![]() |
|
Hòa giải viên hóa giải mâu thuẫn, gắn kết tình hàng xóm
Ông Hoàng Văn Hạnh, tấm gương hòa giải viên cơ sở tại tổ dân phố số 7, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Không chỉ giỏi hòa giải, ông còn là một cựu chiến binh năng nổ, khéo dân vận, luôn được bà con tin tưởng, quý mến.
Vụ hòa giải thành khiến ông Hạnh tâm đắc, đó là việc nhà ông B và nhà ông L sống liền kề nhau, vào năm 2020, ông B cải tạo, nâng cấp nhà và có bắn đinh vít vào tường nhà ông L để lắp đặt hệ thống điện, nước. Ông L không đồng ý vì về lâu dài sẽ bị thấm nước, chập điện… nhưng ông B vẫn tiếp tục cho thợ thi công.
Ông L bực tức yêu cầu ông B tháo dỡ phần đã thi công và trát lại các lỗ vít đã khoan trên tường nhà ông. Tuy nhiên, ông B không tháo dỡ và vẫn tiếp tục thi công với lý do tường nhà ông xây trước đây ốp nghiêng viên gạch, lòng nhà diện tích hẹp và ông vẫn quyết định làm liều.
Hai bên xảy ra tranh chấp, không tự hòa giải được. Ông L đã gửi đơn đến cấp ủy Chi bộ 8 và tổ hòa giải – tổ dân phố số 7. Được phân công làm chủ trì, trực tiếp đảm nhận hòa giải vụ tranh chấp này, ông Hạnh đã tìm hiểu về quá trình phát sinh mâu thuẫn và hẹn gặp hai gia đình để nói chuyện. Sau đó, ông yêu cầu hai nhà cung cấp bản sao của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hồ sơ bản vẽ mà cấp có thẩm quyền cho phép gia đình ông B sửa chữa, để làm cơ sở phục vụ quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên để tiến hành hòa giải.
![]() |
Tại buổi hòa giải, ông Hạnh đưa ra những thông tin mà ông đã thu thập được về việc mâu thuẫn của hai gia đình, kèm theo đó là phân tích, phổ biến các quy định của pháp luật, các quy ước của tổ dân phố, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của hai gia đình. Sau đó, ông đưa ra phương pháp giải quyết, phân tích về mặt lợi và mặt hại của việc sửa chữa, cải tạo nâng cấp của gia đình B có dẫn chứng, thực tế mà gia đình ông B đang làm.
Từ những lời phân tích cụ thể, tỉ mỉ, vừa cứng rắn theo quy định của pháp luật, vừa mềm dẻo theo hướng tình cảm đầy thuyết phục của ông Hạnh và tổ hòa giải. Gia đình ông B và ông L đã hiểu và thông cảm cho nhau. Ông B cam kết việc thi công không gây ảnh hưởng tới bức tường nhà ông L, chịu trách nhiệm với toàn bộ những hậu quả từ hoạt động này gây ra. Còn ông L đồng ý tạo điều kiện tốt nhất để gia đình ông B tiếp tục cho thợ thi công và 2 gia đình sẽ cùng giám sát để hạn chế những phát sinh nếu có.
![]() |
Hơn 12 năm tham gia công tác hòa giải với cương vị là Trưởng thôn kiêm Tổ phó tổ hòa giải số 3, thôn Đoài, xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ông Nguyễn Văn Quỳnh đã có nhiều đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Một trong những vụ việc hòa giải thành mà ông Quỳnh nhớ nhất là câu chuyện tranh chấp đất đai giữa ông T và ông V. Trong lần gia đình ông T giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà thì phát hiện nhà ông V ở liền kề có xây bờ rào lấn sang phần đất nhà ông T là 15cm. Ông T gọi ông V trao đổi, hai bên lời qua tiếng lại rồi xảy ra mâu thuẫn, thách thức nhau.
Nắm được thông tin, ông Quỳnh cùng tổ hòa giải đã có mặt kịp thời, mời hai gia đình về nhà văn hóa để hòa giải. Trước khi hòa giải, tổ hòa giải đã đến UBND xã Xuy Xá xác minh số đo diện tích của thửa đất hai nhà. Sau đó, khảo sát thực tế tại mảnh đất đó thì cả hai nhà đều lấn ra phần đất công một ít. Tổ hòa giải trực tiếp phân tích cái đúng, cái sai của ông V và căn cứ vào thực tế tại hai thửa đất thì ông V đã lấn sang nhà ông T tổng là 1m2.
Ông Quỳnh giải thích rõ cho ông V nghe về việc mình lấn sang đất nhà ông T là không đúng được thể hiện ngay ở hiện trạng đất căn cứ vào các số đo do UBND xã cung cấp, ông V chỉ được sử dụng dụng phần đất nhà mình được cấp trong sổ đỏ. Còn ông T cũng phải hợp tác, nhất trí với phương án tổ hòa giải đưa ra.
