Ảnh: Trọng Thiết - Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân cung cấp |
TIẾP BƯỚC THEO DẤU CHÂN NGƯỜI XƯA
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của Đảng và nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đất nước đã ca khúc khải hoàn 45 năm, khi nhắc nhớ về truyền thống lịch sử, mỗi người lính Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn luôn tự hào về truyền thống, với chiến công vang dội của mình đã lập nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển, vận chuyển vũ khí và con người chi viện cho chiến trường Miền Nam. Hải quân Việt Nam cùng với lực lượng cả nước đã giải phóng quần đảo Trường Sa vào ngày 29-4-975. Chiến công này góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn mới. Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Hải quân Nhân dân Việt Nam, góp phần tạo nên dấu ấn vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, việc giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa từ quân đội Sài Gòn đóng giữ chính là bằng chứng có tính pháp lý để khẳng định trước cộng đồng quốc tế quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. |
Quần đảo Trường Sa giải phóng ngày 29-4-1975 |
45 năm qua quần đảo Trường Sa đã bước vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng chiến đấu và trưởng thành bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với chiến lược biển Việt Nam của Đảng và Nhà nước là xây dựng Quốc gia Việt Nam mạnh từ biển, giàu lên từ biển, Đảng và Nhà nước cùng đồng bào cả nước đã đóng góp trí tuệ và công sức xây dựng các đảo của chúng ta mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống và đẹp về cảnh quan, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. |
Nụ cười của các tân binh ngày lên đường nhập ngũ ra Trường Sa làm nhiệm vụ. |
Hàng năm, các chiến sỹ, sỹ quan, cùng hàng vạn tân binh nô nức lên đường nhập ngũ. Trong số đó, không ít các tân binh đã lựa chọn màu áo của Hải Quân, lựa chọn đến với nơi đầu sóng ngọn gió, đến với Trường Sa máu thịt của cả nước. Tân binh Nguyễn Ngọc Dương (trú tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: "Là một người con của Hà Nội, em cảm thấy vinh dự và tự hào khi được nhận nhiệm vụ công tác nơi biển đảo Trường Sa. Khi nhận thông tin được lựa chọn, gia đình em cũng chia vui và động viên em lên đường, tuy xa gia đình nhưng sự tin tưởng, động viên của mọi người là nguồn động lực để em thêm vững lòng, chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc". Mang theo tinh thần hăng hái, sự nhiệt thành cùng lòng yêu nước nồng nàn, các tân binh của thời bình tiếp tục đi theo tiếng gọi của trái tim để đến với Trường Sa. Những chiến sỹ ấy đã bước tiếp những bước chân của cha anh, tiếp tục chiến đấu, canh giữ biển trời Trường Sa máu thịt thiêng liêng của Tổ Quốc. |
MẦM XANH GIỮA BIỂN TRỜI TRƯỜNG SA
Đảo Sinh Tồn rợp bóng cây xanh. |
Nếu phải gọi tên một điều gì thân thuộc và bình an nhất ở Trường Sa nói chung, ắt hẳn đó phải là những tán cây. Màu xanh trên những khối bê tông xám lạnh ở đảo chìm, hay cả những ngăn ngắt rợp trời nơi đảo nổi, cũng đều hiện hữu như một lẽ tự nhiên của đất trời dành lại cho người ở biển. Màu xanh ấy còn như chứa đựng cả một bóng hình quê hương. |
Màu xanh trên đảo mang tên người anh hùng Phan Vinh. |
Chen giữa hàng trăm công trình trúc hạ tầng vững chắc là hàng ngàn cây xanh đâm chồi nảy lộc vươn mình trong nắng gió mặn mòi. Không chỉ những đảo nổi như Trường Sa lớn, Nam Yết, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Phan Vinh… màu xanh mới phủ kín, mà cả những đảo chìm như Cô Lin, Len đao, Đá Lớn, Tiên Nữ… màu xanh cây cối vẫn xanh tốt trên sỏi cát Trường Sa. Màu xanh ấy không chỉ là kết quả sáng tạo, cần cù từ bàn tay khối óc của những chiến sĩ Hải Quân mà còn là sự khát vọng hòa bình, chung sức đồng lòng xây Trường Sa mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, thắm tình quân dân như cá với nước của những người lính biển ở xa nhất của Tổ quốc Việt Nam. |
Vườn rau xanh tăng gia của các chiến sỹ tại những điểm đảo nổi và đảo chìm Trường Sa |
Ở các điểm đảo nổi thì dễ hiểu bởi đã có những cây cối dần sinh trưởng và thích nghi được với chất đất mặn mòi cùng những cơn gió muối từ biển. Nhưng khi đến với các điểm đảo chìm, màu xanh của cây cỏ vẫn hiện hữu. Từ cửa sổ căn phòng với những chậu cây nhỏ sinh đến những vườn rau xanh tăng gia, dù là ở đâu, để có được màu xanh vươn lên, đó là sự chịu thương chịu khó và cả tình yêu với cây cỏ của các chiến sỹ ở nơi đầu sóng ngọn gió. Y sĩ Phùng Văn Hoàn (đảo Sinh Tồn) kể nhiều về những cây xanh ở đảo, nghe anh kể mới thấy người Trường Sa thực sự trân trọng từng cành cây ngọn cỏ. Cây che gió, chắn những mưa nắng bão dông, giữ nước và hơn hết là cả một khoảng trời để bao người sinh trú. Bây giờ, ở đảo có đủ từ phong lan, hoa giấy, đến hoa súng, hoa sứ, cúc, mười giờ, được người dân và chiến sĩ chăm sóc, nâng niu. Nhìn thấy màu xanh cây cỏ, đó là màu của hi vọng, của sự sống và của quê nhà. |
DẠY HỌC Ở TRƯỜNG SA - KHÔNG DỪNG LẠI Ở VIỆC DẠY CON CHỮ
Đến với Trường Sa, mỗi người đều có cho riêng mình một cảm nhận. Tuy nhiên, ở giữa nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ Quốc, những âm thanh vang lên từ những lớp học vẫn luôn văng vẳng. Những ngôi trường ở Trường Sa luôn đặc biệt, đó là những ngôi trường mà sĩ số học sinh khiêm tốn và các thầy cô nhiệt tâm, kiêm luôn nhiệm vụ của người cha người mẹ thứ hai của các em. Trường tại đảo Sinh Tồn chính là một trong ba ngôi trường như thế tại Trường Sa. |
Lớp học ghép tại trường tiểu học xã Sinh Tồn. |
Trường tiểu học xã Sinh Tồn nằm nhỏ nhắn giữa cụm chiến đấu bảo vệ đảo Sinh Tồn. Ngôi trường tổ chức 5 lớp nhưng sĩ số khiêm tốn vỏn vẹn chỉ khoảng hơn chục em học sinh nhưng không lúc nào ngớt tiếng cười của trẻ nhỏ và tấm lòng của người thầy. Lớp học vang lên những thanh âm trong trẻo, tiếng trỏ nhỏ vui đùa giờ ra chơi, í ới gọi nhau mỗi khi về làm cả một góc đảo trở nên rộn ràng. Tất cả những điều ấy đều gợi nhớ đến bất kì một ngôi trường nào ở đất liền. Thầy Phạm Xuân Dịu (Giáo viên trường Tiểu học Sinh Tồn) cho biết: “Để phân bổ chương trình học hợp lý, các em được ghép vào học trong 2 phòng học. Các học sinh ngồi quay lưng vào với nhau, hướng lên bảng. Trong khi giáo viên giảng bài cho học sinh lớp 5 thì học sinh lớp 3 ôn bài, học sinh lớp 2 làm bài tập. Tuy khó khăn nhưng cả thầy và trò đều đã quen nếp học ấy, trường ít học sinh nên không ảnh hưởng đến chất lượng học tập của mỗi lớp”. |
