Iran cảnh báo sẽ rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân

Trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây leo thang, Iran tuyên bố đang cân nhắc nghiêm túc việc rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Động thái này được đưa ra sau các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạt nhân của nước này, mà Tehran cáo buộc do Israel và Mỹ thực hiện.
Iran cảnh báo sẽ rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân
Thứ trưởng Ngoại giao Iran - Kazem Gharibabadi.

Phát biểu trên truyền thông, Thứ trưởng Ngoại giao Iran - Kazem Gharibabadi cho biết quốc gia Hồi giáo đang đứng trước một “quyết định mang tính bước ngoặt”.

Ông Gharibabadi xác nhận rằng có áp lực ngày càng gia tăng trong nội bộ Iran yêu cầu rút khỏi NPT, đặc biệt sau các hành động quân sự gần đây mà Tehran cho là vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Iran vẫn thể hiện sự kiên định trong việc tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế.

“Chúng tôi chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng nếu các nước châu Âu tiếp tục đi theo vết xe của Mỹ, Iran sẽ không thể tiếp tục kiềm chế”, ông Gharibabadi cảnh báo.

Ông Gharibabadi đặc biệt chỉ trích nhóm E3, gồm Đức, Pháp và Anh về khả năng kích hoạt cơ chế khôi phục trừng phạt trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

“Nếu họ kích hoạt cơ chế này, Iran sẽ buộc phải có hành động đáp trả tương xứng. Không ai có thể đơn phương tái áp đặt lệnh trừng phạt mà không có hậu quả”, Thứ trưởng Iran nhấn mạnh.

Trong khi đó, Tehran khẳng định sẽ tiếp tục trao đổi với nhóm E3 trong thời gian tới và kêu gọi các quốc gia châu Âu không phối hợp lập trường với Mỹ. Ông Gharibabadi cho biết Trung Quốc và Nga – hai bên ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cùng với Iran đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ việc lạm dụng cơ chế trừng phạt. Ba nước này dự kiến sẽ phối hợp lập trường và ra tuyên bố chung trong thời gian tới.

Về phía Mỹ, Iran để ngỏ khả năng khôi phục đối thoại nhưng đồng thời cảnh báo Washington không được lợi dụng tiến trình ngoại giao để che đậy các mưu đồ quân sự.

“Chúng tôi không từ chối đàm phán, nhưng Mỹ phải chứng minh thiện chí thực sự, thay vì nói một đằng làm một nẻo”, ông Gharibabadi nói.

Đáng chú ý, một phái đoàn kỹ thuật của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sẽ tới Tehran trong vài tuần tới. Tuy nhiên, chuyến thăm này không nhằm thanh sát các cơ sở hạt nhân, mà để thảo luận một “phương thức mới” trong quan hệ giữa hai bên.

Những diễn biến mới nhất cho thấy căng thẳng giữa Iran và phương Tây đang gia tăng theo chiều hướng khó kiểm soát. Việc Tehran cân nhắc rút khỏi NPT có thể tạo ra tác động nghiêm trọng đến cục diện an ninh toàn cầu và khiến chương trình hạt nhân Iran trở thành tâm điểm đối đầu quốc tế một lần nữa.

Mỹ tái khởi động đàm phán hạt nhân với Iran sau căng thẳng leo thang Mỹ tái khởi động đàm phán hạt nhân với Iran sau căng thẳng leo thang

Ngày 3/7, chính quyền Washington đang lên kế hoạch khởi động lại các cuộc đàm phán hạt nhân trực tiếp với Iran ngay trong tuần ...

Tổng thống Iran tuyên bố sẵn sàng nối lại đàm phán với Mỹ Tổng thống Iran tuyên bố sẵn sàng nối lại đàm phán với Mỹ

Trong một phát biểu gây chú ý ngày 7/7, Tổng thống Iran - Masoud Pezeshkian khẳng định Tehran sẵn sàng nối lại đàm phán hạt ...

Tuấn Khang

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.