e magazine
09:05 | 30/04/2025
Tự do và hòa bình là món quà quý giá nhất – Chúng con luôn trân trọng và biết ơn!

09:05 | 30/04/2025

Những lời nhắc nhở để thế hệ trẻ hôm nay mãi nhớ công ơn của các thế hệ cha anh đi trước, đã hy sinh xương máu của mình để chúng ta được sống những năm tháng trong hòa bình, tự do.
Tự do và hòa bình là món quà quý giá nhất – Chúng con luôn trân trọng và biết ơn!
Tự do và hòa bình là món quà quý giá nhất – Chúng con luôn trân trọng và biết ơn!

Chiến tranh đã qua đi, đất nước hòa bình, nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì bù lấp được. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc ta đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho quê hương, đất nước.

Lớp lớp những người con đất Việt ra đi không bao giờ trở lại, hoặc khi trở về mang trên mình những thương tích của chiến tranh. Có những cuộc chia ly đã trở thành một phần của lịch sử, hàng triệu thân nhân liệt sỹ, những người vợ khắc khoải chờ chồng, những người mẹ mòn mỏi chờ mong những đứa con mãi mãi không về, không ít trong số ấy vẫn chưa tìm thấy hài cốt, hàng nghìn ngôi mộ vẫn “chưa biết tên”…

Tự do và hòa bình là món quà quý giá nhất – Chúng con luôn trân trọng và biết ơn!

Nội tôi là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhỏ, ở xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh có 5 người con trai đều tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc thì 2 người là liệt sỹ. Cha tôi là thương binh Lê Văn Sảnh tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thuộc Đại đội 14 - Pháo hỏa lực, E18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 may mắn sống sót trở về, được chứng kiến ngày đất nước hòa bình và phát triển. Và hôm nay được hòa trong không khí hào hùng đón kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo lời kể của cha, ngày ấy, khi vừa bước sang tuổi 19 với ước mơ lý tưởng và đi theo truyền thống cách mạng của gia đình, cha xin nghỉ học để lên đường nhập ngũ. Ngày cha khoác trên mình bộ quần áo màu xanh bộ đội, vai mang ba lô, đầu đội mũ sao vàng, cha sung sướng đi khắp làng để chào tạm biệt mọi người mà không hẹn ngày gặp lại.

Tiễn cha đi, bà nội tôi nép mình sau lũy tre làng, quẹt ngang dòng nước mắt, lặng lẽ chờ bóng cha tôi khuất dần. Nội vui vì con trai của mình có lý tưởng, có tinh thần yêu nước, chiến đấu vì hòa bình nhưng nội khóc bởi trước đó không lâu, nội đã lịm đi khi nhận được giấy báo tử của người con trai cả, là bác tôi - liệt sỹ Lê Văn Chất, hiện đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Bác tôi mới lập gia đình chưa lâu đã phải chia tay người vợ trẻ và cha mẹ già để đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, nhưng rồi bác đã đi mãi không trở về. Có lẽ vì thế, khi tiễn cha tôi, nội cũng sợ sẽ không bao giờ được nhìn thấy con trai của mình nữa.

Bước tiếp tinh thần yêu nước như các anh của mình, chú tôi là con trai út của nội cũng ước mơ được ra chiến trường. Và rồi năm 1978, khi đang ở tuổi 19, đôi mươi, độ tuổi đẹp nhất của đời người, chú tôi tình nguyện nhập ngũ, tham gia kháng chiến tại chiến trường Campuchia.

Khi nội còn sống, nội kể lại với chị em chúng tôi rằng, chú tôi vui sướng đến nỗi khi được phát quân tư trang, chú mặc vào rồi chạy khắp làng trên xóm dưới để khoe, mình chính thức được đi bộ đội. Thế nhưng, vào tháng 2/1979, chỉ mấy tháng sau khi ra chiến trường, ông bà nội tôi lại một lần nữa đau đớn cầm tờ giấy báo tử trong tay. Chú tôi đã hy sinh… Liệt sỹ Lê Văn Kiên, hiện đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Đồng Nai.

Tự do và hòa bình là món quà quý giá nhất – Chúng con luôn trân trọng và biết ơn!

Có câu nói: “Khi viên đạn xuyên qua tim một người lính thì nó cũng xuyên qua tim của một người mẹ, nó không chỉ lấy đi sinh mạng của các anh mà còn lấy đi bình yên của người mẹ suốt phần đời còn lại. Giữ con thì mất nước mà giữ nước thì mất con”.