Nếu hai gia đình vẫn thấy không thỏa đáng thì mời địa chính xã về đo. Khi địa chính xã về đo thì phải trả tiền công đo đạc theo thị trường, nếu nhà ai thừa thì tập thể sẽ thu lại… Với những lời lẽ thuyết phục có tình, có lý của hòa giải viên, hai gia đình đã bắt tay nhau hòa giải, tình làng nghĩa xóm được trọn vẹn. Khi nhà ông T xây xong, khánh thành nhà vẫn mời nhau cùng chung vui và ông V vui vẻ nhận lời.
Người hàn gắn hạnh phúc cho nhiều gia đình
Sau nhiều năm gắn bó với công tác hòa giải cơ sở, với tấm lòng đầy nhiệt huyết cùng niềm đam mê công việc, bà Nguyễn Thị Phương, ở tổ dân phố Hà Trì 1, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội cùng tổ hòa giải đã hòa giải thành rất nhiều vụ việc từ đơn giản đến phức tạp, đem đến niềm vui cho nhiều gia đình, chắp nối cho nhiều đôi vợ chồng tìm lại được hạnh phúc…
Điển hình câu chuyện của vợ chồng anh H, chị T mâu thuẫn tình cảm gia đình trong thời gian dài dẫn đến việc cả hai vợ chồng tính đến chuyện ly hôn. Thế rồi, nhờ những lời phân tích, khuyên nhủ thấu tình, đạt lý của bà Phương, vợ chồng anh H, chị T đã hiểu nhau hơn, thương nhau hơn và tình cảm dần được hàn gắn. Biết ơn bà Phương, một thời gian sau, cả hai vợ chồng đã đến nhà tâm sự, chia sẻ và nói lời cảm ơn: “Nhờ cô mà chúng cháu giữ được hạnh phúc gia đình…”.
Rồi như câu chuyện của gia đình ông Đ làm nghề xe ôm, còn bà C trồng rau mang bán. Hoàn cảnh khó khăn nhưng được đồng nào ông Đ lại đổ vào rượu chè, cờ bạc… không có tiền thì “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với vợ. Bà C nhiều lần bị chồng đánh thâm tím mặt mũi, tay chân và không ít lần khăn gói bỏ về quê. Thế nhưng thương chồng, thương con, nguôi ngoai bà lại quay về nhà.
Bà Phương đã nhiều lần đến nhà gặp gỡ hai vợ chồng, hết lời phân tích, động viên, khuyên nhủ. Song đều không thành, bởi bà C là người kín tiếng, dù bị chồng đánh liên tục, có những lần bị ngất nhưng bà không hề kêu ca để giữ thể diện cho gia đình. Còn ông Đ thì luôn áp đảo lời nói của người khác…
Trong một lần đi công chuyện, gặp bà C với gương mặt thâm tím. Gặng hỏi, bà C kể, bà đi chợ bán rau về được chút tiền giấu đi, ông Đ về bắt đưa tiền nhưng bà bảo không có. Sau đó, ông Đ lục tìm được số tiền bà giấu nên đánh bà một trận.
![]() |
Xót xa hoàn cảnh bà C, bà Phương quyết tâm tìm cách hòa giải. Sau khi đã nắm được một số điểm mấu chốt, bà Phương và Chi hội phụ nữ đã chọn thời gian thích hợp để đến gặp ông Đ. Phân tích cho ông Đ biết rằng: “Vợ ông là một người vợ tần tảo vì gia đình, hái rau đến thối cả móng tay chỉ mong kiếm tiền về lo cơm áo cho chồng con… Ông không đỡ đần vợ thì thôi, tại sao lại đánh vợ mình ra nông nỗi ấy… Nếu ông tiếp tục hành hung bà C, tôi sẽ gọi công an phường đến làm việc với ông…”, bà Phương chia sẻ.
Với phương án vừa thuyết phục bằng tình cảm, vừa “nắn” bằng pháp luật của bà Phương và Chi hội phụ nữ, ông Đ bắt đầu xuống giọng và hứa sẽ không đánh vợ nữa. Sau đó, ông Đ thay đổi nhiều, chăm chỉ chạy xe ôm, phụ giúp vợ, gia đình êm ấm, khu phố trở nên yên bình hơn.
Bởi vậy, bà Phương được người dân trong khu phố tôn trọng, tin yêu, chính quyền tín nhiệm. Bà Phương từng đạt giải Ba cuộc thi viết bài “Tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND – Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông trao tặng. Đặc biệt, với những cống hiến của mình cho chính quyền địa phương, năm 2021 bà Phương được Chủ tịch UBND quận Hà Đông tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu của quận.
![]() |
Thực hiện: Lê Mận Trình bày: Cao Kỳ |