![]() |
Ảnh minh họa. |
Trách nhiệm pháp lý khi quảng cáo thương mại
Vụ việc Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị khởi tố về hành vi lừa dối khách hàng không chỉ là bước đi mạnh mẽ của cơ quan chức năng nhằm bảo vệ người tiêu dùng, mà còn là lời cảnh tỉnh đối với giới nghệ sĩ, người nổi tiếng về giới hạn của sức ảnh hưởng cá nhân trong các hoạt động quảng cáo thương mại.
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc khởi tố hình sự đối với vụ việc trên là một bước ngoặt quan trọng, thể hiện rõ quan điểm của cơ quan thực thi pháp luật rằng: đã đến lúc cần xử lý nghiêm minh hơn với hành vi quảng cáo sai sự thật, đặc biệt khi hành vi đó xuất phát từ những cá nhân có sức ảnh hưởng rộng trong xã hội.
Từ việc Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị xử lý hình sự thì nghệ sĩ, người nổi tiếng cần nhìn nhận lại vai trò và trách nhiệm của mình trong các chiến dịch quảng cáo thương mại. Sức lan tỏa từ một phát ngôn, một hình ảnh hay một lời bảo chứng của họ không đơn thuần là truyền thông, mà có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi tiêu dùng, sức khỏe và quyền lợi của hàng triệu người.
Theo Luật Quảng cáo hiện hành không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Do đó, chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo không đúng sự thật hoặc yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải là người đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm đó và có trách nhiệm về các nội dung mình cung cấp.
Để tránh rơi vào vòng lao lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nguyên Legalsun, Đoàn Luật sư TP Hà Nội khuyến cáo, nghệ sĩ, người nổi tiếng khi tham gia các hoạt động quảng cáo thương mại, cần lựa chọn đối tác phải có sự tỉnh táo và kiểm chứng. Trước khi nhận lời hợp tác, nghệ sĩ cần yêu cầu hồ sơ pháp lý đầy đủ về sản phẩm bao gồm: giấy phép lưu hành; kết quả kiểm nghiệm; công bố thành phần… Không nên đặt niềm tin hoàn toàn vào thông tin từ phía nhãn hàng, mà cần tự mình hoặc thông qua ê kíp rà soát kỹ lưỡng trước khi đưa sản phẩm đến công chúng.
Cùng vời đó là nội dung quảng cáo phải trung thực và đúng bản chất sản phẩm. Những cụm từ như "thần dược", "hiệu quả tức thì", "thay thế hoàn toàn"… cần được loại bỏ nếu không có cơ sở khoa học vững chắc. Ngoài thù lao, hợp đồng cần thể hiện rõ tính pháp lý, trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác từ phía nhãn hàng, cũng như các điều khoản xử lý khi xảy ra khiếu nại hoặc sự cố.
Tẩy chay nếu người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật
Luật sư Đinh Thị Nguyên cũng cho biết, hiện nay để tăng sức mua sản phẩm, hàng hóa, nhà sản xuất thường thuê các nghệ sĩ, các KOLs (người có sức ảnh hưởng) để quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên để tránh vướng vào lao lý, các nghệ sĩ phải nắm rõ các quy định pháp luật về quảng cáo và chế tài nếu vi phạm.
Cụ thể là quy định về sản phẩm, dịch vụ bị cấm quảng cáo và hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo thể hiện tại Điều 7 và Điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012. Có 16 hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo, trong đó có hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố... Hành vi quảng cáo sai sự thật tùy mức độ có thể bị xử phạt hành chính đến 80 triệu đồng theo khoản 5 Điều 34, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Hoặc có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Quảng cáo gian dối” hoặc tội “Lừa dối khách hàng”.
Trước vấn nạn quảng cáo sai sự thật, gây bức xúc dư luận, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn, thành viên ban soạn thảo sửa đổi bổ sung Luật Quảng cáo đã đưa ra những biện pháp chính để đối phó với tình trạng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật. Trước hết, khuyến khích người tiêu dùng tẩy chay đồng loạt những người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, đồng thời phản ánh và báo cáo kịp thời các trường hợp vi phạm đến cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Trường Sơn cũng lưu ý về việc cần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ quyền lợi của bản thân và cộng đồng thông qua các hành động pháp lý khi bị lừa đảo.
Ông Nguyễn Trường Sơn khẳng định, dù luật pháp có những chế tài xử phạt đối với từng cá nhân, tổ chức nhưng sự tự giác của mỗi người nổi tiếng, sự phát hiện, tố cáo, cùng với hành động tẩy chay mạnh mẽ của người tiêu dùng vẫn là những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn vấn nạn quảng cáo sai sự thật. Khi bị tẩy chay, người nổi tiếng sẽ mất đi cơ hội làm việc và buộc phải giữ gìn hình ảnh của mình. “Tẩy chay là hình phạt cao nhất để có thể giải quyết tình trạng quảng cáo sai sự thật. Khi bị tẩy chay, những người nổi tiếng sẽ mất nghề, vĩnh viễn không được nhãn hàng thuê làm quảng cáo nữa. Do đó, những người nổi tiếng bắt buộc phải giữ gìn hình ảnh của mình, bởi đó là “cần câu cơm” của họ nếu làm trong lĩnh vực quảng cáo” - ông Nguyễn Trường Sơn nói thêm.
Đồng quan điểm, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho biết, siết chặt hoạt động quảng cáo sử dụng hình ảnh người nổi tiếng hiện nay rất cần thiết. Các nghệ sĩ thường được mời làm hình ảnh đại diện, một số KOLs, nghệ sĩ quảng cáo cho các sản phẩm và dịch vụ, bán hàng online. Khi “chiếc bánh quảng cáo” quá lớn và màu mỡ, các giải pháp quản lý cần được siết chặt, không thể cứ mãi hỗn tạp. “Nên có các chế tài đủ sức răn đe, nếu vi phạm pháp luật thì xử phạt. Có thể có quy định cấm phát sóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng đối với các nghệ sĩ có vi phạm tùy theo mức độ: 3 tháng, 6 tháng đến 1 năm, thậm chí vĩnh viễn...” - GS.TS Từ Thị Loan đề nghị.
Trong bối cảnh mạng xã hội đang chi phối mạnh mẽ hành vi tiêu dùng và niềm tin của công chúng, việc xây dựng hành lang pháp lý vững chắc để kiểm soát quảng cáo là yêu cầu cấp bách. Khi luật pháp rõ ràng, chế tài đủ mạnh, người nổi tiếng mới ý thức rõ trách nhiệm của mình trước mỗi sản phẩm được mình giới thiệu - luật sư Đinh Thị Nguyên - Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nguyên Legalsun. |
![]() | Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục bị phạt 140 triệu đồng do quảng cáo "lố" |
![]() | Câu chuyện xin lỗi của người nổi tiếng và bài học về sức khỏe của người tiêu dùng |
Thái An
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/trach-nhiem-cong-dong-cua-nguoi-noi-tieng-415167.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.