|
![]() |
Đến An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội những ngày này, nhiều người ngỡ ngàng trước vẻ thanh bình, nhà cửa khang trang, đường sá sạch đẹp. Từng thuộc diện thôn xã đặc biệt khó khăn nhưng nay, diện mạo xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, có nhiều đổi thay. Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây cũng ngày càng được cải thiện. An Phú nằm giáp ranh 2 tỉnh Hoà Bình và Hà Nam, có 13 thôn với tổng dân số hơn 10.000 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 57%, chủ yếu là dân tộc Mường. Nhiều năm trước, việc đi lại của đồng bào các dân tộc nơi đây rất khó khăn do địa bàn xa trung tâm, hệ thống giao thông chủ yếu là đường đất. Từ trung tâm huyện Mỹ Đức về đến xã có khi mất cả tiếng đồng hồ. Kể từ khi hợp nhất về với Thủ đô năm 2008, đặc biệt là trong khoảng 5 năm trở lại đây, được sự quan tâm đầu tư lớn của TP Hà Nội, hạ tầng giao thông về xã An Phú đã được nâng cấp ngày một đồng bộ, cùng với đó, công tác tư pháp, tuyên truyền pháp luật cũng được huyện Mỹ Đức quan tâm. |
![]() |
Gặp chị Nguyễn Thị T, SN 1985, người dân tộc Mường, trú tại thôn Đồi Dùng, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, tại trụ sở UBND xã, chị kể, năm 2002, chị kết hôn với anh Hà Văn D, SN 1975, trú tại xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức. Tháng 9/2022, chị và anh D ly hôn. Sau ly hôn, chị T có quan hệ tình cảm với người đàn ông khác và đến tháng 6/2023 thì chị sinh con với người đàn ông này. Sau khi sinh con, chị T đến trụ sở UBND xã An Phú làm đăng ký khai sinh. Tiếp nhận hồ sơ và căn cứ theo Điều 88 Luật Hôn nhân gia đình và Luật Hộ tịch năm 2014, cán bộ tư pháp cho biết, trường hợp của chị từ ngày có quyết định ly hôn cho đến khi sinh con vần chưa đủ 300 ngày nên căn cứ theo quy định luật thì cha của đứa trẻ được xác định là người chồng hợp pháp của chị T trước khi ly hôn. Tuy nhiên, bạn trai của chị đã có giấy xác nhận AND cùng huyết thống với đứa trẻ và gửi đến UBND xã An Phú nhưng theo quy định, cán bộ tư pháp xã không đủ thẩm quyền để xác định cha mẹ cho con nên đã hướng dẫn chị T gửi đến Tòa án Nhân dân huyện để xác định cha đứa trẻ là ai, sau khi có kết quả từ phía Tòa án, cán bộ tư pháp xã An Phú sẽ tiếp tục xử lý khai sinh cho trẻ. |
![]() |
Cùng trò chuyện, chị Đặng Thị Ngân, trú tại thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, đến UBND xã An Phú đăng ký khai sinh cho con. Quá trình nhập dữ liệu vào hệ thống, chị không tích hợp được vì chị Ngân sở hữu 2 căn cước công dân, một căn cước ghi năm sinh 1998, một căn cước ghi năm sinh 2001. Cán bộ tư pháp xã đã hướng dẫn chị Ngân làm thủ tục xin cấp lại căn cước công dân chính xác năm sinh trên hệ thống VNeID, sau đó quay lại UBND xã đăng ký khai sinh cho con. Đó là 2 trong số hàng trăm trường hợp công dân gặp vướng mắc pháp lý đã được ông Lê Văn Khánh, cán bộ tư pháp xã An Phú trực tiếp giải đáp, hướng dẫn và tháo gỡ trong suốt hơn 20 năm phụ trách lĩnh vực tư pháp tại xã An Phú. Tiếp phóng viên, ông Lê Văn Khánh cho biết, An Phú là xã dân tộc miền núi của huyện Mỹ Đức, toàn xã có 2.446 hộ, với 10.030 nhân khẩu (trong đó 5.717/10.030 khẩu là người dân tộc thiểu số, chiếm 57%). Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Mỹ Đức và xã An Phú quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, luôn phát huy vai trò của đội ngũ những người có uy tín, nhân sĩ, trí thức trong việc triển khai, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước tới đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác tuyên truyền pháp luật đã giúp bà con có cái nhìn sâu sắc hơn về những quy định của pháp luật, đặc biệt là trong bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhân dân trong xã hiện giờ không chỉ tự giác tuân thủ, không vi phạm pháp luật mà còn là những người lan tỏa ý thức này trong cộng đồng. |