Để ta biết được rằng, vết thương lòng của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng luôn âm ỉ, nhói đau trong hương khói những chiều sương. Những mất mát, đau thương đó không gì bù lấp được nhưng qua lời dạy của ông bà nội và mẹ cha, chị em chúng tôi luôn tự hào vì mình được sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng, tự hào về các bác, cha, chú đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì hòa bình của dân tộc.

Chỉ tiếc rằng, khi chị em tôi khôn lớn thì nội chẳng còn để chúng tôi được báo hiếu. Những năm tháng qua, chị em chúng tôi chỉ biết tượng tưởng khuôn mặt của người bác liệt sỹ qua lời kể của cha mẹ và nhớ thương người chú liệt sỹ qua tấm di ảnh trên ban thờ.

Tự do và hòa bình là món quà quý giá nhất – Chúng con luôn trân trọng và biết ơn!

Trong cuốn “Hồi ký trong đời lính” mà cha tôi viết, bữa cơm chia tay để cha lên đường nhập ngũ trong nghèo đói, mọi người đều ăn khoai, ăn sắn, nhường bát cơm trắng cho cha. Nội cứ giục cha tôi ăn nhiều vào nhưng cha nghẹn ngào không nuốt nổi, cha không dám nhìn vào ánh mắt của nội, sợ mình cũng không kìm được nước mắt.

Rời quê hương là những ngày tháng huấn luyện dưới thời tiết khắc nghiệt của mảnh đất miền Trung, nắng chói chang và mưa tuôn xối xả. Huấn luyện được hơn 2 tháng thì tình hình thay đổi nên tháng 7/1972 cha tôi cùng đồng đội tiến vào chiến trường Quảng Trị, tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ.

Tự do và hòa bình là món quà quý giá nhất – Chúng con luôn trân trọng và biết ơn!

Cha tôi kể, ngày đấy dù đói khổ, thiếu thốn nhưng không gì lung lay được tinh thần dũng cảm của những người lính bộ đội cụ Hồ. Hành quân qua nhiều chiến tuyến, mỗi người vác theo 30-40kg chủ yếu là đạn, vượt núi băng sông, xuyên dãy Trường Sơn. Sống trong rừng hàng tháng trời, người thì sốt rét, rắn cắn… cha tôi thì bị ong đốt khiến khuôn mặt biến dạng không ai nhận ra. May mắn, bộ đội đi đến đâu cũng được Nhân dân thương yêu như mẹ Học, mẹ Thuần… tiếp tế sắn, khoai để tiếp thêm sức lực.

Trên bầu trời, máy bay trực thăng của địch vẫn càn quét ngày đêm, không để địch phát hiện, bộ đội ta phải làm theo khẩu hiệu “nấu không khói, nói không tiếng”. Căng thẳng nhất là những chuyến hành quân trong đêm, bom bi, pháo sáng, bom tấn của địch trút xuống ầm ầm. Trên đường đi, thấy xe của nhiều đồng đội đổ ngổn ngang, đau xót lắm.

Cha bảo, giữa chiến trường ác liệt, càng cận kề cái chết thì người lính trẻ như cha càng gắng sức, vững tinh thần chiến đấu và luôn mơ về một đất nước hòa bình. Khi hành quân đến nông trường cao su Quyết Thắng, những trận B52 đổ xuống, khiến khu rừng cao su dày đặc hố bom, cây cối xơ xác. Đến Bãi Hà, Quảng Trị là một hậu cứ lớn mạnh tiếp giáp với tiền tuyến. Trung đoàn của cha dừng chân lại đây mấy ngày để chuẩn bị tinh thần bước vào trận chiến “một mất, một còn”.

Sau đó, tiếp tục hành quân trong làn bom đạn để qua sông Hiền Lương, đồi Không Tên, vùng Cam Lộ, sông Ba Lòng… Dọc đường hành quân qua cầu Lai Phước bị bom dội sập, lệnh vượt sông Thạch Hãn tiến vào Thành cổ Quảng Trị cũng phải dừng lại vì nghe tin Thành cổ đã bị địch chiếm đóng, quân ta hy sinh rất nhiều.

