Chủ nhật 20/07/2025 14:28

Bà chủ xưởng may nhân ái trao hạt mầm thiện lương

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Không ồn ào, không phô trương, Á hậu Cao Thị Điệp lặng lẽ viết nên hành trình đầy nhân văn của nữ doanh nhân thời đại mới: bản lĩnh trên thương trường, tận tâm với cộng đồng và bền bỉ gieo những hạt mầm thiện lương từ chính trải nghiệm cuộc đời mình.
Bà chủ xưởng may nhân ái trao hạt mầm thiện lương
Á hậu Cao Thị Điệp. Ảnh: NVCC

Từ tuổi thơ thiếu thốn đến trái tim thấu cảm

Bước ra từ cuộc thi Hoa hậu Thương hiệu Việt Nam 2024 với danh hiệu Á hậu, người đẹp Cao Thị Điệp đã lan tỏa vẻ đẹp trí tuệ và nhân ái đến cộng đồng. Trở thành nữ giám đốc xưởng may, ít ai biết cuộc đời cô trải qua nhiều biến cố.

Tuổi thơ của nàng hậu xứ Thanh không có búp bê, không có những chiều tan học có mẹ chờ đón, càng không có giấc mơ ngọt ngào như bao bạn bè cùng trang lứa. Trên nền đất bỏng rát của vùng biển Quảng Đại (Thanh Hóa), những giọt mồ hôi mặn chát đã tôi luyện nên một người phụ nữ kiên cường, dám bước ra khỏi nghịch cảnh để vươn lên.

“Em sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh chị em. Tuổi thơ gắn liền với cái nắng miền Trung, nước biển mặn và bờ cát nóng rát chân. Em đi làm thuê từ bé. Nỗi nhớ nhà có khi chỉ kịp chảy thành nước mắt trong giấc ngủ lưng chừng của những đêm công xưởng”, chị Cao Thị Điệp chia sẻ.

Ký ức về những ngày làm công nhân may, bàn tay tứa máu vì kim đâm, bữa ăn kham khổ để dành tiền gửi về quê… không khiến chị gục ngã. Trái lại, chính gian khó ấy dạy chị biết yêu lao động, trân quý con người và hun đúc một tấm lòng biết sẻ chia.

Chị Cao Thị Điệp bộc bạch: “Em từng nghĩ mình nghèo là do số. Nhưng rồi nhận ra, nếu không tự thay đổi số phận, thì nó sẽ mãi như thế”.

Giờ đây, khi đã có thể làm chủ một doanh nghiệp may mặc có uy tín – Công ty TNHH JMJ APPAREL tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, chị Cao Thị Điệp lại chọn cách quay về giúp đỡ những người từng đứng ở vạch xuất phát mà chị đã bước qua.

JMJ APPAREL không chỉ là thành quả từ lý trí kinh doanh, mà còn là "đứa con tinh thần" được đúc kết từ bao đêm trắng nơi xưởng may, những bữa cơm chan canh rau thuở khởi nghiệp và ký ức về mái nhà dột nát nơi cô bé Điệp từng ngước nhìn bầu trời.

Trong bối cảnh ngành dệt may cạnh tranh khốc liệt, JMJ APPAREL vẫn giữ được vị thế vững chắc, một thành tích không dễ dàng với một doanh nghiệp trẻ, do một nữ giám đốc chưa quá 35 tuổi điều hành.

Điều khiến cộng đồng cảm phục không chỉ là năng lực điều hành, đó còn là tinh thần nhân ái đặc biệt của Cao Thị Điệp. Từ nhiều năm nay, chị chủ động tiếp nhận và tạo việc làm cho những người từng có tiền án, tiền sự – nhóm đối tượng vốn chịu nhiều kỳ thị khi tái hòa nhập cộng đồng.

“Nếu không ai cho họ cơ hội, họ sẽ đi đâu? Sống sao? Nếu lầm đường lần nữa thì khổ cả gia đình và xã hội. Nếu em có thể, em muốn giúp họ” - chị nói với ánh mắt trăn trở.

