Chủ nhật 20/07/2025 04:17
Kỷ niệm 19 năm Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội ra số đầu tiên (20/7/2006- 20/7/2025)

Nghề báo luôn được đặt trong trái tim

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
11 năm gắn bó với nghề báo, gắn bó với Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội (Báo Kinh tế và Đô thị), tôi vẫn luôn coi nghề báo như một mạch sống len lỏi trong từng nhịp thở của đời mình. Đó không chỉ là công việc mà là hành trình sống cùng nhân vật, đồng hành cùng số phận, chạm đến những mảnh đời chân thực nhất.
Nghề báo luôn được đặt trong trái tim
Phóng viên Vi Giáng phỏng vấn sĩ tử trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh Mộc Miên

Dưới ngòi bút là nhịp đập của cuộc sống

Tôi còn nhớ như in những ngày tháng rong ruổi giữa mùa thi Hà Nội, máy ảnh trong tay, ánh mắt dõi theo từng khoảnh khắc của thí sinh, phụ huynh, đồng cảm với những cảm xúc lo âu và hy vọng. Cũng có những ngày, tôi đứng giữa điểm tập kết xe rác trên phố Phan Huy Chú, lắng nghe những công nhân môi trường kể về chuyện thu gom rác tại nguồn, một chính sách nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đến diện mạo đô thị và thói quen người dân.

Tôi từng “vượt nắng” để viết về xóm chạy thận giữa lòng Hà Nội, nơi những con người chống chọi từng ngày với bệnh tật trong điều kiện sống còn nhiều thiếu thốn. Tôi từng kiên nhẫn chờ hàng giờ đồng hồ trước cửa phòng cấp cứu của Thượng úy Đinh Văn Dương - người sống sót duy nhất trong vụ rơi trực thăng Mi-171 tại Thạch Thất (cũ) năm 2014, chỉ mong có “phép màu” đến với anh và đồng đội. Những giây phút như thế nhắc tôi nhớ rằng: nghề báo không chỉ là ghi chép, mà còn là sự đồng cảm sâu sắc với thân phận con người.

Tôi bắt đầu nghề báo năm 2014, thời điểm báo giấy còn “đắt sạp”, mạng xã hội, tin tức online chưa bùng nổ như bây giờ. Hơn 10 năm qua, tôi vẫn gắn bó với những trang viết văn hóa - xã hội. Từ khi còn ở Phòng Văn hóa (Báo Pháp luật và Xã hội), đến nay là Tổ Xã hội thuộc Ban Pháp luật và Xã hội (Báo Kinh tế và Đô thị), dù tên gọi có thay đổi, tinh thần làm báo của chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng mọi nhiệm vụ được giao. Đối với người làm báo, không có lĩnh vực nào là “xa xôi”, không có đề tài nào là “nhỏ bé”, bởi mỗi câu chuyện đều là một phần của đời sống và được kể lại bằng sự chân thực và nhân văn.

Tháng 6/2024, khi Hà Nội triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn tại bốn quận nội thành (cũ) gồm: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình. Sau một tháng thí điểm, từ ngày 1/7/2024, quận Hoàn Kiếm (cũ) đồng loạt triển khai tại 18 phường trên địa bàn. Trong cái nắng gay gắt, tôi theo chân các cán bộ tổ dân phố phường Hàng Bồ thuộc quận Hoàn Kiếm (cũ) đến từng nhà dân để vận động ký cam kết, tuyên truyền đổ rác đúng giờ, phân loại rác tại nguồn hay tận mắt chứng kiến những buổi “Đổi rác lấy quà” đầy ấm áp và nhân văn. Từ việc tìm hiểu thông tin từ cơ sở, phỏng vấn người dân và cán bộ chính quyền, với dấu ấn loạt bài 5 kỳ “Hà Nội với quyết tâm phân loại rác tại nguồn” đã mang về giải Ba cuộc thi viết về môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024. Một điều ý nghĩa, dấu ấn của loạt bài viết giúp tôi cảm nhận rõ giá trị lan tỏa của nghề báo khi góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng.

Không dừng lại ở đó, tôi tiếp tục theo dõi những chuyển động tích cực trong công cuộc cải cách hành chính của Thủ đô. Khi Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội mở rộng các chi nhánh, đặc biệt là Chi nhánh số 3, tôi có dịp ghi nhận một câu chuyện đầy xúc động từ chia sẻ của ông Bùi Thế Hùng - Giám đốc Chi nhánh số 3 Trung tâm phục vụ hành chính công TP Hà Nội.

Đó là trường hợp của bà Phạm Thị Mai, cựu thanh niên xung phong, sau gần 50 năm thất lạc giấy đăng ký kết hôn, đã được cán bộ hỗ trợ tìm lại bản sao từ cơ sở dữ liệu số. Lá thư tay đầy cảm xúc mà bà Phạm Thị Mai gửi tới Chi nhánh số 3, với những dòng chữ nghẹn ngào bày tỏ lòng biết ơn, không chỉ là lời cảm ơn chân thành, đó là lời khẳng định rõ nét nhất về hiệu quả của sự đổi mới hành chính, nơi người dân thực sự được phục vụ. Đối với người làm báo, được lắng nghe và lan tỏa những câu chuyện như thế chính là trách nhiệm và cũng là niềm hạnh phúc lớn lao. Bởi báo chí, hơn cả vai trò phản ánh, còn có thể góp phần nhân rộng những giá trị tốt đẹp giữa đời sống hôm nay.

Nghề báo luôn được đặt trong trái tim
Tác giả Vi Giáng (thứ 2 từ trái qua) nhận giải Ba cuộc thi viết về bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024. Ảnh: Phạm Hùng

Thích ứng với chuyển đổi số

Tháng 7/2025, tôi có mặt tại phường Cửa Nam - đơn vị đầu tiên của TP Hà Nội ứng dụng robot AI trong phục vụ hành chính, một bước tiến mạnh mẽ của chính quyền đô thị hiện đại. Tại đây, tôi đã gặp bà Phan Thị Kim Loan (trú tại 14 phố Thợ Nhuộm, phường Cửa Nam), người dân từng loay hoay nhiều năm chỉ vì một chữ “Thị” sai trong giấy tờ. Bà Kim Loan xúc động kể về sự thay đổi tích cực khi thực hiện thủ tục tại Điểm Phục vụ hành chính công, từ thái độ phục vụ đến tính minh bạch. Một nền hành chính hiện đại không chỉ là cải tiến quy trình mà còn nâng cao sự tử tế, tận tâm trong phục vụ, tạo sự hài lòng cho người dân.

Chính phản hồi tích cực từ người dân đã trở thành động lực để tôi tiếp tục bám sát từng chuyển biến của chính quyền cơ sở, nơi mô hình hai cấp đang được triển khai tại 126 xã, phường toàn TP. Khi những giá trị tốt đẹp được ghi nhận và lan tỏa qua ngôn ngữ báo chí, đó là lúc người làm nghề như tôi cảm thấy công việc của mình thực sự có ý nghĩa.

Nghề báo giờ đây đang bước vào thời kỳ chuyển mình mạnh mẽ. Từ những bài viết truyền thống, các phóng viên thử nghiệm cách dựng video hiện trường, gắn link đa nền tảng, ứng dụng nền tảng số để lan tỏa nội dung số đến độc giả. Làm báo trong thời đại số không chỉ cần đam mê mà còn cần tinh thần học hỏi và thích nghi không ngừng.

Chính trong hành trình đi, viết và sống cùng nhân vật, tôi đã được tiếp xúc với những con người bình dị mà giàu nghị lực: người mẹ bán đất làm từ thiện, thầy giáo khiếm thị vượt nghịch cảnh, những vận động viên khuyết tật mang về vinh quang cho Thủ đô hay những công nhân vệ sinh môi trường bình dị. Họ dạy tôi biết viết bằng trái tim, bằng sự tử tế và lòng tin vào nghề báo, một nghề không chỉ truyền tải thông tin mà còn thắp sáng tính nhân văn và kết nối cộng đồng.

Nhân dịp Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội, thuộc Báo Kinh tế & Đô thị bước sang tuổi 19 - một dấu mốc rực rỡ tuổi thanh xuân, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc tới các đồng nghiệp luôn giữ được ngọn lửa nghề sáng trong tim. Chúc cho Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội tiếp tục là cầu nối tin cậy, gần gũi với bạn đọc, nơi phản ánh tiếng nói của đời sống và lan tỏa những giá trị tốt đẹp.

Thắp lửa nghề báo từ vùng đất cách mạng lịch sử Thắp lửa nghề báo từ vùng đất cách mạng lịch sử

Trên hành trình “Về nguồn” tại vùng đất cách mạng Thái Nguyên – “Thủ đô gió ngàn” lịch sử, chúng tôi cảm nhận rõ ràng ...

Nghề báo, Hà Nội và tôi Nghề báo, Hà Nội và tôi

Tháng Sáu luôn mang đến cảm xúc đặc biệt với tôi và đồng nghiệp bởi có ngày hội của những người làm báo. Với riêng ...

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động