![]() |
Hà Nội duy trì hoạt động tiêm chủng thường xuyên phòng chống dịch bệnh. Ảnh: KT&ĐT |
Chủ động giám sát, ứng phó kịp thời với dịch bệnh
Mục tiêu của kế hoạch là giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời các ổ dịch, không để dịch lớn xảy ra, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Một trong những nội dung trọng tâm là giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước và trên thế giới, đặc biệt với các bệnh mới nổi, tái xuất hiện hoặc chưa rõ nguyên nhân. Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị y tế theo dõi diễn biến dịch sát sao để tham mưu kịp thời các biện pháp phòng chống phù hợp.
Tại cửa khẩu quốc tế Nội Bài, công tác kiểm dịch y tế được tăng cường nhằm phát hiện sớm các ca nghi ngờ, thực hiện khai báo y tế, cách ly và kiểm dịch theo quy định, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Cùng với đó, thành phố chú trọng củng cố hệ thống giám sát dịch bệnh, đảm bảo bố trí đủ nhân lực y tế từ thành phố đến cơ sở, xây dựng các quy trình, biểu mẫu thống nhất, trang bị đầy đủ phương tiện giám sát, hóa chất, thiết bị phục vụ điều tra, xử lý dịch.
Hệ thống giám sát sẽ được tổ chức đồng bộ, chủ động đánh giá nguy cơ dịch, khoanh vùng các khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao để tập trung nguồn lực phòng chống từ sớm, từ xa. Nhiều chiến dịch phòng chống dịch quy mô được triển khai như: phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, khử khuẩn diện rộng và tiêm vaccine bổ sung tùy theo tình hình thực tế.
Đối với công tác khám, chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội đặt yêu cầu cao về tăng cường năng lực thu dung, điều trị tại các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở, nhằm giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng, hạn chế phải chuyển tuyến. Các bệnh viện tuyến thành phố tiếp tục nâng cao năng lực hồi sức cấp cứu, kiểm soát nhiễm khuẩn và đảm bảo tiêu chí “bệnh viện an toàn”, nhất là những đơn vị có nhiệm vụ điều trị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Việc phân luồng, phân tuyến điều trị sẽ được thực hiện nghiêm ngặt. Cơ sở điều trị tổ chức phân loại người bệnh theo nguy cơ, theo dõi sát các trường hợp nặng hoặc thuộc nhóm dễ tổn thương như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh nền... Cùng với đó là nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị và cập nhật phác đồ điều trị thường xuyên cho cán bộ y tế các tuyến.
Sở Y tế cũng yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ điều trị và hệ dự phòng, chia sẻ thông tin, phối hợp điều tra dịch tễ và lấy mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán, phát hiện nhanh các tác nhân gây bệnh. Các đội cấp cứu lưu động phải luôn sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi cần, đồng thời huy động tối đa sự tham gia của hệ thống y tế ngoài công lập và các cơ sở y tế thuộc bộ, ngành khi dịch bùng phát quy mô lớn.
Đẩy mạnh tiêm chủng, tăng cường an toàn trong tiêm vaccine
Thành phố tiếp tục duy trì chương trình Tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn trong tiêm chủng theo đúng quy định tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP và các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế.
Hà Nội sẽ rà soát, thống kê tiền sử tiêm chủng của trẻ em trước khi nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học nhằm khuyến cáo phụ huynh bổ sung các loại vắc xin còn thiếu. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong quản lý dữ liệu tiêm chủng, góp phần số hóa hoạt động tiêm phòng toàn diện.
Cùng với đó, Sở Y tế thành phố chủ trương tăng cường xã hội hóa tiêm chủng vaccine theo hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng, đa dạng hơn. Việc thống nhất lịch tiêm chủng giữa vaccine miễn phí và vắc xin dịch vụ cũng sẽ được chú trọng để đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch tối đa.
Công tác truyền thông được đẩy mạnh với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp người dân hình thành thói quen chủ động phòng bệnh và chủ động khai báo khi có dấu hiệu nghi ngờ. Mạng lưới y tế cơ sở, y tế trường học, y tế cơ quan, y tế tư nhân và đặc biệt là hệ thống cộng tác viên y tế - dân số sẽ tiếp tục phát huy vai trò trong phát hiện sớm, báo cáo kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch.
Thành phố cũng tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diện rộng: tổng vệ sinh sau mưa bão, khơi thông cống rãnh, thu gom phế liệu phòng sốt xuất huyết, tổ chức “Tuần lễ rửa tay bằng xà phòng”, đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt, kiểm tra môi trường tại các khu vực nguy cơ cao như bến tàu, lễ hội, bãi rác, trường học...
Đặc biệt, các hoạt động phòng chống dịch lây từ động vật sang người và qua thực phẩm cũng được đặt lên hàng đầu. Sở Y tế sẽ phối hợp với ngành Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường để triển khai các biện pháp liên ngành, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xuất phát từ thực phẩm không an toàn.
Hà Nội đã chủ động chuẩn bị đầy đủ máy móc, phương tiện, hóa chất, sinh phẩm, thuốc men và giường bệnh cho công tác phòng, chống dịch. Các đơn vị y tế được yêu cầu rà soát, bổ sung dự trữ vật tư, đảm bảo sẵn sàng cấp cứu, điều trị khi dịch bùng phát. Các bệnh viện phải xây dựng kế hoạch ứng phó theo từng cấp độ dịch, không để lúng túng khi có tình huống phát sinh.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát phòng chống dịch sẽ được thực hiện thường xuyên và đột xuất tại các tuyến, bảo đảm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong triển khai nhiệm vụ.
Mây Hạ
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-trien-khai-dong-bo-cac-giai-phap-kiem-soat-dich-benh-425871.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.