Các di tích đó hàm chứa những giá trị về lịch sử, văn hoá và khoa học, xét dưới góc độ phát triển, đây là nguồn tài nguyên, nguồn lực đặc biệt có thể khai thác để góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô. Việc khai thác đó, dù ít dù nhiều, hay dù mới ở giai đoạn khai mở, nhưng đã khẳng định được vị trí, tầm quan trọng của hệ thống di tích trong bối cảnh phát triển hiện nay. Theo TS. Trần Đức Nguyên - Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, di sản văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, trong giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn, nâng cao lòng tự hào dân tộc. Ngày nay, tiềm năng kinh tế của di sản văn hóa đã và đang được phát huy mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Với nguồn lực đặc biệt là hệ thống các di tích lịch sử văn hóa (LSVH), là nguồn tài nguyên đặc sắc, hấp dẫn để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Thủ đô Hà Nội. Việc tổ chức khai thác hệ thống di tích góp phần phát triển du lịch, nguồn thu từ hoạt động này đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô. Trên thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, việc phát triển du lịch trên địa bàn Thủ đô chủ yếu tập trung vào điểm di sản văn hóa tiêu biểu như các di tích, làng nghề, văn hóa ẩm thực… Những thế mạnh đó đã thu hút du khách không chỉ trong nước và mà còn với đa số du khách quốc tế khi đến Hà Nội. Du lịch Hà Nội xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội dựa trên những giá trị văn hóa đặc sắc, trọng tâm là các giá trị di sản văn hóa và giá trị văn hóa ẩm thực, thông qua đó hình thành hệ thống các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao. Đây là sản phẩm chủ yếu của du lịch Hà Nội. |
Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 316,3 nghìn lượt, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 2,03 triệu lượt, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,9 nghìn tỷ đồng, tăng 74,4% với cùng kỳ năm trước. |
Trong thời gian gần đây, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID, nhằm thu hút khách du lịch đến với các điểm di tích, nhiều chương trình, sản phẩm mới được xây dựng, hình thành nên những không gian sáng tạo lấy cảm hứng từ nguồn vốn văn hóa Hà Nội gây được ấn tượng mạnh như: tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, sản phẩm tour du lịch trải nghiệm đêm “Đêm Thiêng liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, chương trình “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”, hay tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”… Với sự hồi phục mãnh mẽ sau đại dịch, số lượng du khách đến Hà Nội đã tăng lên nhanh chóng. Cùng với nguồn doanh thu trực tiếp từ kinh doanh du lịch tại các điểm di tích LSVH đóng góp cho ngân sách, cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô thì việc khai thác giá trị của di tích để phát triển du lịch xét một khía cạnh nữa cần phải đề cập đó là sự thay đổi sinh kế theo chiều hướng tích cực của người dân địa phương nơi các di tích tồn tại. Trường hợp rõ nét chúng ta có thể thấy tại điểm di tích quần thể danh thắng chùa Hương (huyện Mỹ Đức) hay tại làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Về cơ bản, người dân tại các nơi này bao đời nay chủ yếu sinh sống bằng nghề làm nông nghiệp, chăn nuôi hoặc một số nghề phụ nhỏ lẻ... |
Khi các điểm di tích được khai thác, phát triển với các tour du lịch đưa khách trong và ngoài nước đến, một bộ phận lớn người dân đã chuyển sang làm các hoạt động dịch vụ du lịch như kinh doanh, chèo thuyền đưa khách, bán đồ lưu niệm… một số khác chuyển nghề sản xuất sản phẩm như đồ lưu niệm, đồ thờ cúng hoặc sản phẩm ẩm thực… để cung cấp cho các cơ sở kinh doanh tại các điểm di tích. Những hoạt động này đã làm cho thu nhập của người dân được nâng lên cao hơn so thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, đời sống vật chất của người dân do đó thay đổi từng ngày. TS. Trần Đức Nguyên cho biết, theo một nghiên cứu chuyên đề, tại xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), thu nhập bình quân của người dân vào năm 2019 đạt 45,1 triệu đồng/người chủ yếu từ thương mại dịch vụ và du lịch. Tỷ lệ hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/người/năm chiếm 35%, thu nhập từ 30 - 41 triệu đồng/người/năm chiếm 20%, thu nhập dưới 30 triệu đồng/năm chiếm 15%. Với mức thu nhập như vậy cho thấy đời sống của dân cư này ổn định ở mức khá tốt, nhịp độ tăng trưởng phù hợp với bối cảnh hiện nay. Cùng với sự nâng cao đời sống của người dân, thì tại các điểm di tích cũng được đầu tư cải tạo, nâng cấp các cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm y tế, các công trình phúc lợi, cảnh quan môi trường… góp phần làm cho đời sống của người dân, môi trường sống được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh việc khai thác giá trị để phát triển kinh tế du lịch, các di tích LSVH của Thủ đô còn được khai thác, phục vụ cho một lĩnh vực công nghiệp văn hóa tương đối mới ở nước ta, nhưng hiệu quả xã hội, hiệu quả kinh tế rất cao đó là công nghiệp điện ảnh. Với những giá trị về mặt lịch sử, những nét cổ kính của các điểm di tích đã là đối tượng để cho nhiều đạo diễn điện ảnh lựa chọn đưa vào nhiều phân cảnh của các tác phẩm của mình. Qua đó nhiều bộ phim đã đạt được thành công, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, đạt doanh thu cao khi công chiếu tại các rạp. Việc khai thác giá trị của hệ thống di tích LSVH để phát triển du lịch, điện ảnh một mặt đưa lại nguồn lợi về kinh tế cho thành phố, cho người dân địa phương nơi có di tích, mặt khác - rất quan trọng mà chúng ta không thể không nhắc tới - đó là thông qua du lịch, qua điện ảnh đã đưa hình ảnh Thủ đô Hà Nội ra thế giới, được bạn bè năm châu biết đến một Thủ đô hòa bình, một Thủ đô của di sản văn hóa. Mỗi một di sản hiện diện trên đất nước chúng ta là một minh chứng về hình ảnh Việt Nam hội nhập, cởi mở và dung nạp các giá trị văn hóa, văn minh, lịch sử và phát triển của nhân loại. Nếu như trước đây, thế giới biết đến Việt Nam, biết đến Hà Nội thông qua những hình ảnh, những thông tin về một Thủ đô, một đất nước với những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống lại những đế quốc, thực dân sừng sỏ hàng đầu thế giới thì ngày nay, với nhiều thế mạnh nổi trội, trong đó di sản văn hóa - những điểm đến du lịch đã làm cho hình ảnh của Thủ đô Hà Nội lan tỏa ra khắp thế giới, một Thủ đô hòa bình, giàu truyền thống. |
(Còn nữa)
Bài 1: Một trong 10 thành phố giàu bản sắc văn hóa |
Bài: Thái Phương
Ảnh: Khánh Huy
Thiết kế: Thanh Tuấn