Cha tôi cùng đồng đội tự bảo nhau phải kiên cường và dũng cảm, đã vào chiến trường là phải xác định tư tưởng rõ ràng. Và hành quân ra sân bay Ái Tử vào làng Nhan Biều để chốt lại không cho địch tràn vào làng. Hàng tháng trời, quân địch dùng pháo kích, xe tăng, máy bay tấn công rất ác liệt.

Ngày đêm trực chiến, nghe tiếng đạn rít là cha và đồng đội biết đạn bay xa hay gần để tránh kịp thời. Cha tôi còn nhớ như in lần đội Thủy quân lục chiến của Việt Nam Cộng hòa vượt sông Thạch Hãn lấn chiếm Ái Tử nhưng bị quân ta tiêu diệt nhanh gọn. Đại đội Cối 82 của cha đã bắn hàng trăm quả, chiến thắng lẫy lừng.

Ở Cao Điểm 20, cha tôi hai lần suýt chết vì bị bom dội, đất đá chặn lấp cửa hầm, may mắn đã cùng đồng đội chui ra được. Lần sau, lúc đang chuyển đạn trong đêm thì bị pháo kích bắn liên tục, may chạy kịp vào lô cốt nên thoát nạn. Trong những lần ấy, đồng đội của cha hy sinh nhiều nhưng tinh thần của bộ đội ta vẫn không hề nao núng.

Với cha tôi, chứng kiến đồng đội nằm lại chiến trường là điều đau xót nhất và không bao giờ quên. Ngày 3/11/1974, nghe tin người bạn thân thiết, vừa là đồng hương tên Phan Danh Ngọ hy sinh sau khi tiêu diệt được nhiều mục tiêu, cứ điểm của địch. Cha tôi đau đớn…

Tự do và hòa bình là món quà quý giá nhất – Chúng con luôn trân trọng và biết ơn!

Tháng 1/1975, cha tôi cùng đơn vị hành quân tham gia chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng, đơn vị cha lại tiếp tục hành quân theo Chỉ lệnh “Thần tốc, thần tốc, đại thần tốc” của Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào giải phóng thị xã Phan Rang – Phan Thiết, giải phóng huyện lỵ Long Thành và tiến vào Sài Gòn. Trận nào cũng có đồng đội ngã xuống nhưng ý chí giải phóng miền Nam luôn thôi thúc từng bước chân cha và những người lính quả cảm, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử.

Giờ đây, khi được sống trong hòa bình và hạnh phúc, ngồi đọc hết cuốn “Hồi ký trong đời lính” của cha, nước mắt tôi nhòe đi. “Cha ơi, con gái tự hào về cha, thương cha và thương tất cả những người lính từng ra trận để mang lại hòa bình, độc lập dân tộc”.

Tự do và hòa bình là món quà quý giá nhất – Chúng con luôn trân trọng và biết ơn!

Sau những năm tháng hành quân, trải qua bao nhiêu trận chiến cam go, ác liệt “nếm mật nằm gai”. Ngày hôm nay, ký ức ngày đại thắng cách đây 50 năm vẫn luôn in sâu trong tâm trí cha tôi. Ngày 30/4/1975, cha cùng đơn vị tiến về Sài Gòn trước sự reo hò, vui sướng của người dân Sài Gòn đón chào Quân Giải phóng trong không khí tự do, hân hoan. Hai bên đường, cờ vẫy như hội, người dân vẫy tay, khóc, cười ôm lấy nhau trong niềm hạnh phúc…

Khi non sông nối liền một dải, Bắc - Nam sum họp một nhà, những chiến binh còn sống dẫu mang trong mình những mảnh đạn, mảnh bom nhưng họ không hề gục ngã trước nỗi đau thể xác mà vẫn hừng hực khí thế góp công sức xây dựng quê hương.

Tôi từng hỏi cha, cha có sợ chết không? Sức mạnh nào để cha quyết tâm ra chiến trường dù biết trước đi là khó trở về? Cha bảo, lúc đó không nghĩ gì ngoài tình yêu nước và lòng căm thù giặc, và khi bác Lê Văn Chất hy sinh thì càng thôi thúc cha phải đi để chiến đấu…

Hàng năm, đến ngày 30/4 và 27/7, cha tôi cùng những người đồng đội còn lại đều tổ chức gặp mặt và ôn lại những ngày tháng cũ. Có năm thì tổ chức thăm lại chiến trường xưa, thắp hương cho những đồng đội đã ngã xuống. Đó là những ký ức không bao giờ quên và cũng là bài học, là sức mạnh để thế hệ sau biết trân quý hòa bình.

