Chuyển giao quyền…
Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, khoảng tháng 11-2011, anh Nguyễn Thành Đô, SN 1976, trú tại huyện Từ Liêm, Hà Nội, thỏa thuận (không có hợp đồng) vay của anh Trần Văn Thắng, SN 1973, quê Nghệ An, 800 triệu đồng, lãi suất 4 triệu đồng/ngày.
Do anh Đô chưa trả nợ, ngày 18-1-2012, anh Thắng cùng bạn là Đoàn Đức Hà, SN 1984, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, buộc “con nợ” viết giấy nhận nợ 800 triệu đồng. Giấy này ghi nội dung là tiền anh Thắng đặt cọc mua ngôi nhà 3,5 tầng tại xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội (40 triệu đồng/m2) của anh Đô; hẹn ngày 10-10-2012 giao nhà và hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng. Trong đó, chị Nguyễn Thị Xoan, em ruột anh Đô, cùng ký vào giấy biên nhận.
Đến ngày 17-9-2012, anh Thắng tiếp tục buộc anh Đô viết giấy biên nhận 600 triệu đồng, chốt 10-10-2012 giao nhà. Đúng hẹn, anh Đô không giao nhà và trả lại anh Thắng 700 triệu đồng. Vì Hà đã đưa cho anh Thắng 800 triệu đồng nên ngày 13-1-2013, anh Thắng viết giấy ủy quyền và đưa cho Hà CMND của mình, 2 giấy nhận tiền để chuyển quyền đòi nợ cho Hà.
Tháng 1-2013, Hà kể cho Nguyễn Văn Quang, SN 1977, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội, bạn của Hà, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội, nghe việc đòi nợ. Quang đồng ý giúp nên đã đi cùng Hà trèo tường vào căn nhà của anh Đô (lúc này, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thoan, chị Phạm Thị Vân – em anh Đô; chị Xoan, đang quản lý). Hà, Quang lên tầng 3 và đe dọa vứt đồ đạc, tài sản của chị Thoan, Xoan ra khỏi nhà hòng ép anh Đô phải trả 800 triệu đồng. Khoảng tháng 4-2013, Quang rủ thêm Nguyễn Trần Cường, SN 1982, quê Phú Thọ, bạn của Quang, đến ở cùng. Khi ở nhà anh Đô, Cường biết ngôi nhà này không phải nhà của Hà, Quang.
Đêm 12-6-2013, Cường và Quang yêu cầu anh Đô ra quán nước gần nhà “con nợ”. Tại đây, Cường, Quang tiếp tục ép anh Đô đưa giấy tờ nhà để làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà. Anh Đô không đồng ý, Quang dùng chiếc điếu cày ở quán nước vụt vào người, dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu anh Đô. Cường thì dùng chân, tay đấm đá nhằm đe dọa, ép anh Đô phải đưa giấy tờ nhà hoặc trả lại số tiền 800 triệu đồng.
Sáng 13-6-2013, Hà đến nhà anh Đô rồi cùng Quang, Cường sang gọi nhưng không thấy anh Đô mở cửa. Quang, Cường dùng kéo chọc thủng 2 lốp và cắt rách yếm xe máy của anh Đô. Cường đã mua keo dán 502 đổ vào ổ khóa làm hư hỏng hoàn toàn ổ khóa nhà anh Đô. Cùng ngày, anh Đô đến CA huyện Từ Liêm (cũ) trình báo.
Bởi vậy, VKSND TP Hà Nội đã truy tố Hà, Quang, Cường về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, “Xâm phạm chỗ ở”. Đối với hành vi làm hư hỏng yên xe, lốp xe máy, Hà, Quang, Cường không bị truy cứu vì trị giá thấp. Còn anh Thắng được xác định là không biết, không bàn bạc và tham gia với Hà nên không bị liên đới.
Các bị cáo trả lời tòa. Ảnh: Hoa Đỗ
Chỉ là giao dịch dân sự?
Trước phiên tòa sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, các bị cáo đều không nhận tội. Được coi là đầu vụ, Hà nói, anh Đô thuận tình giao nhà nên bị cáo không phải là người xâm hại chỗ ở. Thay đổi so với lời khai trước đó, những người cùng chung vành móng ngựa với Hà cũng kêu oan. Họ cho rằng, bị bức cung nên mới có lời nhận tội ở giai đoạn điều tra. Trong khi đó, trình bày trước HĐXX, anh Thắng nói, đã ủy quyền đòi nợ cho Hà và không hay biết việc Hà cùng đồng phạm đã làm. Được hỏi về món nợ giữa mình và anh Đô, người đàn ông này không nhớ rõ. “Nói thật là lúc đó, cả tôi và anh Đô đều khó khăn. Tôi bán xi măng, anh Đô là người xây dựng, gặp vận làm ăn khó, chúng tôi đều thua lỗ. Thời điểm đó, không có tiền phải chạy ăn, lo việc từng bữa cho thợ…” – anh Thắng phân trần.
Bàn về hành vi của các bị cáo, vị luật sư bào chữa phân tích, tội “Cưỡng đoạt tài sản” nêu, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Ở vụ án này, thời gian Hà cùng 2 bị cáo ở trong nhà của anh Đô dài ngày, chứ không phải “ngay tức khắc” thực hiện hành vi đe dọa. Anh Đô để cho các bị cáo ở trong nhà 5 tháng mà không trình báo vì giữa họ có thỏa thuận.
Mặt khác, con số 800 triệu đồng mà VKSND cáo buộc các bị cáo đã chiếm đoạt cũng không có căn cứ. Cho đến phiên tòa này, các cơ quan tố tụng chưa làm rõ được 800 triệu đồng gốc đã trả được chưa, trả lãi là bao nhiêu. Xung quanh việc vay nợ, có nhiều lời khai khác nhau ở các thời điểm. Anh Đô nói, đã trả một số khoản, trả làm nhiều lần (trả được 750 triệu và nợ lại 50 triệu đồng). Có lời khai, anh Thắng xác nhận con số này là 550 triệu đồng. “Anh Đô, Thắng, Hà có thỏa thuận về nợ và đây là việc riêng giữa họ. Anh Đô biết cả việc anh Thắng ủy quyền cho Hà đòi nợ. Đáng chú ý, anh Đô, Quang, Cường khai, tháng 6-2013, không đòi 800 triệu đồng mà đòi giấy tờ nhà. Vậy, ban đầu là đòi tiền sau chuyển sang giao dịch khác (mua bán nhà) nên đây là giao dịch dân sự, là chuyển quyền đòi nợ, không có hành vi cưỡng đoạt tài sản” ” – luật sư lý giải.
Về tội Xâm phạm chỗ ở, luật sư phân tích, ngôi nhà của anh Đô xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và chưa được cấp “sổ đỏ”. Trong khi đó, Điều 124 BLHS quy định về tội “Xâm phạm chỗ ở” phải là chỗ ở hợp pháp. Vì vậy, luật sư bào chữa rằng, ở cả 2 tội, chưa đủ căn cứ kết tội các bị cáo.
Đối đáp với quan điểm của các luật sự, đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quan điểm cho rằng, các bị cáo vào nhà anh Đô ở, gây sức ép, đòi 800 triệu đồng. Hà khai, chỉ muốn lấy lại 800 triệu đồng nên truy tố các bị cáo là đúng.
Lần xử này, HĐXX của TAND TP Hà Nội vẫn không thể đưa ra phán quyết. Một lần nữa (ngày 15-6-2015 đã hoãn tòa 1 lần), tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, làm sáng tỏ một số tình tiết. Quá trình thẩm vấn, tranh luận, tòa nhiều lần tạm nghỉ để hội ý.
Theo quy định tại Điều 309 Bộ luật Dân sự, bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền, trừ trường hợp bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận không được chuyển giao hoặc pháp luật có quy định khác. Có nghĩa là, trong giao dịch dân sự, khi phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên có liên quan, thì bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu này cho bên thứ ba để thực hiện quyền yêu cầu đó và việc chuyển giao quyền yêu cầu cũng không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác. Khi thực hiện việc chuyển giao quyền yêu cầu, bên chuyển giao quyền yêu cầu phải báo cho bên có nghĩa vụ biết bằng văn bản về việc chuyển giao quyền yêu cầu. |
Hoa Đỗ
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vu-an-cuong-doat-tai-san-o-huyen-tu-liem-ha-noi-8311.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.