Bài 1: Những người “ngược dòng” lưu lại nét xưa giữa dòng chảy ngày nay

Chiếm 1/3 tổng số làng nghề trên cả nước, Hà Nội với khoảng 1350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu được gọi là đất nghề trong nghề. Qua rất nhiều thăng trầm vẫn còn đó những ngôi làng có bề dày trăm năm, ngót nghìn năm lịch sử. Qua dòng chảy của thời gian, qua nhiều lần biến đổi của thời đại, thời cuộc, dưới tác động của sự xoay chuyển mang tên kinh tế, vẫn có những nghệ nhân kiên trì giữ đúng bản nguyên nghề truyền thống. Mà họ còn tự nhận mình là… những người “cố chấp".

Bài 1: Những người “ngược dòng” lưu lại nét xưa giữa dòng chảy ngày nay

Nhà nghệ nhân Đỗ Minh Thường (hay thường gọi là Đỗ Minh Tám) ở làng nghề may áo dài truyền thống Trạch Xá, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) là địa chỉ quen thuộc của những người yêu và muốn may áo ngũ thân truyền thống.

Ở làng nghề này, không ai không biết rằng, dù cả làng tập trung may nhiều sản phẩm có tính chất thị trường, may sẵn, cắt sẵn, thì nghệ nhân Đỗ Minh Tám vẫn là một trong số ít người còn lưu giữ lại cách may áo ngũ thân truyền thống – mà gần như các sản phẩm, ông đều khâu tay tỉ mỉ - với tất cả các công đoạn. Ông kể rằng, để may một tấm áo ngũ thân – nghệ nhân lành nghề như ông làm liên tục trong 18 tiếng mới xong một áo. Còn nếu như áo dài vẫn bán ở thị trường, đưa vào máy may chuyên nghiệp thì một ngày, con số làm sao mà kể cho đặng.

Bài 1: Những người “ngược dòng” lưu lại nét xưa giữa dòng chảy ngày nay

Khi mới lên 8 tuổi, nghệ nhân Đỗ Minh Tám đã bắt đầu học cầm kim, phụ giúp những việc phụ vặt như đính khuy, khâu những công đoạn đơn giản. Vốn đã có sẵn lòng nhiệt huyết với nghề may, những đường kim mũi chỉ đã ngấm vào trong máu nên ông Tám quyết tâm đi theo nghề truyền thống của cha ông.

Ông Đỗ Minh Tám luôn tỉ mẩn kỹ thuật khâu kim tay dọc mà chỉ riêng làng Trạch Xá mới có. Về làng may một tấm áo ngũ thân mới thấy rằng, hiểu biết về áo dài truyền thống của người mặc chịu tác động của quan niệm thời cuộc và thị trường đôi lúc đã không được vuông tròn, sâu sắc.

Bài 1: Những người “ngược dòng” lưu lại nét xưa giữa dòng chảy ngày nay

Hiện nay nếu tìm hiểu thông tin về áo dài thì miêu tả phổ biến nhất được cung cấp là “áo dài được may vừa vặn, ôm sát thân của người mặc, chiết eo”, “có 2 tà (vạt - thân) trước và sau, tà áo dài quá gối”, “tay áo tính từ vai, may ôm sát cánh tay”, “cúc áo là cúc bấm”… Thực ra, đây là diện mạo của chiếc áo dài cách tân hai thân mới xuất hiện từ những năm 30 của thế kỷ XX, vốn chịu ảnh hưởng của xu hướng thời trang Âu hóa đương thời.

Trong khi đó, áo dài ngũ thân truyền thống đã có một lịch sử thăng trầm biến đổi hơn 300 năm, diện mạo và kết cấu của chiếc áo dài cổ truyền có sự khác biệt khá lớn với chiếc áo cách tân ta biết hiện nay. Áo ngũ thân có phần thân áo rất rộng, không chiết eo và thân áo càng lượn xuống thì càng rộng. Khi trải chiếc áo ngũ thân ra, tà áo tạo ra một đường cong (sa tà). Đặc điểm tiếp theo là áo dài ngũ thân được cấu tạo với năm thân áo may ráp lại với nhau theo chiều dọc, hai thân trước và sau được may liền lại theo đường sống áo ở chính giữa, phía trước phần bên phải là thân kép, bên trong có một “thân con”, được tính là thân áo thứ năm. Tà của áo dài ngũ thân chỉ dài chạm gối hoặc hơi quá gối.

Tay áo ngũ thân không được ráp trực tiếp vào bả vai như thường thấy mà được may nhờ vào phần vải dùng để làm thân áo, kéo dài tới nửa cánh tay, sau đó mới dùng một phần vải khác nối vào làm ống tay áo. Do đó, nách áo rất rộng, chỉ bó lại ở phần cổ tay, trái với nách áo cách tân bó sát giúp người mặc cảm thấy thoải mái khi vận động. Áo ngũ thân chỉ sử dụng khuy cài chứ không dùng khuy bấm.