Thầy Nguyễn Công Qua và Phạm Xuân Dịu, hai thầy giáo đang làm nhiệm vụ gieo chữ và trồng người nơi đảo xa. |
Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc ấy, những lớp học không đơn giản chỉ là nơi truyền dạy những kiến thức. Nơi đây các em còn được thầy cô, bố mẹ, cả những cán bộ chiến sỹ truyền dạy tinh thần bám đảo, giữ biển và rèn luyện tinh thần thép cùng bộ đội Hải quân canh giữ biển đảo Tổ quốc. Ngoài những bài giảng về Toán, Văn…, những câu chuyện về lòng quả cảm của hải quân, tinh thần bất khuất kiên cường của ông cha các em ở Trường Sa vẫn được nhắc đến đều đặn như một môn học ngoại khóa không thể thiếu. "Ở đây, các bạn học sinh cũng được nghe đài, xem tivi, nghe thông tin về biển đảo Trường Sa máu thịt. Hơn nữa, các bạn cũng lớn lên trên Trường Sa, ở nhà được bố mẹ dạy dỗ, đến lớp lại được các thầy giáo dục, tô đậm thêm tình yêu biển đảo của Tổ quốc yêu thương" – Thầy Nguyễn Công Qua chia sẻ. |
“Quê em ở Trường Sa/Những đảo chìm đảo nổi/Quê em có biển trời/Bốn mùa xanh bao la…” |
Những câu thơ đó gắn với từng thế hệ học sinh ở Trường Sa. Trong mỗi một đứa trẻ, có lẽ niềm tự hào quê hương đã dâng lên thành niềm tự hào về chủ quyền biển đảo của dân tộc. Mỗi một đứa trẻ ở Trường Sa cũng tựa như những chồi xanh ở biển đảo, cũng rắn rỏi và vươn lên mạnh mẽ giữa sóng gió trùng khơi. Từ niềm tin, sự nỗ lực, nhiều học sinh ở Trường Sa đã tự hạ quyết tâm học thật giỏi để làm thầy giáo, bác sĩ… và để rồi được quay lại Trường Sa cống hiến, xây dựng biển đảo. |
SUM VẦY DƯỚI MÁI CHÙA NƠI ĐẢO XA
Đến với Trường, những giá trị thân thương luôn có mặt ở khắp nơi. Từ hàng cây, ngọn cỏ, con gà… đều phảng phất bóng hình quê hương xứ sở. Đặc biệt không thể không nhắc tới, Trường Sa còn có những ngôi chùa gần gũi đời sống người Việt. Ðó là những cột mốc chủ quyền văn hóa tâm linh, đêm ngày vang vọng tiếng chuông ngân giữa muôn trùng sóng biếc. Hình ảnh những ngôi chùa linh thiêng và âm vang những tiếng chuông chùa nơi đảo xa luôn là một hình ảnh gợi nhớ quê hương đau đáu trong mỗi người con đất Việt khi tới nơi đây. |
Trung tá Nguyễn Văn Quang (Chỉ huy trường đảo Sinh Tồn) cho biết, những ngôi chùa ở Trường Sa vừa là điểm tựa văn hóa tâm linh của ngư dân mỗi khi đánh bắt hải sản xa bờ trên vùng biển Trường Sa, các ngôi chùa vừa là cột mốc khẳng định chủ quyền lịch sử của dân tộc. Giữa biển đảo Trường Sa xa xôi, mỗi sớm mai, chiều muộn, người dân trên đảo lại ra chùa, ngư dân đi đánh cá ghé chùa cũng vội vào thắp nén hương cầu mong sức khỏe dẻo dai, mỗi chuyến đi khơi đều may mắn, được nhiều lộc biển. |
Từ ngôi chùa đầu tiên ở đảo Song Tử Tây, đến nay quần đảo Trường Sa xây dựng được thêm 5 ngôi chùa trên các đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết và mới nhất là chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh - tên của vị Anh hùng tàu Không số thời kháng chiến chống Mỹ. Tất cả 6 ngôi chùa ở Trường Sa chánh điện đều hướng về Thủ đô Hà Nội, hướng về cội nguồn dân tộc. Tương tự chùa ở đảo Sinh Tồn và chùa Vinh Phúc (Đảo Phan Vinh) các ngôi chùa ở Trường Sa đều được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống với kết cấu một gian hai mái, mái cong vút trời xanh. |
Thêm một điều nữa, các chùa ở Trường Sa luôn có bia tưởng niệm thờ 64 liệt sỹ đã hi sinh tại trận chiến trên đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988, những người con đất Việt kiên trung đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình nơi biển sâu để bảo vệ cho dáng hình của xứ sở. |
Đại đức Thích Tâm Thanh (trụ trì chùa đảo Sinh Tồn) chia sẻ: "Ở đâu có người Việt sinh sống, ở đó có mái chùa; ở đâu thuộc lãnh thổ chủ quyền của Tổ quốc, ở đó có hình bóng của người tu sĩ Việt Nam". Giữa biển trời Trường Sa dặt dìu tiếng sóng vỗ, chợt lắng đọng bởi tiếng chuông chùa như cảm thấy tâm an, lòng dịu và trỗi dậy hơn niềm tự hào dân tộc. Những ngôi chùa đem lại cảm giác yên bình, giá trị của quê hương giữa biển khơi. |
BÓNG HÌNH QUÊ HƯƠNG THƯỜNG NHẬT GIỮA TRÙNG KHƠI
Chuyến hành trình xuyên suốt các tuyến đảo thuộc quần đảo Trường Sa đưa đến cho mỗi người một sự rung cảm riêng. Nhưng có lẽ, cái rung cảm chung nhất của mỗi người đó là bóng hình quê hương xứ sở luôn hiện hữu như một lẽ thường nhật. Một người đồng nghiệp trong chuyến đi Trường Sa có nhắc tới vài câu thơ mà các chiến sỹ ở đảo thường tự ngâm Đại ý rằng “Ngắm rặng mồng tơi nghe gà cục tác/Tổ quốc giữa trùng khơi sinh nở trường tồn”. Ý nói rằng, ngày ngày, cuộc sống thường nhật ở Trường Sa vẫn yên bình như vậy. Những giậu mồng tơi, tiếng gà cục tác, tiếng gà báo canh… tất cả những hình ảnh dáng hình của quê hương đều thể hiện ở đó cả mà thôi. |
Những hình ảnh bình dị, gần gũi mà thân quen của bóng hình quê hương xứ sở nơi đảo xa |
Dù là ở điểm đảo nổi hay đảo chìm, chẳng cần phải tinh ý hay mày mò, những hình ảnh quê hương Việt Nam luôn hiện hữu ở mọi nơi. Những giậu cây leo trên cửa sổ, những đàn lợn gà, những chú chó nhỏ, những ruộng rau, tiếng trẻ nhỏ í ới gọi nhau về mỗi khi tan học… quê hương là đó chứ còn đâu nữa. |
Đảo Sinh Tồn nhìn từ xa được phủ rợp bởi màu xanh của cây cỏ. Bóng hình của quê hương hiện hữu ở khắp mọi nơi. |
Tản bộ một vòng quanh đảo Sinh Tồn, Phan Vinh (hai trong những điểm đảo nổi), từ đầu đến cuối đảo, đâu đâu cũng thấy màu xanh của cây lá. Từ bờ biển cho tới những phần đất nhỏ ở gốc cây, chỗ nào có thể trồng là người dân sẽ trồng cây hay rau ăn lá. Nhìn thấy màu xanh ấy là nhìn thấy dáng hình của quê xứ. Nhưng để có được điều ấy cũng là sự chịu thương chịu khó của các chiến sỹ và con người nơi đây. Những cây bàng vuông, những tán phong ba nhanh chóng thích nghi và trở thành biểu tượng cho con người Trường Sa rắn rỏi. |
Còn màu xanh của những vườn rau là sự cố gắng không biết mệt mỏi của người dân nơi đây. Để tránh được cái nắng rát và gió muối của biển, họ đã trồng trong hộp xốp, làm nhà bạt… để rau xanh từ một thứ xa xỉ phẩm trở thành một nét sống thường nhật của mỗi ngày. Nhìn những những chiến sỹ chăm chỉ mỗi ngày hai lần sáng chiều tưới rau, bắt sâu mà như thấy một nét yên bình của quê hương giữa trùng khơi. |
Nhịp sống nơi đảo xa bình yên như ở bất kì nơi đâu của quê hương. |
Anh Doãn Thế Hiển (hộ dân trên đảo Sinh Tồn) chia sẻ, vốn là dân biển, nên cuộc sống nơi này cũng chẳng khác mấy so với đất liền. Nhà nào cũng tự túc được một vườn rau xanh, đánh cá ăn, dư thì mang biếu bộ đội. Đổi lại, bộ đội cũng biếu khi thì đồ hộp, khi thì ít thịt. Những tình cảm ấy nào có gì khác so với tình hàng xóm láng giềng ở đất liền. Đời sống văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao của cán bộ chiến sĩ và người dân sinh sống trên các điểm đảo nổi cũng được nâng cao. Sân bóng đá, bóng chuyền, bể bơi... được đầu tư xây dựng, phục vụ nhu cầu vui chơi, tập thể dục của quân và dân trên đảo. Ánh chiều dần buông xuống, khi đã kết thúc một ngày làm việc, cả quân và dân cùng nhau sát cánh bên những bàn cờ, sân bóng như một nét thường nhật. |
Quân và dân ở Trường Sa gói bánh chưng đón Tết cổ truyền. |
Đến với Trường Sa những ngày cận Tết, những phóng viên như chúng tôi luôn được kháo rằng “Tết ở Trường Sa lạ lắm, vui lắm”. Ấy thế mà đối với riêng bản thân tôi, Tết ở Trường Sa vui thì có vui nhưng lạ thì không. Bởi một lẽ, toàn bộ những giá trị nguyên bản của một ngày Tết truyền thống đất Việt quê hương cũng hiển hiện ở Trường Sa. Trung tá Nguyễn Văn Quang (Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn) nói, với người Trường Sa, cứ nhìn thấy tàu là thấy tết. Tết ở Trường Sa có gì? Vẫn là một nồi bánh chưng dành cho tất cả chiến sĩ và cư dân, một đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” đón giao thừa. Đầm ấm, thân tình, như hồn cốt bao đời của một cái tết cổ truyền. |
Nhìn cách người dân nô nức chuẩn bị đón Tết mà cảm giác như quen gì đâu, Tết đến thật rồi đây mà. Chiều cuối năm, các hộ dân dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ từ trong ra ngoài, trong khi các chị em đang chỉnh lại những chiếc áo dài đẹp nhất thì ở phía bên ngoài, cánh đàn ông đang giúp nhau cắt tóc, cạo râu. Sáng mùng 1 Tết, từ trẻ nhỏ đến người lớn đều ăn mặc thật đẹp, trẻ em được lì xì, người lớn thì đi chùa. Những giá trị rất giản dị, đời thường nhưng lại gợi đến cảm giác thân thuộc, yên bình như một cái Tết ở quê nhà giữa Trường Sa. Chị Lữ Kim Cúc (hộ dân đảo Sinh Tồn) kể: “Có những lúc đang sửa soạn chuẩn bị Tết, nhiều khi chúng tôi cũng tự hỏi rằng ở đảo cũng đâu có mấy hộ dân đâu, chăm chút ăn mặc đẹp cho ai ngắm. Nhưng rồi tự ngẫm lại, là vì đã đến Tết rồi, mà đã đến Tết thì phải ăn diện đẹp. Tự nhiên, bình thường vậy thôi”. |
45 NĂM MÙA XUÂN VỀ TRÊN TRƯỜNG SA
Năng lượng gió và mặt trời cung cấp điện cho các điểm đảo. |
Ngày 29-4-1975, quần đảo Trường Sa hoàn toàn được giải phóng. Trường Sa bước vào giai đoạn bảo vệ, xây dựng và phát triển. Không thể kể xiết những khó khăn những ngày đầu tiên Trường Sa mới giải phóng. Dưới cái nắng cháy da cháy thịt, hàng trăm cán bộ chiến sĩ gồng mình vác đá xây dựng với tinh thần “kê cao nền Tổ quốc giữa đại dương bao la”. Cũng chẳng thể nói hết những khó khăn gian khổ của bộ đội Trường Sa ngày ấy chia nhau từng ca nước ngọt, nhường nhau từng bó rau xanh, ngày lăn mình dưới nắng lửa, tối vác đá xây dựng đảo dưới mưa rào. Cả đảo không có màu xanh, chân người chiến sĩ phồng rộp vì cát mặn. |