Việc tuyển dụng người hoàn lương là một thách thức không nhỏ: định kiến xã hội, tâm lý e ngại từ khách hàng và chính sự tự ti của người lao động. Nhưng bằng sự kiên nhẫn, tận tâm và niềm tin vào con người, chị Cao Thị Điệp đã giúp hàng chục người thay đổi số phận, trở lại cuộc sống lương thiện.

Chị Cao Thị Diệp chia sẻ: “Có những em từng đi tù về, đến xin việc mà tay run cầm giấy, mắt không dám nhìn thẳng. Em nhìn mà rơi nước mắt. Nếu em không nhận, các em biết xin việc ở đâu? Nếu không có ai mở lòng, rồi các em lại lang thang… lại lầm lỗi?”.

Bà chủ xưởng may nhân ái trao hạt mầm thiện lương
Nữ doanh nhân ngành thời trang may mặc không chỉ thành danh trên thương trường còn gieo hạt mầm thiện lương đến những cuộc đời lầm lỡ. Ảnh: NVCC

Trao cơ hội, vẽ tương lai

Tháng 11/2024, tại lễ sơ kết mô hình tái hòa nhập cộng đồng do Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức, Giám đốc Cao Thị Điệp đã được trao Giấy khen vì những đóng góp tích cực trong việc hỗ trợ và tạo sinh kế cho người hoàn lương. Đó không chỉ là sự ghi nhận mà là một mốc son cho hành trình “làm kinh doanh bằng trái tim” của chị.

Ở JMJ APPAREL, người ta thấy những công nhân chăm chỉ làm việc, nhưng sau giờ tan ca, họ cười, họ biết ơn. Bởi ở đây, họ không bị phán xét bởi quá khứ. Ở đây, có một nữ giám đốc dám đưa tay ra nắm lấy họ - những người từng có án tích, từng sa ngã, từng bị chính gia đình mình nghi ngại.

Bà chủ xưởng may nhân ái trao hạt mầm thiện lương
Á hậu Cao Thị Điệp được trao Giấy khen vì những đóng góp tích cực trong việc hỗ trợ và tạo sinh kế cho người hoàn lương. Ảnh: NVCC

Bền bỉ gắn kết, huấn luyện, nâng đỡ và trao cơ hội, nữ doanh nhân Cao Thị Điệp đã giúp hàng chục người tái hòa nhập với cộng đồng bằng chính đôi tay lao động chân chính.

Dự định năm 2026, chị Cao Thị Điệp ấp ủ kế hoạch mở rộng sản xuất, không chỉ để tăng quy mô doanh nghiệp, quan trọng hơn để trao thêm cơ hội cho những con người từng lầm lỡ, giúp họ dựng lại cuộc sống bằng đôi tay chính trực.

Trong thời đại mà doanh nhân được đánh giá không chỉ qua bảng báo cáo tài chính, mà cả qua giá trị họ để lại cho cộng đồng, Á hậu - Giám đốc Cao Thị Điệp đã và đang viết nên một hành trình đẹp đẽ, nhân văn và đầy cảm hứng, hành trình của một người “gieo hạt mầm thiện lành” đến những cuộc đời từng lầm lỡ.

Nữ doanh nhân luôn miệt mài, tận tụy, phấn đấu cho sự nghiệp trồng người Nữ doanh nhân luôn miệt mài, tận tụy, phấn đấu cho sự nghiệp trồng người
Nữ doanh nhân ngành xây dựng Bắc Giang đăng quang Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam toàn cầu 2025 Nữ doanh nhân ngành xây dựng Bắc Giang đăng quang Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam toàn cầu 2025
18 “bông hồng thép” tỏa sáng tại bán kết Hoa hậu Doanh nhân Đại Việt 2025 18 “bông hồng thép” tỏa sáng tại bán kết Hoa hậu Doanh nhân Đại Việt 2025
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động