Sau 50 năm những người lính tuổi đôi mươi kiên cường, bất khuất ấy đều đã ngoài 70, tóc đã bạc, da dồi mồi, đôi chân đã yếu nhưng vẫn luôn mang trong mình tinh thần của người lính bộ đội cụ Hồ. Tôi may mắn được vài lần cùng cha dự buổi gặp mặt của những người cựu chiến binh năm xưa, được cảm nhận tình đồng chí, đồng đội của những người lính dành cho nhau. Có lẽ họ đã cùng nhau trải qua sinh - tử nên những tình cảm đó luôn là thứ tình cảm thiêng liêng, quý báu, không gì có thể đong đếm được.

Dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Cựu chiến binh Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 tổ chức gặp mặt tại Dinh Độc Lập, nơi đánh dấu mốc lịch sử hào hùng của dân tộc. Những người lính anh dũng năm ấy có cha tôi, chú Thuyên (Thạch Hà), chú Thành (Thạch Hà), chú Thọ (Thạch Hà), chú Hợp (Cẩm Xuyên), chú Quán (Cẩm Xuyên), chú Tịnh (Cẩm Xuyên)… từ Hà Tĩnh vào, từ Tiền Giang, Long An lên, có dịp ngồi bên nhau, kể lại những câu chuyện xưa về một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, chuyện về những ngày sống chết có nhau và ngày đất nước độc lập.

Những ngày tháng 4 lịch sử, âm thanh bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” rộn vang khắp mọi miền Tổ quốc, mỗi người con Việt Nam đều trào dâng niềm tự hào, lòng biết ơn trước những hy sinh của thế hệ cha anh đi trước. Thế hệ trẻ chúng tôi càng hiểu, để có được cuộc sống hòa bình, tự do hôm nay là máu xương, nước mắt của biết bao người lính anh dũng đổ xuống.

Tự do và hòa bình là món quà quý giá nhất – Chúng con luôn trân trọng và biết ơn!

Cha ông ta ngày xưa ngã xuống để cho đời ta ngày sau đổi lấy hoà bình

Giữa khói binh, ai cũng nguyện lòng hy sinh

Xin tri ân những người chiến sĩ, quên đi niềm riêng, quên đi cả bản thân mình

...

Để cho đất nước yên vui từ đó

Để cho đỏ thắm màu cờ tự do

Để những tiếng cười vang khắp nơi từ ngày chiến thắng

Cùng tôi viết tiếp câu chuyện hoà bình

Nhìn quê hương sáng tươi trong bình minh

Nhìn ánh nắng chiếu rực rỡ Quốc kỳ tung bay phấp phới!

Lời bài hát “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã thể hiện lòng biết ơn của người trẻ với thế hệ đi trước, gợi nhớ về quá khứ hào hùng, nhắc nhở về trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc gìn giữ và phát triển đất nước.

Lễ 30/4/2025, TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ Quốc phòng triển khai tổ chức lễ diễu binh, diễu hành quy mô lớn cùng các chương trình nghệ thuật, cầu truyền hình, triển lãm, các cuộc thăm viếng đến những hoạt động cộng đồng khắp cả nước. Đây là cơ hội để thế hệ trẻ, những người sinh ra trong thời bình, hiểu sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình, đồng thời khơi dậy lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm với đất nước.

Các bạn trẻ đã chia sẽ những khoảnh khắc đáng nhớ ở nhiều góc độ, nhiều trạng thái trên mạng xã hội tạo nên một làn sóng lan tỏa tinh thần yêu nước. Đất nước bây giờ đã thay đổi rất nhiều, đang vững bước sánh vai với các cường quốc năm châu. Thế hệ chúng tôi được giáo dục để trân trọng lịch sử, để hiểu giá trị thiêng liêng của hai chữ hòa bình. Thế nên càng cố gắng xây dựng, vun đắp từng ngày để xứng đáng hơn với những điều đó.

Tự do và hòa bình là món quà quý giá nhất, chúng tôi biết mình may mắn và nguyện suốt đời không quên.

Tự do và hòa bình là món quà quý giá nhất – Chúng con luôn trân trọng và biết ơn!