Bộ đội Công binh tiếp tục công việc xây dựng đảo kể từ ngày sau giải phóng tới nay. |
Còn nay, 45 năm trôi qua, Trường Sa đã đổi thay về diện mạo. Màu xanh bạt ngàn phủ khắp triền đảo, nước ngọt dồi dào trong những bể chứa cả trăm khối. Nguồn điện sinh hoạt, phục vụ chiến đấu được cung cấp từ hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời được đưa vào sử dụng góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, học tập công tác trên đảo… tất cả đã phục vụ cho một cuộc sống tương đối đủ đầy, không khác gì ở trong đất liền. |
Trung tá Nguyễn Văn Quang, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa cho biết, trên đảo có nơi ăn chốn nghỉ cho ngư dân vào mỗi khi biển động, hoặc đau yếu. Đây hiện là nơi cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất tại Trường Sa, là một hậu phương vững chắc nơi đầu sóng ngọn gió. Theo Trung tá Nguyễn Văn Quang, không chỉ cung cấp dịch vụ hậu cần, các điểm đảo ở Trường Sa còn là bệnh xá ngoài khơi cứu giúp ngư dân mỗi khi đau ốm. |
Không chỉ riêng các điểm đảo là hậu phương vững chắc cho ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió, những con tàu cứu nạn, tàu bệnh viện của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân giúp ngư dân vững tin hơn. Tàu 561 Hải quân là tàu bệnh viện đầu tiên của Việt Nam thuộc biên chế Hải quân nhân dân Việt Nam. Trên tàu lúc nào cũng có đội ngũ y bác sĩ túc trực. Tàu 561 đảm bảo chức năng của 1 bệnh viện nổi trên biển hiện đại, đủ chổ cho vài trăm người. Tàu có hệ thống trang thiết bị tiên tiến, các phòng bệnh đủ máy móc như một bệnh viện trên đất liền. |
Thượng tá Nguyễn Đức Độ, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân cho biết, những năm gần đây, tàu cá của ngư dân khai thác hải sản trên vùng biển Trường Sa ngày càng tăng. Trong khi đó, trang bị tàu cá của ngư dân còn nhiều hạn chế, vì vậy nguy cơ xảy ra tai nạn trên biển rất cao. Tàu cá của ngư dân ra Trường Sa càng nhiều, đồng nghĩa với công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển của Vùng 4 luôn là nhiệm vụ cấp bách. |
Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh xá trưởng đảo Phan Vinh chia sẻ thêm: "Thực tế hiện nay, mặc dù đã có sự quan tâm lớn của các cấp nhưng trang thiết bị khám chữa bệnh vẫn còn thiếu, số giường bệnh còn ít, đặc biệt người dân ra khơi đánh bắt hải sản khi mắc bệnh đã không ghé vào đảo để khám ngay mà thường vào đảo khi bệnh đã khá nặng nên công tác cấp cứu, khám chữa cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên nhìn lại thành tích đạt được trong thời gian qua thì cơ bản công tác bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ và ngư dân đã đạt được những kết quả tích cực." |
Trải qua 45 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển, Trường Sa nay đã thay đổi về diện mạo, khang trang hơn, to đẹp hơn. Những giá trị, những bóng hình quê hương ấy xuất hiện từ cảnh cây, ngọn cỏ, cho đến tình người thấm đượm tinh thần dân tộc. |