Ngành Y tế Thủ đô nỗ lực đổi mới, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Bệnh viện Đống Đa triển khai khám bệnh tự động, nhận diện khuôn mặt từ năm 2024. Ảnh: KT&ĐT |
Theo báo cáo tại hội nghị sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Sở Y tế Hà Nội, toàn ngành Y tế Hà Nội đã thực hiện trên 4,3 triệu lượt khám chữa bệnh, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Lượt điều trị ngoại trú tăng 32%, lượt điều trị nội trú tăng 15,6%. Tỷ lệ sử dụng giường bệnh đạt mức 86%, phản ánh hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất và năng lực phục vụ người bệnh được nâng lên. Các hoạt động kỹ thuật như phẫu thuật, xét nghiệm, thăm dò chức năng đều ghi nhận tăng trưởng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.
Đáng chú ý, mô hình "Bệnh viện Chị - Em" tiếp tục được triển khai giữa bệnh viện tuyến trên với các cơ sở tuyến huyện, xã trên địa bàn Ba Vì. Mô hình giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến cơ sở, tạo điều kiện để người dân được khám chữa bệnh chất lượng ngay tại địa phương, hạn chế tình trạng chuyển tuyến không cần thiết, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người bệnh.
Công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở y tế tư nhân được đẩy mạnh với nhiều biện pháp kiểm tra, hậu kiểm và xử lý vi phạm. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Sở Y tế đã cấp mới 218 giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, trong đó có 7 phòng khám đa khoa, 46 phòng khám y học cổ truyền và 165 cơ sở khám chuyên khoa, dịch vụ y tế khác.
Bên cạnh đó, ngành cũng cấp 1.065 giấy phép hành nghề, đồng thời xử lý đóng cửa, hạ biển đối với 161 cơ sở hoạt động không đảm bảo. Có 24 chứng chỉ/giấy phép hành nghề bị thu hồi do vi phạm. Ngoài ra, Sở tham gia thẩm định điều chỉnh giấy phép hoạt động của các bệnh viện ngoài công lập, đặc biệt là bổ sung danh mục kỹ thuật chuyên sâu theo quy định của Bộ Y tế.
Tính đến giữa tháng 7, TP Hà Nội ghi nhận 4.254 ca mắc sởi, 365 ca sốt xuất huyết và 1 ca não mô cầu. Dù số ca mắc tăng so với năm trước ở một số bệnh, nhưng các loại dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát, không ghi nhận diễn biến bất thường. Hoạt động tiêm chủng mở rộng tiếp tục duy trì hiệu quả, tỷ lệ tiêm các loại vắc-xin cơ bản đạt đúng tiến độ đề ra.
Ngành Y tế đã triển khai các biện pháp giám sát dịch tễ, xử lý kịp thời ổ dịch, tăng cường tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương trong phòng chống dịch tại cộng đồng. Công tác vệ sinh môi trường, kiểm tra an toàn thực phẩm cũng được triển khai đồng bộ nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh mùa Hè.
Trong 6 tháng đầu năm, Sở Y tế Hà Nội được giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cho 25 dự án xây dựng, cải tạo các bệnh viện, cơ sở y tế. Trong đó, đã có 20 dự án được phê duyệt, 5 dự án đang chờ hoàn thiện thủ tục (gồm 1 dự án chuyển sang giai đoạn 2026-2030 và 4 dự án thực hiện theo hình thức xã hội hóa).
Ngoài việc đầu tư về cơ sở vật chất, ngành Y tế Thủ đô đang tích cực triển khai chuyển đổi số trong quản lý và khám chữa bệnh. Các bệnh viện tiếp tục hoàn thiện bệnh án điện tử, kê đơn điện tử, khám chữa bệnh từ xa; tiến tới đồng bộ hóa thông tin y tế, giúp người dân thuận tiện trong tiếp cận dịch vụ và quản lý hồ sơ sức khỏe.
Cùng với đó, các cơ sở y tế được yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát chuyên môn, đặc biệt tại các cơ sở khám sức khỏe, cơ sở công bố đủ điều kiện thực hành. Việc hậu kiểm các điều kiện pháp lý, kỹ thuật, nhân sự được thực hiện thường xuyên nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn cho người bệnh.
Từ tháng 3/2025, lĩnh vực bảo trợ xã hội chính thức chuyển giao về Sở Y tế quản lý. Ngành đã nhanh chóng tiếp nhận và triển khai các nhiệm vụ như: trợ cấp xã hội, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, quản lý cơ sở trợ giúp xã hội... Đặc biệt, Sở đã chú trọng lồng ghép yếu tố y tế trong chăm sóc xã hội, kết nối các bệnh viện và trung tâm y tế với cơ sở trợ giúp để nâng cao hiệu quả hỗ trợ người yếu thế.
Toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã và 526 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã ban hành và triển khai kế hoạch phòng, chống mại dâm năm 2025. Các hoạt động phòng chống được lồng ghép với chương trình an sinh xã hội, phòng chống ma túy, HIV/AIDS, giảm nghèo… theo hướng bền vững, lấy cộng đồng làm trung tâm.
Ngành Y tế đang đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, đặc biệt với đội ngũ điều dưỡng, dinh dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn và xử lý chất thải y tế. Các bệnh viện tuyến dưới và cơ sở y tế xã, phường tiếp tục được ưu tiên đào tạo, hỗ trợ chuyên môn, hướng đến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở.
Trong thời gian tới, ngành Y tế Thủ đô tập trung cao độ cho công tác y tế phục vụ dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9. Các nội dung như bảo đảm y tế tại các sự kiện, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh sẽ được triển khai đồng bộ, có phương án cụ thể cho từng cấp cơ sở.
![]() | Hà Nội tăng cường kiểm tra đột xuất, giám sát cơ sở kinh doanh dược sau cấp phép |
![]() | Hà Nội ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng ngành Y tế Thủ đô |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại