Cảnh giác với dị ứng và ngộ độc hải sản khi đi du lịch biển trong mùa Hè
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Con sam biển Quảng Ninh dễ bị nhầm lẫn với so biển. |
Ngộ độc do nhầm lẫn và độc tố tự nhiên trong hải sản
Theo các chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc nặng là do nhầm lẫn giữa các loại hải sản có hình dáng tương tự. Một trường hợp điển hình là sự nhầm lẫn giữa so biển và sam biển. Trong khi sam là loại có thể ăn được, thì so biển lại chứa Tetrodotoxin – một loại độc tố thần kinh cực mạnh, tập trung chủ yếu ở trứng, gan và ruột. Độc chất này không bị phân hủy trong quá trình nấu chín, và chỉ cần một lượng rất nhỏ cũng có thể gây ngộ độc cấp, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Không chỉ xuất hiện ở so biển, Tetrodotoxin còn được tìm thấy trong nhiều sinh vật biển khác như cá nóc, bạch tuộc đốm xanh… Độc tố này có thể hấp thụ nhanh qua đường tiêu hóa và gây ra các triệu chứng trong vòng 10–45 phút sau khi ăn, bao gồm: tê môi và lưỡi, buồn nôn, tiêu chảy, yếu cơ, khó nói, khó thở. Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị liệt cơ hô hấp, tụt huyết áp, hôn mê sâu và tử vong.
Bên cạnh nguy cơ ngộ độc, hải sản còn là nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng, đặc biệt ở những người có cơ địa nhạy cảm. Các loại như tôm, cua, sam biển thường chứa protein lạ, khi vào cơ thể có thể kích hoạt hệ miễn dịch và tạo ra các phản ứng dị ứng từ nhẹ đến nặng.
Triệu chứng dị ứng có thể khởi phát từ ngứa, nổi mề đay, sưng môi và mí mắt, buồn nôn, tiêu chảy, đến các phản ứng nguy hiểm như sốc phản vệ – một tình trạng cấp cứu y khoa. Khi đó, bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp, mạch nhanh yếu, khó thở, da tái lạnh, nổi vân tím, thậm chí rơi vào hôn mê và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
![]() |
Cách phân biệt giữa sam biển và so biển. |
Những lưu ý quan trọng để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
Để có kỳ nghỉ biển an toàn và vui vẻ, người dân cần chú ý một số khuyến cáo sau từ các chuyên gia:
- Tránh ăn hải sản lạ: không nên ăn thử các loại hải sản chưa từng sử dụng trước đây, đặc biệt những loại có hình dáng bất thường hoặc không rõ tên. Hải sản từ vùng biển ô nhiễm hoặc nơi xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc cao do chứa tảo độc.
- Cảnh giác với tiền sử dị ứng: người từng có phản ứng dị ứng với hải sản cần tuyệt đối tránh ăn lại loại đó. Đồng thời, nên mang theo thuốc chống dị ứng hoặc thuốc điều trị sốc phản vệ nếu có chỉ định từ bác sĩ.
- Chọn nơi ăn uống uy tín: ưu tiên dùng bữa tại các nhà hàng, quán ăn có uy tín, đảm bảo nguồn gốc hải sản rõ ràng, chế biến hợp vệ sinh. Khi mua về nhà chế biến, nên chọn hải sản còn sống, tránh loại đã chết hoặc có dấu hiệu ươn, hư hỏng.
- Không kết hợp với thực phẩm giàu vitamin C: một số hải sản có thể chứa asen pentavalent – dạng không độc, nhưng khi kết hợp với lượng lớn vitamin C, sẽ chuyển hóa thành thạch tín (asen trioxide) – chất cực độc gây ngộ độc cấp tính.
- Thận trọng với trẻ nhỏ: với trẻ lần đầu ăn hải sản, nên cho ăn từng ít một, theo dõi kỹ phản ứng trong 24 giờ. Trẻ có dấu hiệu ngứa ngáy, mẩn đỏ, rối loạn tiêu hóa hoặc khó thở cần được đưa đi khám ngay.
Ngay khi xuất hiện các biểu hiện bất thường sau khi ăn hải sản như buồn nôn, chóng mặt, ngứa toàn thân, khó thở, tím tái, co giật hoặc bất tỉnh, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.
Tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà, không dùng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc nghe theo các mẹo dân gian. Hiện nay chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho một số loại độc tố trong hải sản như Tetrodotoxin, nên việc điều trị chủ yếu là hồi sức tích cực và kiểm soát triệu chứng.

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại