Vượt sóng, vượt gió "bắt bệnh" cho trời
"Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm", hai câu thơ vốn sử dụng để mô tả cuộc sống của người nông dân xưa nhưng lại miêu tả thực sự đúng công việc của các quan trắc viên khí tượng thuỷ văn ngày nay, những người luôn phải túc trực 24/7 thức canh những cơn bão, "bắt bệnh" cho thời tiết. |
|
Mắt thần canh giữ thời tiết
Thời tiết luôn là một khái niệm thuộc về "ông Trời". Khi thời tiết không thuận lợi, con người hiện nay lại thường nói đùa rằng "ông trời dạo này ẩm ương" quá. Ấy thế nên mới phải có những người luôn túc trực ngày đêm để bắt bệnh cho "Trời". Đó chính xác là công việc của những quan trắc viên khí tượng thuỷ văn. |
Trạm Rada thời tiết Vinh đặt trên núi Quyết (khối 2, phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) |
Chị Cao Thị Hoàng Lam là nữ quan trắc viên khí tượng thuỷ văn làm việc tại trạm Radar thời tiết Vinh. Chị cũng là nữ quan trắc hiếm hoi bởi công việc này vốn được coi là chỉ dành cho phái mạnh, cũng bởi tính chất của công việc cũng khác so với nhịp độ bình thường. Mắt không rời màn hình máy tính để theo dõi "nhất cử, nhất động" đến từng biến động nhỏ nhất, chị Cao Thị Hồng Lam (quan trắc viên trạm Rada thời tiết Vinh) đã quen với công việc của mình nên với người ngoài, nghề khí tượng thuỷ văn có phần nhạt nhẽo nhưng chị Lam lại chưa bao giờ hết chán. Bởi lẽ, các hiện tượng thời tiết không bao giờ trùng lặp, luôn mới mẻ đã trở thành điều thu hút với nữ quan trắc viên này. Có chăng sự khó khăn vất vả thì đó là thời gian và những ca trực tết thiếu vắng đi không khí gia đình quây quần và thời gian để có ở bên con cái nhiều hơn. Công việc dự báo đơn điệu, nặng nhọc lại đòi hỏi chất lượng, hiệu quả cao, chị Lam cho biết ngày này qua ngày khác không chỉ có hiện tượng thời tiết mà còn có những con số dài dằng dặc vô hồn . Do vậy, để gắn bó được với nghề này lâu dài, những cán bộ khí tượng đặc biệt là chị em phải rất yêu nghề. Khó khăn chị không ngại bởi phía sau lưng chị luôn có sự giúp đỡ, động viên của gia đình. Quan trắc viên được ví như chiến sĩ làm công tác đo đạc để có được những số liệu chính xác nhất, giúp đưa ra những bản tin thời tiết, cảnh báo thiên tai đến người dân… Những bản tin dự báo khí tượng thủy văn mà ngành đưa ra hàng ngày hàng giờ, thậm chí là từng phút là minh chứng sống động nhất, chứng tỏ đội ngũ quan trắc viên luôn biết cách vượt lên mọi trở ngại gian khó trong cuộc sống và công tác, thực hiện các hoạt động dự báo, thông tin khí tượng thủy văn, quan trắc, giám sát biến đổi khí hậu phục vụ phòng, chống thiên tai ngày một cách chính xác và hiệu quả. Mỗi bản tin chỉ dài chưa đầy một trang giấy A4, nhưng trách nhiệm của người làm ra chúng thì vô cùng lớn lao. Chị Lam nói: "Mỗi lần theo dõi mà thấy bản tin thời tiết trên đài, tivi có xuất hiện những con số, thông tin trạm Radar Vinh và trạm Khí tượng Bắc Trung Bộ gửi về, chúng tôi hạnh phúc lắm. Những thông số quan trắc được, góp phần vào các bản tin dự báo, cảnh báo để mọi người sẽ biết được thời tiết như thế nào, có thể tránh những thiệt hại, lên kế hoạch cho phù hợp". |
Trạm Rađa thời tiết Vinh là một đơn vị nghiệp vụ, trực thuộc Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ và chịu sự quản lý chuyên môn của Đài Khí tượng Cao không. Trạm hoạt động 24g trong ngày và có nhiệm vụ phân tích phản hồi vô tuyến mây và các hiện tượng thời tiết liên quan đến mây; Cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm mà ra đa phát hiện được; Duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa máy, thiết bị theo phân cấp. |
Đối với anh Hồ Duy Sơn (quan trắc viên trạm Radar thời tiết Vinh), công việc của những quan trắc viên như anh có những khó khăn riêng theo con mắt của người ngoài. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của công việc, mỗi ngành nghề sẽ đều có khó khăn khác nhau. Sự thiếu thốn nhất của những người "đo gió đếm mây" có lẽ vẫn chỉ là thời gian bên cạnh gia đình. Do tính chất công việc, trạm Radar luôn túc trực 24/7, vì thế không thiếu những lần trực Tết tại trạm mà cảm thấy thiếu vắng cái không khí quây quần của gia đình trong đêm giao thừa. Kể về những lần trực Tết, anh Sơn cho biết, năm đầu tiên trực Tết tại Trạm, anh cũng cảm thấy buồn. Giao thừa không được quây quần bên người thân, nhận mừng tuổi và lời chúc của ông bà, bố mẹ. Tuy nhiên, mỗi khi bắt tay vào công việc, giúp cho người dân nắm bắt được thời tiết để vui xuân, phục vụ sản xuất và đời sống thì những nỗi buồn đó lại nhanh chóng tan biến. “Với ngày Tết, khi ai có việc bận thì những người còn lại trực thay, người ở xa sẽ được ưu tiên, sau đó đổi ca. Tôi thấy nghề nào cũng có những khó khăn, vất vả riêng. Còn đối với tôi, việc có bản tin chính xác đến ban ngành chức năng và bà con nông dân để mọi người vui chơi trong những ngày Tết cũng là niềm vui trong công việc của mình” - quan trắc viên Hồ Duy Sơn chia sẻ. |
đếm mây, đo gió ngoài đảo xa
Nằm cách bãi biển Cửa Lò khoảng 4 km, nằm ở ngoài khơi của tỉnh Nghệ An là đảo Hòn Ngư (còn gọi là Song Ngư). Tại đây có Trạm Khí tượng hải văn Hòn Ngư. Hòn đảo chỉ rộng 2,5 km2 với hai ngọn núi, ngọn cao nhất cách mặt nước biển 133m. Trạm Khí tượng hải văn Hòn Ngư chia thành hai điểm - điểm quan trắc nước biển nằm ở dưới chân hòn nhỏ, còn điểm khí tượng được đặt ở trên đỉnh núi. Cắm chốt ở trạm Hòn Ngư là ba chàng trai - Trạm trưởng Hoàng Huy, quan trắc viên Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Cảnh Long. Trạm Khí tượng hải văn Đảo Ngư nằm lặng lẽ trên đỉnh núi, “hàng xóm” thân thiết của trạm là Đại đội 33 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An. Điều đặc biệt, tại Hòn Ngư không hề có bóng dáng phụ nữ, không phải bây giờ mà từ xưa vẫn thế. Mỗi ngày như mọi ngày, cuộc sống của những người quan trắc viên tại điểm hải văn trên đảo Hòn Ngư chỉ xoay quanh công việc lặp đi lặp lại ngày này qua tháng khác tới mức "nhàm chán". Công việc không quá nặng nhọc đối với những chàng trai này bởi họ cũng đã quen rồi cảm thấy gắn bó với những ốp thời gian lặp đi lặp lại và có thể nhàm chán trong mắt của người ngoài ngành. Chỉ khi sóng lớn, gió to thì đây mới là dịp thử thách sức khỏe và ý chí của các quan trắc viên. Ngày thường đã trực 24/24, còn ngày mưa bão anh em phải duyệt số liệu liên tục, cứ mỗi 30 phút sẽ phải gửi số liệu về trạm một lần. Với quan trắc viên Nguyễn Ngọc Sơn, ký ức đáng nhớ nhất trong suốt 10 năm gắn bó với công việc là mùa mưa bão năm 2017, chỉ tính trong vòng 6 tháng cuối năm đã xuất hiện 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Biển Đông, một con số kỷ lục chưa từng thấy của ngành quan trắc kể từ năm 1964. Sơn bồi hồi kể: "Hôm bão về, buổi tối từ trên vườn khí tượng đi xuống sau khi hoàn thành ốp giờ cuối cùng, sấm chớp xé trời, chiếc đèn pin như vô dụng bởi cả con đường sáng lóa, mình cứ cúi mặt mà đi. Xuống đến chân núi thì trạm tan hoang cả, một chút đồ ăn cũng không còn”. Những lúc khó khăn như thế, nhưng anh em chỉ nghĩ làm thế nào chuyển số liệu nhanh nhất về Đài bởi chỉ cần dữ liệu chậm chạp hay sai sót, sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng lớn chứ chẳng ai có thời gian kịp nghĩ đến việc đảm bảo an toàn cho mình. |
Ngày 4 lần vào các khung giờ 1g, 3g, 17g, 19g, quan trắc viên Nguyễn Ngọc Sơn lại leo khoảng hơn 300 bậc thang để lên vườn khí tượng lấy số liệu. |
Trạm trưởng Hoàng Huy chia sẻ, mỗi ngày 4 lần, vào các obs (ca) giờ 1g, 3g, 17g và 19g, một quan trắc viên sẽ lên điểm khí tượng để lấy số liệu. Người còn lại sẽ đi xuống biển lấy số liệu mực nước biển cũng như các yếu tố sóng biển. Các số liệu quan trắc hàng ngày sẽ được gửi về Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, sau đó chuyển về Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia để đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm nhằm phục vụ cho việc phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Khi hai người trực, người thứ ba còn lại sẽ có nhiệm vụ lo cơm nước. Cứ như vậy, 3 người sẽ cùng nhau luân phiên đổi ca trực công việc. "Ở đảo sợ nhất là bão biển. Năm 2018, nhà để thiết bị đo mặt nước biển của chúng tôi bị bão thổi bay mất mái. Đúng lúc đó có đồng chí trực vào ca lấy số liệu. Hôm đó, bạn ấy phải ngồi dưới mưa cả đêm trong căn nhà không mái, cũng không dám mở cửa ra để đi tìm chỗ trú mà phải chờ đến tận sáng, bão tan mới dám về vì chỉ cần mở cửa, gió sẽ cuốn bay hết cả người lẫn máy móc thiết bị" - trạm trưởng Hoàng Huy kể lại với giọng tếu táo pha chút đượm buồn. |
NGười ở lại và "cuộc chiến" với nắng gió
Nằm cách bãi biển Cửa Lò khoảng gần 6km nhưng cuộc sống trên đảo Hòn Ngư lại như một thế giới khác. Không điện, không nước ngọt, không dân cư, cuộc sống của các quan trắc viên ở đây vì thế mà không khác gì những Robinson thời hiện đại. “Ở trên đảo, điện không có, nước ngọt cũng không nốt. Toàn bộ nguồn điện sử dụng trên đảo đều từ máy phát điện, mỗi ngày chỉ được sử dụng khoảng 3 tiếng từ 18g-21g đủ cho việc sạc điện thoại. Mùa hè, dưới cái nắng nóng gay gắt của miền Trung, ban ngày không có điện chẳng thể ngủ nổi. Nước ngọt chúng tôi chỉ trông chờ vào mưa rồi tích trữ trong ba chiếc bể rồi sử dụng thật tiết kiệm đến từng gáo nước. Nhớ mùa hè năm 2020, hạn hán kéo dài khiến cả ba bể gần như cạn kiệt, ba anh em đành phải nhịn tắm, chỉ tắm dưới nước biển. Rồi thì quần áo cũng giặt dưới biển rồi phơi khô đến bạc phếch ” – lời anh Nguyễn Ngọc Sơn. Trạm trưởng Hoàng Huy trước đây công tác ở trạm Khí tượng Tây Hiếu (Nghĩa Đàn), anh mới nhận công tác tại đảo được hơn 2 năm. Anh