Việt Nam luôn có chính sách nhất quán trong vấn đề bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, được thể hiện xuyên suốt trong Hiến pháp, pháp luật và các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Trên cơ sở chính sách nhất quán đó, Việt Nam đã nghiêm túc triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế trong lĩnh vực quyền con người, trong đó có các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) mà Việt Nam đã chấp thuận tại Chu kỳ III năm 2019. Trong số 291 khuyến nghị nhận được, vào tháng 7/2019, Việt Nam đã tuyên bố chấp thuận 241 khuyến nghị (chiếm gần 83%). Để triển khai thành công các khuyến nghị UPR, Việt Nam xây dựng Kế hoạch tổng thể thực hiện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quốc hội Việt Nam tham gia vào quá trình xây dựng báo cáo UPR quốc gia và tích cực triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III thông qua việc thực hiện các chức năng của Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam đã thường xuyên tiến hành hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật, coi đây là một nhiệm vụ rất quan trọng bảo đảm cho luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội được thực hiện trong thực tế. Trong đó, Quốc hội giám sát việc thực thi nhiều đạo luật liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như giám sát Chính phủ về việc thực hiện các quy định pháp luật về bình đẳng giới, về phòng chống xâm hại trẻ em, về chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giảm học phí cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn... Kết quả giám sát của Quốc hội đã kịp thời chỉ ra những bất cập về thể chế trong việc tổ chức thực hiện của các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương, đồng thời cũng đưa ra những khuyến nghị, giải pháp khắc phục. Quốc hội thực hiện quyền giám sát thông qua các hình thức: Xem xét báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; giám sát chuyên đề một số lĩnh vực; giám sát cụ thể một số vụ việc quan trọng; chất vấn Chính phủ. Các cuộc giám sát chuyên đề, giám sát cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân ngày càng được tăng cường. |
Vai trò của Quốc hội ngày càng được khẳng định. Từ cách tiếp cận Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của chiến lược phát triển, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Như vậy, với vai trò là cơ quan lập pháp, Quốc hội có nhiệm vụ cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về quyền con người thành các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Trước hết, ưu tiên xây dựng các đạo luật về quyền con người, tạo cơ sở pháp lý để tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan Nhà nước và toàn xã hội. Quốc hội có nhiệm vụ quan trọng là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, tiếp tục thể chế hóa các nguyên tắc, quy định, chế định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết, phê chuẩn. Quốc hội, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần quán triệt quan điểm lấy Nhân dân là trung tâm và là chủ thể hưởng quyền trong toàn bộ quá trình thiết kế xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các chế định pháp luật, cũng như trong tổ chức thực hiện pháp luật. Về các quyền nhân thân, Quốc hội đã quy định khá cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật. Trong nhóm các quyền này, quyền bất khả xâm phạm về thân thể là quyền tự do cá nhân đặc biệt quan trọng, được các bản Hiến pháp nước ta quy định. Ðể bảo đảm thực thi những quy định đó, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan nhiều đến các quyền tự do dân chủ, tự do cá nhân của công dân. Trong các văn bản pháp luật này, ngoài việc quy định cụ thể về quyền bất khả xâm phạm của công dân, còn thể hiện tính chất nhân đạo của Ðảng và Nhà nước ta đối với người phạm tội, như về việc đặc xá; bảo đảm quyền bào chữa, quyền khiếu nại, tố cáo của bị can, bị cáo; về chế độ thăm nuôi, nhận quà và đặc biệt là về chế độ ăn, mặc, ở, học tập, khám chữa bệnh cho phạm nhân. |
Nhận thức pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Quốc hội Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng nghỉ cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Hiện nay, hệ thống an sinh xã hội đã được phát triển thành mạng lưới an sinh xã hội, không ngừng mở rộng diện bao phủ các đối tượng an sinh xã hội và ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của các đối tượng an sinh xã hội. Điều này phản ánh rõ nét qua những chuyển biến tích cực trên các phương diện như: Hệ thống bảo hiểm xã hội; hệ thống hỗ trợ giải quyết việc làm; hệ thống trợ giúp xã hội; hệ thống chính sách ưu đãi cho người có công và hệ thống bảo đảm tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (như: giáo dục, y tế, nhà ở, thông tin, giao thông, nước sạch,...) ngày càng được cải thiện về chất lượng cũng như quy mô dịch vụ, đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của đại bộ phận người dân, đặc biệt là nhóm dân cư tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, những địa bàn đặc biệt khó khăn. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách chưa có tiền lệ về bảo đảm quyền lợi của những người bị tác động của đại dịch thông qua các gói an sinh xã hội hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch bằng những gói phúc lợi hàng chục ngàn tỷ đồng, bảo đảm các quyền con người cơ bản cho người dân, đồng thời gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống an sinh xã hội để ứng phó hiệu quả với những thách thức mang tính toàn cầu cũng như thiết lập những bảo đảm cần thiết cho sự phát triển bền vững với tầm nhìn trung và dài hạn. |
Hiện nay, so với 20 năm trước đổi mới, đời sống của đại bộ phận người dân Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt với sự liên tục cải thiện các chỉ số quan trọng liên quan đến con người như chỉ số phát triển con người (HDI) (Việt Nam hiện xếp thứ 115/191 quốc gia), chỉ số bất bình đẳng giới (GII), tuổi thọ bình quân đầu người, thu nhập bình quân đầu người... Việt Nam cũng là một trong những quốc gia hoàn thành sớm Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ (MDGs). Theo xếp hạng của LHQ năm 2020 về thực hiện SDGs, Việt Nam xếp thứ 51/193 quốc gia thành viên của LHQ, đạt thành tích cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Về vấn đề bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, như: phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có HIV/AIDS… luôn chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình thực thi quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Trên thực tế quyền của các nhóm này đã đạt được nhiều kết quả tích cực xét theo các tiêu chí, như: chống phân biệt đối xử; tăng cường mức độ sẵn có của các dịch vụ; khả năng tiếp cận bình đẳng và chất lượng các dịch vụ, cơ hội; mức độ bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội; chi phí phù hợp… Tại kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, (nhiệm kỳ 2021-2026), số lượng nữ là đại biểu Quốc hội là 151 người, chiếm 30,26% (đạt cao nhất từ trước đến nay; Tỷ lệ dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội khóa XV là 89 người, chiếm 17,84%. Từ năm học 2017-2018, đã có 22 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số (715 trường); 8 ngôn ngữ của dân tộc thiểu số được đưa thành môn học; 6 bộ sách giáo khoa được xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số… |
Quyền con người không chỉ được thực hiện bằng việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật mà còn phải được tổ chức thực hiện pháp luật trên thực tế. Vì thế, cùng với việc xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát của Quốc hội có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc thực thi pháp luật về nhân quyền trên thực tế tại Việt Nam. Bởi lẽ, thực hiện chức năng giám sát tối cao của Quốc hội là nhằm bảo đảm cho các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, thông qua hoạt động giám sát, Quốc hội nắm bắt được tình hình triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, từ đó kịp thời phát hiện những vướng mắc để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bao gồm việc bổ sung, hoàn thiện những quy định hiện hành, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, quyết định những lĩnh vực cần xây dựng mới văn bản,... Toàn bộ hoạt động giám sát của Quốc hội đều hướng đến việc bảo đảm cho các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội được thi hành nghiêm chỉnh, đồng thời xem xét trách nhiệm pháp lý của đối tượng chịu sự giám sát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý theo quy định những vi phạm có thể xảy ra. Có thể khẳng định rằng, những kết quả, thành tựu to lớn trên lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người mà Việt Nam đã đạt được trong suốt 35 năm qua, là minh chứng sinh động cho thấy quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam là đúng đắn, là vì quyền con người. |
Kỳ 1: Những bị cáo thoát án tử trong “gang tấc” Sửa đổi Bộ Luật Hình sự, trong đó giảm các tội phạm áp dụng hình thức tử hình thể hiện sâu sắc tính nhân đạo, ... |
Kỳ 2: Quyền được chăm sóc sức khoẻ và quyết sách từ những phiên họp bất thường Những năm qua, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật về nhân quyền, trong đó quyền được bảo ... |
Kỳ 3: Xác lập cơ sở hiến định bảo vệ quyền con người Ngay từ ngày đầu thành lập (năm 1946), Quốc hội Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc xác lập ... |
Kỳ 4: Thành tựu lập pháp trong bảo đảm quyền con người của Quốc hội Việt Nam Quốc hội Việt Nam là hiện thân của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, ... |
Bài viết: Hoa Đỗ - Ngọc Dung Thiết kế: Thanh Tuấn |