![]() |
![]() |
Chủ tịch UBND xã An Phú Bùi Văn Chuyện chia sẻ, nhận thấy tầm quan trọng của việc không chỉ đưa luật pháp đến gần dân hơn mà còn giúp họ hiểu và ứng dụng vào đời sống thực tiễn, nên thời gian qua những hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được xã tổ chức không chỉ là sự kiện đơn lẻ mà là một phần trong kế hoạch dài hạn, góp phần thay đổi nhận thức của người dân. Trong năm 2024, xã An Phú đã thực hiện tuyên truyền và lồng ghép phối hợp tuyên truyền được 12 hội nghị, với tổng số 620 lượt người tham dự. Thực hiện tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã với thời lượng 10 phút/1 buổi. Tuyên truyền bằng băng zôn, khẩu hiệu, cấp phát tờ rơi, tờ gấp… Năm 2024, xã An Phú đã ra quyết định công nhận và kiện toàn 13 tổ hòa giải trong toàn xã, với 96 hòa giải viên. Các tổ hòa giải đã tiếp nhận 2 vụ việc; hòa giải thành 2 vụ, đạt tỷ lệ 100%. |
![]() |
Năm 2024, xã thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính được 2317; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ văn bản là 378 việc; chứng thực 303 hợp đồng giao dịch; khai sinh: 236 trường hợp (đăng ký mới 182 trường hợp, đăng ký lại 54 trường hợp). Khai tử: 54 trường hợp; kết hôn: 89 trường hợp; cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú trong nước: 100 trường hợp. Về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), ông Bùi Văn Chuyện thông tin, một trong những yếu tố quan trọng trong công tác PBGDPL tại An Phú là vai trò của đội ngũ người có uy tín, già làng và trưởng bản. Những người này là cầu nối giữa chính quyền và Nhân dân, là những người thường xuyên trực tiếp tham gia các buổi tập huấn, tuyên truyền về pháp luật và truyền đạt lại cho cộng đồng. Nhờ vai trò của người có uy tín, Nhân dân có được những thông tin chính xác và kịp thời, từ đó tuân thủ pháp luật một cách tự nguyện. Thông qua những hội nghị tập huấn, góp phần củng cố thêm kiến thức pháp luật, kỹ năng cho đội ngũ người có uy tín, để họ làm tốt hơn nữa trong việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật. Mỹ Đức cũng là địa phương đầu tiên của huyện áp dụng cách làm sáng tạo nhằm thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã Hùng Tiến đã niêm yết 13 mã QR code tương ứng với 13 lĩnh vực và 168 mã QR Code tương ứng với 168 TTHC nhằm hỗ trợ công dân đăng nhập, tra cứu và thực hiện các TTHC, nộp hồ sơ trực tuyến. Toàn bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của xã được công khai đăng tải trên trang thông tin điện tử của xã, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc tìm hiểu, tra cứu thông tin. Với giải pháp này đã nhanh chóng được áp dụng trên địa bàn toàn huyện, được ghi nhận, đánh giá cao ở cả tính kinh tế và hiệu quả xã hội.Công dân tra cứu thông tin về TTHC khi thực hiện TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hoặc khi có nhu cầu công dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến các mức độ 3, 4 ngay trên hệ thống dịch vụ công. Việc in bảng niêm yết TTHC bằng mã QR Code và niêm yết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại được sử dụng song song với bộ niêm yết TTHC bằng giấy như trước đây để dần tạo thói quen sử dụng mã QR Code cho người dân, hướng đến chỉ sử dụng mã QR Code trong niêm yết, tra cứu. Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình "Thủ tục hành chính không hẹn ngày" được Nhân dân khen ngợi. (Còn nữa) |
![]() |