kể, ngày đầu tiên đặt chân lên đảo trùng đúng vào rằm tháng 7. Hôm đó, lên đỉnh để quan trắc thì anh gặp rắn hổ mang hung dữ, trong lòng nghĩ vừa đến nhận công tác gặp ngay cảnh này báo hiệu cuộc sống sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng đó là công việc mà anh đã chọn nên anh chưa bao giờ cảm thấy xao động. Trạm Hoàng Huy tâm sự: “Vợ tôi làm việc ở ngay thành phố Vinh, nếu ở đất liền thì chỉ cần phóng xe máy chưa đầy 30 phút là gặp được nhau. Nhưng giờ đang trên đảo, đi lại bất tiện và do tính chất công việc nên thường thì mỗi tháng chỉ về một lần. Nếu nghỉ cả 3 người thì lấy ai đo và ghi chép số liệu. Nếu đến phiên về mà biển động, tàu không ra được thì lại phải chờ đến tháng sau.Tính ra cứ ba tháng mới được về đất liền một lần". |
Đối với những anh em quan trắc viên tại Hòn Ngư, biển động cũng đồng nghĩa với việc nguồn tiếp tế lương thực – thực phẩm bị gián đoạn. Những khoảnh đất hiếm hoi trên đảo được các quan trắc viên hô biến thành vườn rau nhỏ xanh mát mắt để cải thiện thêm cho bữa ăn. Khoảnh vườn nhỏ xinh với vài ba loại rau trồng được ở cái khí hậu đảo vốn chỉ có gió muối và đất mặn trở thành tài sản quý với cả quan trắc viên nhưng họ cũng phải túc trực để canh bởi chỉ cần rời mắt ra là số "tài sản" ấy sẽ vào tầm ngắm quấy phá của lũ khỉ núi. Cá khô dự trữ được, còn rau xanh thì không. Đã lâu rồi, cả ba anh em đều đã quen với những bữa cơm chỉ với cá khô, nước mắm. Có những khi, anh em chỉ ngồi vào mâm cơm thôi đã thấy no. Lạc quan là vậy nhưng những quan trắc viên trên đảo Hòn Ngư này cũng đã phải trải qua những thời gian thiếu thốn lương thực bởi điều đáng sợ nhất trên đảo - biển động. “Lần mưa bão, biển động, cả đảo bị cô lập tới 14 ngày. Lúc đó, lương thực thực phẩm gần như không còn gì, anh em phải chia nhau từng gói mỳ tôm dự trữ để chờ ngày bão tan, biển lặng. Đó thực sự là những ngày khó khăn và cũng khó quên” – anh Sơn bày tỏ. |
Khó khăn là như vậy, nhưng toàn bộ những điều ấy vẫn không thể bằng nỗi nhớ gia đình. Các anh em ở đây vẫn không thể quên khoảnh khắc vào cuối năm, đặc biệt là đêm 30 Tết. Lúc đó, mỗi người chẳng ai bảo ai, chỉ lặng lẽ nhìn về phía thị xã Cửa Lò đèn điện sáng trưng mà thèm cái không khí quây quần bên mâm cơm cúng giao thừa và đón năm mới. Đối với Nguyễn Ngọc Sơn, anh đã lập gia đình cũng gần 10 năm, thế nhưng anh cũng chẳng thể nhớ được số thời gian được ở cạnh gia đình. Bởi lẽ, anh em ở đây có 3 người, cứ thế luân phiên nhau hàng tháng 4 ngày phép trở về bên gia đình. Có những khi vợ báo con ốm sốt, trong lòng anh như lửa đốt nhưng cũng chỉ biết động viên vợ qua điện thoại và không thôi nỗi nhớ thương con mà chẳng thể làm được gì thêm. Có những điều thật giản dị và thường nhật nhưng lại hoá hiếm hoi. Với những quan trắc viên như anh Huy, Sơn, Long, cuộc sống ở trên đảo Hòn Ngư cũng giống như cuộc chiến với thời tiết. Những khó khăn, vất vả, thiếu thốn trăm bề như thử thách của thiên nhiên với những con người ở lại Hòn Ngư. Ấy vậy mà có những người đã gắn bó với nơi này từ những ngày tuổi xuân. Như anh Nguyễn Ngọc Sơn đã gắn bó với Hòn Ngư đến nay đã hơn 10 năm, đó là 10 năm với biết bao câu chuyện và kỷ niệm không thể nào quên với cuộc sống của anh quan trắc viên. "Tôi nhớ có một lần, đó là khoảng nửa đêm, chuẩn bị đến ca trực lấy số liệu lúc 1g sáng. Đúng lúc đó thì tôi bị cơn đau sỏi quằn quại, đành phải cố nhịn đau làm cho xong việc rồi thì lại phải nhờ anh em dìu đi từng bước xuống. Hôm sau phải đợi tàu thì mới về được nhà để đi điều trị, tổng thời gian để chịu cho cơn đau đó là khoảng 15 tiếng đồng hồ" - Nguyễn Ngọc Sơn nhớ lại. Vậy mà, sau khi điều trị xong, Sơn cũng chẳng xin về nhà mà lại tức tốc quay trở lại đảo ngay sau đó vì sốt ruột. Ở Hòn Ngư, công việc bộn bề, 3 người làm đã không xuể, thế nên thiếu một người là 2 người còn lại phải dồn thêm rất nhiều việc khác. |
Những khó khăn, vất vả, thiếu thốn trăm bề như thử thách của thiên nhiên với những con người ở lại Hòn Ngư. Tuy vậy, không một quan trắc viên nào ở trạm Hòn Ngư có ý định xin về đất liền trước khi kết thúc thời gian. Nguyễn Ngọc Sơn đã ở trên Hòn Ngư đến nay đã hơn 10 năm nhưng trước anh đã có người trạm trưởng gắn bó với trạm, với đảo suốt 30 năm liền và trong những tháng đầu tiên nghỉ hưu thì xuất hiện tình trạng ngược với say sóng là “say đất liền”... Ngày nay, với sự hỗ trợ của những trang thiết bị quan trắc khí tượng hiện đại nhưng tác động trực tiếp vẫn do bàn tay con người. Không có các quan trắc viên thì không thể làm nên một obs (ca) quan trắc. Chính vì vậy, khi được hỏi sẽ làm đến bao giờ thì cả ba quan trắc viên ở lại trên đảo Hòn Ngư đều khẳng định sẽ làm cho tới khi nào không còn đủ sức khoẻ nữa thì thôi. Trong bản Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có đánh giá về lực lượng quan trắc viên của mình như sau: “Đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn kỹ thuật được đào tạo cơ bản. Một số tự học để nâng cao trình độ về học thuật và chuyên môn kỹ thuật tại các cơ sở đào tạo chuyên sâu về các chuyên ngành phục vụ chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhiệm. Đa số cán bộ làm công tác tại các trạm còn trẻ và đầy nhiệt huyết với công việc, có tinh thần yêu nghề, yêu công việc, có ý thức xây dựng và phát triển trạm". Ông Nguyễn Văn Lượng – Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ cho biết, những năm gần đây tình hình khí tượng thủy văn nói chung và ở khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng có nhiều biến động. Trong 5 năm so với trước tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan nhiều hơn, cục bộ hơn, khó lường hơn. Công nghệ dự báo phát triển lớn và mạnh, ngành Khí tượng thủy văn được đầu tư dự án phục vụ công tác dự báo, tuy nhiên để làm dự báo vẫn rất khó. Với các trạm vùng sâu, vùng xa, ngoài đảo như Hòn Ngư, ông cho biết làm sao trước hết phải đảm bảo cuộc sống cho đội ngũ quan trắc viên để họ yên tâm công tác. Cần đầu tư về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc, kể cả phương tiện giao thông, ông kiến nghị Nhà nước quan tâm hơn đến chế độ chính sách cho các quan trắc viên. |
“Tuy có khó khăn vất vả nhưng nghề đã chọn mình thì chẳng thể nào chia tay được. Thời tiết vẫn còn đó thì chúng tôi vẫn ở tiếp tục ở lại gắn bó với đảo Hòn Ngư này!” Trạm trưởng Hoàng Huy |
|
Bài: Khánh Huy Ảnh: Khánh Huy, Nam Nguyễn, Thông Thiện |