Nghệ nhân Đỗ Minh Tám tâm sự: Tấm áo ngũ thân khâu tay mười người mỗi người một kiểu tà ôm khác nhau, tà không hở phần hông, gấu áo hình cánh cung mềm mại, thân áo che đi nhưng điểm hạn chế của những người thể hình không được “chuẩn mẫu” như cách gọi bây giờ. “Cứ nghĩ mà xem, phụ nữ hay đàn ông có tuổi tác, thân hình không được như xưa, liệu có phải không thể mặc áo dài như thời son trẻ? Không phải vậy, ngũ thân cổ đứng sang trọng, thoải mái, cho phép mọi người có quyền được đẹp và được mặc như nhau. Trong xu thế áo dài hiện nay, ánh nhìn của số đông chiếm đa số, nhưng giá trị truyền thống đẹp đẽ được lưu giữ vẫn có sức sống riêng. Vì vậy mà dù nhiều nhà trong làng có làm nhiều sản phẩm bán theo hướng tân thời, tôi vẫn cố giữ cho được nét đẹp áo ngũ thân này” – ông Đỗ Minh Tám nói.

Bài 1: Những người “ngược dòng” lưu lại nét xưa giữa dòng chảy ngày nay

Định Công chục năm gần đây có một cuộc chuyển đổi mang tên “từ làng ra phố”. Xưa có câu: “Lĩnh hoa Yên Thái, Gốm Bát Tràng, Bạc Định Công, Đồng Ngũ Xã” để nói về tứ trụ tinh hoa của làng nghề Thăng Long.

Nghề đậu bạc Định Công có từ thời Tiền Lý (thế kỷ thứ VII) do ba ông tổ nghề là Trần Điền - Trần Điện - Trần Hòa lập nên. So với các làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình), Châu Khê (Hải Dương), những sản phẩm ở Định Công có nét đặc trưng riêng. Nó đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao. Người làm nghề phải nắm chắc 4 kỹ thuật cơ bản: Trơn, đấu, chạm, đậu.

Trong đó, kĩ thuật đậu bạc (để chỉ hành động kéo bạc đã nung chảy thành sợi chỉ, sau đó se thành sợi mảnh như sợi tóc tạo những họa tiết hoa văn, chim muông, hoa lá… gắn vào đồ trang sức) là kỹ thuật khó, phải khéo léo và rất tỉ mỉ. Sản phẩm Đậu bạc đạt yêu cầu phải đậu đều tay. Mỗi một sản phẩm đều là một tác phẩm nghệ thuật khắt khe về kỹ thuật nhưng lại tinh tuý ở giá trị thẩm mỹ và sử dụng.

Theo cuộc biến chuyển mang tên làng ra phố, đi dọc phố Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) bây giờ, những xưởng đậu bạc ngày xưa, nay đã không còn. Nghề kim hoàn Định Công cũng bị mai một. Từ đầu thế kỷ 21, người dân nơi đây đã chuyển sang sản xuất công nghiệp. Còn những sản phẩm thủ công phải mất nhiều thời gian vì trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ gần như chẳng còn mấy ai mặn mà với nghề.

Bài 1: Những người “ngược dòng” lưu lại nét xưa giữa dòng chảy ngày nay

Thế nhưng, gia đình nghệ nhân Quách Văn Hiểu - Quách Tuấn Tú vẫn là một trong hai nhà duy nhất còn lại của làng nghề đậu bạc truyền thống Định Công còn giữ lửa nghề cho đến bây giờ. Gia đình nghệ nhân đã có 5 đời làm nghề đậu bạc. Theo lời kể, nghệ nhân Quách Văn Hiểu bắt đầu học nghề từ năm 5 tuổi, đến năm 15 tuổi đã là thợ cả trong gia đình. Đến tận bây giờ của nghệ nhân Quách Văn Hiểu, những chiếc thão cổ truyền vẫn được sử dụng, bởi theo ông máy cán bạc không thể cho những cỡ chỉ như ý muốn.

Bài 1: Những người “ngược dòng” lưu lại nét xưa giữa dòng chảy ngày nay

Vì nghiệp đã gắn vào tận máu thịt ông Hiểu luôn đau đáu với nghề. Đôi lúc ánh mắt không nén được nét buồn vì nhân lực làm bạc thủ công ngày một ít ỏi.

Gắng giữ nghề truyền thống được “nguyên bản” trong biến động của thời cuộc là điều khó khăn. Đến mức cả những người nghệ nhân như Đỗ Minh Tám và Quách Văn Hiểu khi nói về nghề đôi lúc mắt khống giấu nổi ánh buồn. Bởi họ giường như là những người ngược dòng với số đông. Giữ nghề đã khó, tồn tại cùng nghề qua cơn sóng dịch bệnh covid-19 suốt hai năm vừa qua lại càng nhọc nhằn hơn. Mà bản thân họ, dù tuổi đã không còn trẻ, vẫn phải mạnh dạn chuyển đổi theo số hóa, để vừa giữ nghề, vừa truyền nghề… vừa sống cùng nghề…

(còn nữa)

Bài 1: Những người “ngược dòng” lưu lại nét xưa giữa dòng chảy ngày nay