Thuế nhập khẩu ô tô giảm: giá xe có thực sự rẻ hơn?

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 73/2025 vào ngày 31/3 với mức giảm thuế nhập khẩu ô tô từ 13 - 14% đã thu hút sự quan tâm lớn từ thị trường. Nhiều người kỳ vọng giá xe nhập khẩu sẽ giảm mạnh, nhưng thực tế có thể không đơn giản như vậy.
Thuế nhập khẩu ô tô giảm: giá xe có thực sự rẻ hơn?
Thị trường ô tô không có nhiều biến động sau khi thuế nhập khẩu giảm từ cuối tháng 3.

Những dòng xe nào được hưởng lợi?

Theo Nghị định 73, thuế nhập khẩu đối với một số dòng xe sẽ giảm đáng kể gồm: ô tô có mã HS 8703.23.63 và 8703.23.57 giảm từ 64% xuống 50%; ô tô có mã HS 8703.24.51 giảm từ 45% xuống 32%.

Tuy nhiên, các dòng xe thuộc diện được giảm thuế này không chiếm số lượng lớn tại Việt Nam. Chủ yếu, chúng là xe sang hoặc xe cỡ lớn đến từ Mỹ, như các dòng Jeep, Mercedes, hoặc một số mẫu Lexus nhập khẩu từ Nhật Bản.

Trong khi đó, xe nhập khẩu từ Đông Nam Á như Toyota Camry, Fortuner vốn đã được hưởng thuế nhập khẩu 0% từ năm 2018 theo Hiệp định ATIGA, nên không bị ảnh hưởng bởi chính sách giảm thuế lần này.

Một số mẫu xe nhập khẩu từ Nhật Bản trước đây chịu mức thuế 45% theo CPTPP, nhưng nay Toyota Land Cruiser, Lexus GX, LX sẽ giảm thuế xuống 32%, nhờ Nghị định 73.

Giá xe có thực sự giảm?

Trên lý thuyết, khi thuế nhập khẩu giảm từ 64% xuống 50%, giá xe có thể giảm khoảng 8,6% sau khi tính cả thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT. Điều này có nghĩa, một chiếc xe trị giá 1 tỷ đồng có thể giảm khoảng 86 triệu đồng, nếu các yếu tố khác không thay đổi.

Tuy nhiên, giá xe thực tế khi đến tay người tiêu dùng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

- Tỷ giá ngoại tệ: nếu đồng USD tăng giá, chi phí nhập khẩu cũng tăng theo.

- Chi phí vận chuyển: tác động từ các yếu tố như xung đột địa chính trị có thể làm giá cước tàu biển tăng mạnh, như từng xảy ra vào giai đoạn 2022 - 2023 khi xung đột Nga-Ukraine khiến chi phí vận chuyển từ Mỹ về Việt Nam tăng gấp 2-3 lần.

- Marketing và lợi nhuận của hãng xe, đại lý: các hãng có thể điều chỉnh giá bán dựa trên chiến lược kinh doanh, chứ không chỉ đơn thuần phản ánh sự thay đổi của thuế.

- Nâng cấp phiên bản xe: nếu mẫu xe được nhập khẩu là phiên bản mới với nhiều trang bị hơn, giá có thể không giảm, thậm chí còn tăng.

Xu hướng nhập khẩu ô tô tại Việt Nam

Những năm gần đây, tỷ trọng xe nhập khẩu tại thị trường ô tô Việt Nam ngày càng lớn. Năm 2021, doanh số xe nhập khẩu đạt 130.404 xe. Đến năm 2024, con số này tăng lên 171.571 xe, tương đương mức tăng trưởng 34%. Trong khi đó, xe lắp ráp trong nước chỉ tăng trưởng 12%.

Theo số liệu từ Cục Hải quan, 77% xe nhập khẩu vào Việt Nam đến từ Indonesia và Thái Lan, nơi có tỷ lệ nội địa hóa linh kiện ô tô trên 80% và được hưởng thuế nhập khẩu 0%. Điều này cho thấy các dòng xe từ Đông Nam Á vẫn là chủ lực trên thị trường ô tô nhập khẩu.

Dù Nghị định 73 chưa tạo ra tác động lớn ngay lập tức, nhưng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, UKVFTA sẽ giúp thuế nhập khẩu xe từ nhiều quốc gia tiếp tục giảm dần theo lộ trình.

Dự kiến, đến năm 2029 - 2030, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ nhiều thị trường sẽ về 0%. Khi đó, giá xe nhập khẩu có thể giảm mạnh, gia tăng sức cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước.

Tương lai ngành ô tô 2025: xe điện chững lại, hybrid và công nghệ lái tự động lên ngôi Tương lai ngành ô tô 2025: xe điện chững lại, hybrid và công nghệ lái tự động lên ngôi
Thị trường ô tô Đông Nam Á: xe Nhật thống trị, VinFast bứt phá với xe điện Thị trường ô tô Đông Nam Á: xe Nhật thống trị, VinFast bứt phá với xe điện

Vũ Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.