩnh để chọn đúng nơi giúp mình trưởng thành, và mở ra những cơ hội tốt nhất cho tương lai.
Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn nhóm ngành sư phạm năm 2025 |
Thái Phương
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chuyen-gia-truong-quoc-te-danh-gia-pho-diem-thi-tot-nghiep-thpt-2025-cac-mon-tu-nhien-425497.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.